Thế giới vô thanh thú vị của nhà tạo mẫu tóc câm điếc

Công Luận |

Thành không nói được, không nghe thấy mọi âm điệu xung quanh. Nhưng đổi lại, Thành có đôi bàn tay tài hoa và một tâm hồn đầy yêu thương.

Sinh ra trong một gia đình bình thường nhưng Nguyễn Thái Thành (SN 1991)  lại bị câm điếc bẩm sinh. Để thích nghi với cuộc sống vô thanh, chàng trai trẻ đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Đối với Thái Thành, việc được làm quen với ngôn ngữ ký hiệu và học cắt tóc là hai bước ngoặt lớn của cuộc đời. Nhờ đó mà anh mới thật sự tìm thấy niềm tin và niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Thái Thành có salon tóc riêng, công việc của anh cũng khá bận rộn nên sau nhiều lần hẹn, tôi mới có được một cuộc gặp gỡ chính thức. Trong thời gian chờ đợi, cũng có lúc tôi nghĩ rằng mình sẽ bị từ chối, rằng chàng trai đến từ Bắc Giang có lẽ vẫn còn e ngại khi chia sẻ về bản thân trên báo chí. Thế nhưng khi được tiếp xúc với anh, tôi đã nhận ra mình hoàn toàn sai lầm khi có suy nghĩ đó. Thái Thành thân thiện, dễ gần và luôn nở nụ cười trên môi.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi có sự hiện diện của một người thứ ba bởi Thành không thể nghe được, còn bản thân tôi lại hoàn toàn xa lạ bởi ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi phải nhờ đến phiên dịch, cô sinh viên trường Sân khấu điện ảnh cũng chính là người bạn thân của Thành.

Từ khi biết được ngôn ngữ ký hiệu, cuộc sống của Thái Thành đã sang một trang khác.

Từ khi biết được ngôn ngữ ký hiệu, cuộc sống của Thái Thành đã sang một trang khác.

Qua lời cô ấy, Thành chia sẻ: “Tôi bị câm điếc bẩm sinh. Từ khi lọt lòng và cho đến bây giờ, tôi hoàn toàn không nghe thấy gì. Nhìn bạn bè đồng trang lứa chơi đùa, cười nói với nhau vui vẻ, bản thân tôi nhận ra sự khác biệt và bắt đầu cảm thấy lo lắng. Tôi không biết chuyện gì xảy đến với mình.

Ba mẹ tôi đều là người nghe được. Thế nên, khi nhận ra rằng con trai bị câm điếc, hai người ban đầu còn không tin vào sự thật đó. Sau nhiều lần thử gọi tôi nhưng không thấy phản ứng, cả hai mới đau đớn chấp nhận sự thật.

Ba mẹ cũng đã cố gắng đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi nhưng đều không mang lại hiệu quả. Tôi đã thử rất nhiều cách, rất nhiều phương pháp, từ uống thuốc, châm cứu, xung điện..., trải qua rất nhiều mệt mỏi và đau đớn nhưng không có tiến triển.

Đến tuổi đi học, tôi cũng đến trường cùng các bạn bè khác. Ban đầu chỉ là học chữ cái nhưng tôi cũng không thể nhận biết được cô giáo đang dạy điều gì. Cô luôn phải tới tận nơi để cầm tay chỉ bảo, tôi mới biết được đây là chữ a, chữ b.

Lên những lớp cao hơn, sức học của tôi bị tụt lại hoàn toàn so với các bạn. Tôi chỉ có thể nhận biết được những từ đơn giản, ví dụ như ba, mẹ, xin chào... còn nghĩa của một câu dài thì không thể nào hiểu được. Ví như môn Toán, tôi chỉ có thể làm được những phép tính đơn giản như 1+1=2 và cố gắng nắm rõ bảng cửu chương. Khi gặp bài toán lồng ghép nhiều phép tính với nhau là tôi không thể làm được gì.

Những cảm xúc đời thường vui sướng, hạnh phúc, đau khổ… với tôi cũng khác với mọi người. Tất cả mọi thứ, tôi chỉ thể hiện được qua ánh mắt và dáng điệu của mình.

Mọi chuyện thay đổi vào năm 13 tuổi, khi tôi được lên Hà Nội để bắt đầu học ngôn ngữ kí hiệu, ngôn ngữ mẹ đẻ của những người câm điếc. Đến khi đó, tôi mới thực sự tìm thấy được con người mình. Tôi có thể nói được những điều mình nghĩ cho người xung quanh hiểu và cảm nhận rõ hơn về mọi thứ bên cạnh. Tôi cũng cảm thấy hạnh phúc khi có ai đó cố ra hiệu với tôi để tôi hiểu ý họ”.

Ông trời không cho ai tất cả và không lấy của ai mọi thứ. Tuy Thành không nghe được, nhưng đổi lại, Thành có khả năng quan sát, óc thẩm mỹ và một đôi tay tuyệt vời. So với bạn bè đồng trang lứa, Thành luôn tỏ ra vượt trội trong môn hội họa. Mắt nghệ thuật và những sản phẩm của Thành thường được đánh giá cao. Đó cũng là một phần động lực để chàng trai 23 tuổi này bắt đầu đi học cắt tóc.

Vào giữa năm 2007, tôi đã bắt đầu học cắt tóc. Khi đó, tôi học ở dưới Bắc Giang và thầy là người nghe bình thường. Không được nghe thầy giảng, tôi chỉ cố thể cố gắng tập trung hết sức vào từng động tác của thầy, ghi lại tất cả những điều tôi cẩm nhận được và luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng, nỗ lực... Và rồi cũng đến một ngày tôi cũng được thử sức với vị khách đầu tiên dù chỉ là một tay mơ với nửa năm học nghề, chưa chút kinh nghiệm.

Tôi nhớ mình đã rất lo lắng và run. Tôi không thể giao tiếp nên chỉ có thể hiểu ý khách qua kí hiệu và nhờ người khác “chỉ điểm” hộ. Làm tóc xong, mặt người khách ấy vẫn giữ nguyên trạng thái rất nghiêm nghị, khiến tôi càng lo sợ. Nhưng sau đó, cô ấy bỗng nhiên nở nụ cười, chỉ từng ấy thôi cũng đủ để trút bỏ gánh nặng trong lòng tôi.

Không lâu sau, người khách ấy lại đến và lần này, cô ấy cảm thấy vui vẻ hơn nhiều so với lần đầu. Cô nói lời cảm ơn và thắc mắc vì sao không nghe thấy tôi nói gì? Lúc đó, tôi đã phải viết ra giấy dòng chữ: ‘Vì cháu không thể nghe được, không nói được. Sợ cô không tin vào tay nghề của cháu, nên cháu phải làm vậy’.

Rồi khi nhận được lời đáp ‘Không sao mà, người câm điếc thì có vấn đề gì. Tay nghề của cháu tốt lắm, cô rất thích’. Thực sự lúc đấy, tôi cảm thấy rất hạnh phúc như vừa được nhận một món quà vô cùng tuyệt vời.

Sau đó, tôi đi học nâng cao về nghề tạo mẫu tóc, đồng thời học luôn cả nghề trang điểm và cũng giành được một số thành tựu như Cây cọ vàng 2013. Lẽ dĩ nhiên, để có được thành công đó, tôi cũng đã phải cố gắng, cố gắng rất nhiều, hơn cả khi mới đi học cắt tóc nữa.

Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc trong lần đầu tiên được chăm sóc cho người nổi tiếng. Người được tôi trang điểm hôm đó là Hoa hậu Thuỵ Vân. Tôi cũng đã sợ rằng cô ấy không tin tưởng một người không thể nghe nói bình thường như tôi. Vậy nên, tôi đành vờ rằng mình là người Hàn Quốc nên không thể giao tiếp bằng tiếng Việt.

Sau khi mọi việc hoàn tất. Cô ấy ra hiệu rất hài lòng với những gì tôi đã làm, lúc ấy tôi mới thực sự yên lòng và mới dám thú nhận rằng mình là người Việt Nam và bị khiếm thính”.

Từ một chàng trai rụt rè, thường xuyên cảm thấy lo sợ khi giao tiếp với những người chung quanh, Thái Thành đã trở thành một cây kéo được nhiều người tin tưởng. Chàng trai trẻ không còn phải nói dối mình là người Hàn Quốc nữa, thay vào đó, anh đã đủ tự tin để nhờ khách hàng cầm bút ghi vào giấy yêu cầu của họ.

Hiện tại, sau nhiều năm học nghề và trải nghiệm, Thái Thành đã có salon tóc của riêng mình. Đây cũng là nơi anh dành để giúp đỡ những người có hoàn cảnh tương tự hòa nhập và có công việc làm ổn định.

Tôi cũng muốn giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh giống như tôi, giúp họ có một công việc trong tay vì hơn ai hết, tôi hiểu được những khó khăn mà người câm điếc gặp phải trong cuộc sống này”, anh chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại