Câu lạc bộ (CLB) cung đạo được thành lập năm 2012 bởi một số bạn trẻ yêu văn hóa Nhật Bản. Ban đầu có hơn 40 thành viên với đủ thành phần, lứa tuổi tham gia. Hiện tại CLB sinh hoạt tại Nhà văn hóa Cầu Giấy và địa điểm khác trên đường Hồ Đắc Di. Nhiều người biết đến cung đạo thông qua các bộ phim hoạt hình, truyện tranh manga.
Các bộ cung và phụ kiện đều phải mua từ Nhật Bản. Giá mỗi chiếc cung từ 6 đến 15 triệu đồng (tùy chất liệu làm bằng tre hay sợi các bon). Hiện tại, CLB có 4 cây cung do các thành viên tự bỏ tiền ra mua, một số người có điều kiện thì mua riêng.
Học cung đạo có 10 đẳng (tương đương lên đai như các bộ môn võ). Hiện tại nếu muốn lên đẳng, các thành viên phải học ở Việt Nam sau đó sang Nhật bản để thi lên đai. Suda là thầy giáo tại CLB cung đạo. Anh trước kia là thầy giáo dạy tiếng Nhật tại Nam Định, sau đó được mời về Hà Nội dạy cung đạo cho các bạn trẻ. Suda có nhiều năm kinh nghiệm học cung đạo tại quê hương, hiện tại anh đeo 2 đẳng.
Đối với các bạn trẻ mới bắt đầu vào học, họ sẽ được những người có kinh nghiệm chỉ dạy. Trong cung đạo có 8 động tác từ lúc di chuyển đến buông tên. Mỗi động tác đều được thực hiện dứt khoát, theo quan niệm của người Nhật, học cung đạo không chỉ là một môn thể thao, đó còn là nghi lễ.
Việc cầm tên di chuyển, mắt nhìn thẳng, vai nâng lên hợp lý để lấy sức giơ cung đòi hỏi người học mất từ 3 đến 6 tháng.
Nhiều thành viên chia sẻ, nếu không có sự kiên nhẫn, rất dễ bỏ cung đạo vì học xong những động tác cơ bản mới được bắn cung có mũi tên thật.
Mai Anh, học sinh lớp 8 trường THCS Đoàn Thị Điểm học bắn cung được 3 tháng. Hiện em học những động tác cơ bản nhất của cung đạo. Mai Anh chia sẻ: "Em thích văn hóa Nhật Bản, qua truyện tranh biết đến cung đạo nên quyết tâm theo học bộ môn này".
Thông thường phụ kiện của cung rất đắt đỏ, hầu hết phải nhập từ Nhật Bản. Mỗi bộ dây cung thuộc loại chuẩn có giá tiền triệu. Chưa kể phải có thêm bột bôi vào cung để tay bắn đỡ ra mồ hôi.
Ngoài ra, người học phải đầu tư bao và găng tay cùng bộ đồng phục có tên gọi là Hakama. Mỗi bộ đồng phục bên Nhật có giá 2 triệu đồng, mua ở Việt Nam là 750.000 đồng.
Anh Uemura sang Việt Nam làm việc và tình cờ biết đến câu lạc bộ cung đạo. Uemura cho biết: "Tôi tìm trên mạng và đăng ký tham gia cùng mọi người để nâng cao sức khỏe, rèn luyện trí lực, trước khi sang Việt Nam tôi có 6 năm học cung đạo bên Nhật Bản".
"Đối với người Nhật cây cung và mũi tên là những vật thể đầy tôn kính, được gửi gắm tinh thần và sử dụng một cách ngưỡng vọng. Cung đạo không hẳn là môn thể thao mà còn được coi như là một nghi thức tôn giáo. Tư tưởng của Kyudo nói về năng lực phát huy từ việc rèn luyện sự kiên nhẫn", anh Uemura cho biết thêm.
Học cung đạo được 6 tháng, bạn Thanh đã có thể bắn cung khá thành thạo. Thanh cho biết, mình học cung đạo để nâng cao sức khỏe và tính kiên nhẫn.
Trong các thao tác giương cung và buông tên, cung thủ đứng lên, bước về phía tấm bia theo nghi thức nghiêm trang. Sau khi buông tên, cung thủ đi ra và làm lễ trước khi rút tên khỏi bia. Những người học thành thạo từ 3 đến 5 năm có lực bắn cung rất cao, từ 20 - 30kg.