LTS: Bài viết "Tuyết rơi ở Sapa: "Giới trẻ Việt ngày càng ích kỷ"!" ngay sau khi được đăng tải đã nhận được những ý kiến trái chiều từ phía dư luận, có người đồng tình, cũng có người phản bác ý kiến của tác giả. Dưới đây mời bạn đọc theo dõi bài viết của độc giả có tên là Hoàng Thị Kiều Nhi, với kiến giải khá đặc biệt về câu chuyện này.
Sau khi đọc bài “Tuyết ở Sapa: Giới trẻ Việt ngày càng ích kỉ!”, tôi xin có vài ý kiến làm sáng tỏ vấn đề, đương nhiên là tôi không đồng tình với ý kiến của bạn. Nhưng xét ở khía cạnh cảm tính, tôi có thể cảm thông với bạn. Tuy nhiên, thiết nghĩ, chúng ta cần suy xét vấn đề sâu rộng ra một chút.
Bạn đưa ra quan điểm lớp trẻ bây giờ sống ích kỉ và không để ý đến đời sống khốn khó của những người dân miền núi. Tôi hoàn toàn đồng cảm với bạn về những cảm xúc mà bạn có được và đã dành cho đồng bào miền núi. Bạn cũng đã đưa ra những ví dụ, dẫn chứng rất thuyết phục.
Nhưng bạn ơi, nói lớp trẻ bây giờ sống ích kỉ chỉ vì họ háo hức đi xem tuyết rơi, không để ý đến bà con thì e rằng quá khiên cưỡng và chụp mũ. Vì lẽ, yêu cái đẹp, yêu sự bí hiểm của thiên nhiên không bao giờ là lỗi cả!
Giới trẻ háo hức được đón tuyết rơi ở Sapa
Và khi các bạn trẻ còn biết lãng mạn, còn biết yêu vẻ đẹp của thiên nhiên, giống như đợt tuyết rơi ở Sapa lần này, điều đó cho thấy rằng tâm hồn của các bạn trẻ còn gần với thiên nhiên, còn nhạy cảm hay nói khác đi là yếu tố nhân cảm, nhân văn trong họ còn dồi dào. Không thể gọi sự háo hức đó là ích kỉ được, mà lẽ ra phải mừng vui mới đúng. Bởi trách nhiệm và bổn phận của các bạn trẻ không phải là tránh cái chỗ tuyết rơi ấy đi để trâu bò, heo gà khỏi chết!
Và tôi muốn nhấn mạnh rằng nếu các bạn trẻ ấy có chép miệng, lắc đầu, xa hơn một chút là góp tiền ủng hộ bà con đồng bào đang bị tuyết lạnh xâm thực (mà biết đâu trong chuyến du ngoạn, thăm tuyết rơi ở Sapa của họ có cả hành động này?!)… thì cũng chẳng thể làm tình hình khí lạnh và tuyết rơi ở Sapa ngừng được!
Vả lại, có một vấn đề lớn mà chúng ta cần đặt ra, đó là chính quyền địa phương ở các tỉnh Tây Bắc nên xây dựng những dự án để đối phó với những đợt khí lạnh giống như dân miền Trung đối phó với bão lụt hoặc người miền Tây Nam Bộ đối phó với mùa nước lũ, có như thế mới bền được.
Tôi nhớ không lầm, rừng Tây Bắc có nhiều cây cọ, lá cọ giúp nhà giữ ấm được tốt. Tại sao chúng ta không nghĩ đến những mô hình chuồng trại có phên, liếp bằng lá cọ cho mùa Đông, đến mùa Hè lại mở ra cho thoáng gió, cất những tấm lá (được kết thành mảng) vào một chỗ, mùa Đông năm sau lại buộc vào xung quanh chuồng trại để giữ ấm. Và tại sao chúng ta không nghĩ đến những lò sưởi, vì với bà con sống ở núi rừng, vấn đề củi đốt không phải là khó.
Người dân phòng chống rét
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương nên phối hợp với các ngành để hỗ trợ nguồn vốn (không là bao nhiêu cả, vì nguyên vật liệu có sẵn, chỉ tốn công và tốn suy nghĩ, thiết kế hợp lý) để tìm vài chuyên gia về các bản làng để tư vấn, hỗ trợ bà con làm mô hình chuồng trại giữ ấm.
Tôi đã nhiều lần thăm Sapa, và cũng nhiều lần đến đây trong mùa tuyết rơi. Những ngày như thế, xuống các bản làng thấy đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn . Tội nghiệp nhất là bà con ở đây vẫn luôn giữ nếp sống cổ xưa, cách thiết kế nhà cửa, chuồng trại vẫn chưa thể chống chọi được với những đợt mưa rét buốt.
Và cũng đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại vấn đề, biết tôn trọng sự chọn lựa của người khác và đặc biệt là đã đến lúc chúng ta xin lỗi vì đã mạo phạm đến những chọn lựa đầy lãng mạn, gần gũi thiên nhiên: Đi ngắm tuyết rơi ở Sapa sao có thể xem là hành động ích kỷ? Hơn hết, cũng đã đến lúc chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm giữ gìn thiên nhiên, môi trường của chúng ta.
Bạn đọc đồng tình hay phản đối quan điểm của tác giả nqviet? Hãy viết bài gửi về email [email protected] để bày tỏ quan điểm của mình.
BBT rất mong nhận được các bài viết của quý độc giả. Những bài viết HAY sẽ được xét trả nhuận bút trong vòng 24 giờ theo chế độ mới của Tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!