Sau khi thông tin về cậu học sinh lớp 5A (trường Tiểu học số 3 Hoà Xuân Đông, Đông Hoà, Phú Yên) phải bán bánh xèo nuôi mẹ và cậu tâm thần cùng bà ngoại già yếu, rất nhiều sao Việt, cộng đồng mạng, người dân trong và ngoài nước đã cùng nhau chia sẻ và .
Phóng sự xúc động về bé Trọng Ơn
Liên hệ với Đài PT - TH Phú Yên, đơn vị thực hiện phóng sự này, đại diện đài cho biết, sau khi clip được lan tỏa đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức gọi điện về Đài hỏi thăm và mong muốn được giúp đỡ em Trọng Ơn. Theo thông tin chúng tôi cập nhật được, tính đến sáng 6/10, số tiền ủng hộ cho Trọng Ơn đã được hơn 100 triệu đồng và chắc chắn chưa dừng lại ở đó.
Để có được sự lan tỏa trong cộng đồng lớn như vậy, một phần quan trọng chính nhờ phóng sự về em lấy nước mắt của xem bởi sự chân thực và cảm động mà nó mang đến. Người trực tiếp thực hiện phóng sự này chính là anh Lê Thoại Kỳ (Phụ trách chương trình Nhịp cầu nhân ái) cùng với ekip của Đài. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Thoại Kỳ để tìm hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của em Trọng Ơn, cũng như quá trình thực hiện phóng sự.
Chào anh Thoại Kỳ, phóng sự về cậu bé Huỳnh Trọng Ơn do anh cùng ekip của Đài thực hiện đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân cũng như cộng đồng mạng. Anh có thể chia sẻ một chút về clip này được không?
Thật sự tôi cũng không nghĩ clip này lại lan tỏa đến như thế, không chỉ có người dân trong tỉnh mà người dân cả nước, thậm chí là những độc giả ở Anh, Pháp, Mỹ cũng gọi điện về hỏi thăm hoàn cảnh của em Ơn. Tôi rất mừng vì em Ơn đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều người.
Anh biết tới hoàn cảnh của Huỳnh Trọng Ơn qua đâu?
Đó là thời điểm khi tôi nhận được đơn thư về một em học sinh có nguy cơ phải nghỉ học. Hàng ngày, em đúc bánh xèo nuôi mẹ bị tâm thần, cậu cũng bị tâm thần và bà ngoại đã già yếu ngoài 90 tuổi.
Ngay khi nhận được đơn thư, chúng tôi đã làm việc với Trung tâm Công tác xã hội của tỉnh – một đơn vị nhà nước quản lý trẻ em, phối hợp với xã và biết được hoàn cảnh của em Ơn rất đáng thương. Ngay hôm sau, chúng tôi tiến hành thực hiện phóng sự về cậu bé.
Khi thực hiện clip, điều gì khiến anh không thể nào quên?
Hình ảnh ám ảnh tôi mãi đó chính là lúc giữa trưa nắng Ơn đi tìm mẹ về, mẹ em đánh em, và không chịu về, khiến em năn nỉ mãi. Đó là hình ảnh khiến tôi luôn đau đớn.
Điều khiến tôi không thể nào quên được chính là câu nói của cậu bé học lớp 5. Lúc tôi hỏi: “Mẹ bị bệnh thì thế nào?”, em bảo: “Khi mẹ bệnh mẹ đánh vào đầu con”. Tôi lại hỏi: “Vậy con có thương mẹ không?”. Đối với những đứa trẻ có suy nghĩ ngây ngô khác, có thể các em sẽ nói giận mẹ, nhưng Trọng Ơn lại nói rằng: “Con không giận mẹ, con thương mẹ, vì mẹ sinh ra con, nuôi dưỡng con”…
Và hình ảnh khi Trọng Ơn ngồi học, em không có bàn học nên phải lấy ghế dành cho khách ăn bánh xèo, kê sách lên để học. Lúc đó, em nói: “Em chỉ ước có một cái bàn học thôi”.
Theo anh, clip này đã chuyển tải hết sự cơ cực trong cuộc sống mà em Ơn đã phải trải qua hay chưa?
Tôi nghĩ chỉ trong 5, 6 phút để gói gọn được nỗi khổ của em là không thể đủ. Bởi ngoài bán bánh xèo, em còn đi nhặt nhôm nhựa kiếm thêm. Mùa hè thì em vào TP.HCM bán vé số, em nghỉ hè tới tận 4 tháng, vào học muộn hơn so với các bạn nhưng lại học rất giỏi.
Cảm xúc của anh thế nào trong quá trình thực hiện clip?
Thật tình mà nói, ngay từ khi mới nhận được đơn thư về hoàn cảnh của em Trọng Ơn, tôi đã thấy xúc động. Bởi hoàn cảnh của bé giống hoàn cảnh của tôi lúc nhỏ, khi đó, tôi 1 tuổi, mẹ tôi bỏ đi, còn lên lớp 6 thì ba tôi mất. Tôi sống với bà nội và hai bà cháu mưu sinh nuôi nhau. Bà nội tôi cũng bán bánh xèo và tôi phụ việc cho bà ở ngoài chợ. Chính vì thế, đọc đơn thư tôi xúc động, đồng cảm lắm. Và khi gặp em Trọng Ơn thì càng cảm phục hơn nữa tấm lòng hiếu thảo của em.
Theo anh, điều gì khiến clip này lan tỏa như vậy?
Đó chính là sự đồng cảm. Tôi đã gặp nhiều trường hợp khó khăn như em Ơn và khó khăn hơn nữa, khi chính bạn có sự đồng cảm, sự đau đớn cùng nhân vật thì ngay lập tức bạn sẽ hiểu mình cần làm gì để người xem bật khóc.
Có thể, nhiều người khi xem clip về Ơn sẽ nghĩ tới ngày xưa mình đã khổ như vậy, hoặc có thể nghĩ mình chưa hiếu thảo được với cha mẹ như chính cậu bé lớp 5 này. Với riêng bản thân tôi, vì hoàn cảnh của tôi mẹ bỏ đi, cha mất nên tôi hiểu những em nhỏ này cần gì và muốn điều gì.
Hiện tại, clip về Trọng Ơn đang được chia sẻ mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, rất nhiều người đã giúp đỡ, ủng hộ cậu bé. Anh có ý kiến gì về việc giúp đỡ bé Ơn thế nào cho hiệu quả, lâu dài, chứ không phải chỉ từ thiện nhất thời?
Song song với việc làm ở Đài PT và TH tỉnh, tôi có tham gia chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai được 5 năm rồi. Thông thường, đối với các hoàn cảnh chúng tôi thường giúp đỡ bằng cách kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, sau đó lập sổ tiết kiệm có tên các em và kết nối với các nhà hảo tâm.
Tôi chỉ lo lắng nhất, đối với từng trường hợp đã được giúp đỡ, mình chỉ nên giúp đỡ ở một chừng mực nào đó thôi, vì cũng có rất nhiều hoàn cảnh khác cần nhận sự giúp đỡ từ phía mọi người, ở tỉnh Phú Yên cũng có nhiều trường hợp còn khổ hơn cả Trọng Ơn nữa.
Tôi đã rất mừng khi không chỉ độc giả trong nước mà còn có cả độc giả nước ngoài cũng giúp em Ơn. Nhưng với 1 đứa trẻ việc nhận được nhiều sự giúp đỡ bằng tiền là khá nguy hiểm, có thể em sẽ có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Tôi hơi lo lắng vấn đề này, chỉ mong mọi người thường xuyên theo dõi, nếu em đã có nhiều sự giúp đỡ rồi thì mọi người hãy dành sự giúp đỡ cho những người khác nữa.
Anh có cảm thấy áp lực khi có rất nhiều người gọi điện tới hỏi thăm về Trọng Ơn?
Thời gian gần đây, khi clip về Ơn nhận được sự quan tâm, hàng ngày tôi lên bưu điện nhận tiền cho em, tới bữa cũng không có thời gian ăn vì còn nghe điện thoại. Khoảng 4 ngày nay, cứ khoảng 5, 6 giây tôi lại nghe điện thoại. Mặc dù có chút áp lực nhưng tôi rất vui vì nhờ những tấm lòng hảo tâm Trọng Ơn và gia đình sẽ bớt cực khổ hơn. Nhưng cũng có không ít người gọi điện tỏ vẻ nghi ngờ và không tin tưởng tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó cũng là cảm xúc bình thường vì mọi người ủng hộ muốn được đến tận tay em nên tôi cũng trao đổi với họ rất ôn hòa mặc dù có chút buồn.
Sau đó, tôi đã bàn với xã chở em Ơn tới ngân hàng, mở cho em sổ tiết kiệm và ai hỏi thì nhắn số tài khoản của Ơn cho họ. Và tính tới sáng 6/10, sổ tiết kiệm của Ơn đã có 150 triệu đồng.
Được biết, đây không phải clip, hay nhân vật duy nhất anh đã từng làm phóng sự và kêu gọi giúp đỡ. Có thể nói, việc được nhìn những người nghèo có cuộc sống bớt khó khăn hơn chính là động lực để anh thực hiện những phóng sự như thế này?
Tôi làm ban chuyên đề Nhịp cầu nhân ái nên đã tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khó khăn. Và hơn nữa chính hoàn cảnh của tôi cũng đã khó khăn nên tôi muốn mình vừa có thể làm việc, vừa làm từ thiện xã hội. Đó chính là tâm nguyện của tôi. Tôi cũng làm chương trình Đom đóm thắp sáng tương lai tỉnh Phú Yên. Đây là chương trình quay lại hoàn cảnh của các em học sinh nghèo, 3 tháng sẽ thực hiện tại 1 huyện và đã giúp đỡ cho hàng chục em nhỏ được tiếp tục tới trường.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ này! Chúc anh nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc ý nghĩa của mình.
Mọi sự giúp đỡ xin liên hệ:
Đài PT- TH Phú Yên, SĐT: 057.3824095
Trung tâm giúp đỡ trẻ em Phú Yên, SĐT: 057.3890000
Huỳnh Trọng Ơn
Học sinh lớp 5A, trường Tiểu học số 3 Hoà Xuân Đông, Đông Hoà, Phú Yên.
STK 040033083620 (mang tên Huỳnh Trọng Ơn) Ngân hàng Sacombank chi nhánh Phú Yên.