Mẹ vẫn nhớ cảm giác bất ngờ lẫn thất vọng khi gặp con lần đầu tiên. Có lẽ, mẹ đã tưởng tượng nhiều về cô gái đủ sức “kềm giữ” đứa con trai ngang tàng, ương bướng, kén chọn của mình. Nên mẹ không khỏi ngỡ ngàng thấy con nhỏ bé, đơn giản, rụt rè hơn cả mức cần thiết. Mẹ không giấu diếm sự phản đối của mình, rằng con như thế này, làm sao có thể cáng đáng nổi việc gia đình, gầy gò quá sợ không thể sinh con…
Mẹ không quên nỗi ác cảm khó chịu vì buộc phải nhượng bộ đứa con trai duy nhất “cương quyết cưới”. Lấy vợ là lấy cho con, không phải cho mẹ. Tuyên bố đó làm mẹ choáng váng và nghi ngờ rằng, có gì mờ ám ở đây chăng, khi một cô gái lại có “quyền lực” đến thế. Mẹ tò mò muốn biết, ẩn sau vẻ ngoài bình thường của con, là một người như thế nào.
Mẹ chẳng thèm che giấu thái độ xét nét, khó chịu, thậm chí là gắt gỏng với con, nàng dâu mới về. Con hồn nhiên sống, hồn nhiên quan tâm mọi thành viên trong nhà, như chẳng hề thấy, mẹ dõi mắt theo mọi thứ con làm để mà “bới lông tìm vết”. Con hồn nhiên bảo rằng, mẹ ơi, vui nhiều hơn, mẹ nhé. Mẹ vu vơ nghĩ ngợi, vu vơ nhớ câu nói ấy, khi còn lại một mình trong căn bếp nhỏ, lúc con vắng nhà…
Mẹ vẫn còn nguyên nỗi bực bội vô cớ khi thấy con hóa ra rất giỏi giang vun vén, có thể chu toàn việc nhà. Những bữa cơm đông đủ sum vầy, những lần cả nhà quây quần trong căn bếp thơm nức mùi thức ăn, cậu con trai vốn ưa hàng quán giờ chịu khó về nhà, hăm hở cầm đũa gắp gắp xới xới làm mẹ chạnh lòng, tự nhủ rằng “Hóa ra bao năm hầu hạ nó, mình vẫn chẳng bằng một… người dưng”.
Mẹ nhớ như in cảm giác mừng vui đến phát khóc khi ẵm đứa cháu nội sơ sinh trên tay. Mẹ muốn cười to lên rằng, ừ nhỉ, cuối cùng thì con cũng biết đẻ đấy chứ, nhìn thằng nhóc xem, sao mà yêu đến lạ! Nhưng mẹ đã im lặng, giả vờ như không có gì quan trọng, vì chẳng muốn con biết mẹ đang xúc động biết chừng nào…
Mẹ “để bụng” với những lần mẹ chồng con dâu hờn mát nhau vì tranh nhau một đứa trẻ, vì muốn người kia phải nhượng bộ theo ý mình. Trong nỗi vui chiến thắng, mẹ ngờ ngợ nhận ra, con dường như mỏi mệt hơn, bớt hồn nhiên hơn, nụ cười dường như cũng bớt tươi hơn thì phải… Để rồi, trong một lúc thinh lặng một mình nào đấy, mẹ tự ngẫm ngợi nhìn lại, thấy cũng… thương thương, nhưng thật ngại nếu như mẹ phải thừa nhận cảm giác đó của mình là có thật.
Mẹ không muốn phủ nhận rằng, khó khăn lắm, mẹ mới có thể chia sẻ cùng con những lời từ thâm tâm này của một “bà già” khó tính, hay bắt bẻ, rằng bà già ấy, quả là có sai, và nhiều lúc cũng muốn “hạ mình” thừa nhận rằng, nhờ có con, mà gia đình mình mới đầm ấm, viên mãn; mẹ mới cảm nhận được không khí yêu thương tràn ngập, hạnh phúc của người làm bà, làm mẹ có con cái quây quần bên cạnh.
Mẹ biết con chịu nhiều vất vả thiệt thòi, con đã chẳng chấp nê với mẹ, nên cuộc chiến hoa hồng ở nhà mình mới tránh được… Mẹ muốn làm gì đó, thay đổi gì đó, để con hiểu rằng, mẹ không chỉ biết âm thầm ghi nhận mà thôi…