Sự nhiệt tình phục vụ khách - câu chuyện đáng suy ngẫm tại 1 nhà hàng Việt Nam và 1 khách sạn ở Pháp

Kim Anh |

Những nhân viên trong quán cafe nói với vị khách rằng quán đã hết trứng gà dù tiệm tạp hóa chỉ cách đó vài bước chân, một người chủ nhà hàng chạy về nhà để tìm cho được dây sạc phù hợp với điện thoại của khách. Hai câu chuyện được kể khiến không ít người phải suy ngẫm...

Gần đây, một status chia sẻ suy nghĩ về thái độ phục vụ khi vào ăn sáng tại một quán ăn trên đường Hoàng Việt (Tân Bình, TP. HCM) đã thu hút sự chú ý của nhiều người.

Theo chia sẻ của T.H.H, nhân viên phục vụ tại đây là các em sinh viên thực tập ngành quản trị nhà hàng khách sạn. Thực đơn bữa sáng của quán khá là đơn giản: "Thức ăn chỉ có bánh mì ốp la/cá mòi hộp và phở".

Món chị H. chọn là bánh mì ốp la nhưng sau đó lại nhận được câu trả lời từ một trong số các bạn nhân viên rằng quán hết trứng gà và phiền chị đổi sang món khác.

Tuy vẫn đồng ý đổi món nhưng điều chị H. băn khoăn đó là chị nhìn thấy cách vài bước chân có một tiệm tạp hóa đã mở cửa, cách vài chục mét là một cửa hàng tiện lợi khác.

Và tại sao trong số những bạn thực tập sinh đang phục vụ đằng kia, không bạn nào chủ động chạy qua mua khay trứng gà để phục vụ bữa sáng cho khách hàng của mình?

Đây nằm ở thái độ học tập và khả năng ứng biến tình huống của các bạn sinh viên hay nằm ở phương pháp của người hướng dẫn các bạn?

Chị H.H.kể lại tình huống chị đã gặp ở thành phố Cannes (Pháp), chị được anh lễ tân đồng thời là chủ khách sạn nhiệt tình chạy về tận nhà mang cả bó sạc điện thoại đến khi chị cần mà cả khu vực không có.

Bài chia sẻ của chị T.H.H. trên mạng xã hội.
Bài chia sẻ của chị T.H.H. trên mạng xã hội.

Chúng tôi xin trích dẫn đoạn status:

"KHÔNG THỂ VÀ CÓ THỂ - VIỆT NAM SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Sáng nay, tôi ăn sáng ở đường Hoàng Việt (Tân Bình). Đây là quán mở để vừa bán hàng vừa cho sinh viên ngành quản trị nhà hàng khách sạn thực tập.

Thức ăn chỉ có bánh mì ốp la/cá mòi hộp và phở. Quán có không gian rộng, mát, ngay mặt tiền. Tôi gọi bánh mì ốp la, các em đi vào rồi đi ra báo hết trứng gà. Em nói chị cảm phiền ăn phở hoặc bánh mì cá mòi. Tôi ok, đồng ý ăn bánh mì cá mòi.

Ở đó, tôi đếm có đến 10 em sinh viên thực tập đang đứng túm tụm, thêm mấy người nhân viên của quán, thêm quản lý hay cô giáo gì đó nữa. Cách quán mấy bước chân là tiệm tạp hóa đã MỞ CỬA.

Cách vài chục mét là cửa hàng tiện lợi. Tại sao không em sinh viên nào xung phong đi mua trứng gà?

Tại sao quản lý quán/cô giáo không xem đây là một tình huống điển hình thường gặp và hướng dẫn các em xử lý – cho một case study về sự nhiệt tình phục vụ khách?

Đã có thể một bài học vô giá về việc không có gì là không thể nếu như bạn thực sự muốn! Nhưng...

Hai năm trước, tôi đến Cannes – thành phố biển nổi tiếng của Pháp. Tôi bỏ quên dây cáp sạc điện thoại. Khách sạn nhỏ xíu, ngoại ô. Tôi hỏi lễ tân:

- Tôi cần đi đâu để mua dây cáp sạc điện thoại? Anh ta hỏi tôi điện thoại gì, rồi chạy vào kho, lôi ra ba bốn cọng cáp gì đó. Nhưng không có cái nào vừa.

Anh ta hỏi tôi: - Cô có thể coi khách sạn giùm tôi không? Tôi chạy về nhà kiếm cho cô, hôm nay thứ bảy, cả khu vực này không có cửa hàng nào mở cửa bán đâu.

Tôi hỏi: - Anh dám giao cho tôi hả?

Anh ta cười:- Tôi tin cô!

Nói là làm, anh ta bước đi, còn dặn dò tôi hễ có khách đột ngột thì bảo người ta đợi, nhớ rót nước cho người ta uống, kêu đợi tao xíu tao về liền!

40 phút sau, anh ta VÁC một bịch to đùng, đủ loại, tôi và anh ta hì hục thử nhưng đành bó tay.

Anh ta đưa điện thoại cho tôi: - Cô dùng đi, cuộc gọi nào quan trọng thì gọi, tôi không lấy tiền cước đâu!

Tôi cảm ơn nhưng từ chối. - Hãy cho tôi biết tên, tôi sẽ ghi lại thư cảm ơn và gửi đến chủ khách sạn này để ông ta/bà ta biết rằng mình có một người lễ tân tận tụy như thế nào, lần sau tôi sẽ lại đến đây

Anh ta cười hết cỡ: - Tôi cảm ơn cô, nhưng tôi là chủ. Đúng ra là hai anh em tôi là chủ, chúng tôi từ Ý qua đây 15 năm nay…Lần sau cô đến Cannes, nhớ ghé.

Ba năm nữa, chúng tôi có khách sạn 4 sao gần khách sạn Martine rồi, vì tụi tôi đang xây nó, 3 năm nữa là xong…

Tôi không có ý so sánh. Nhưng, việc nhỏ nếu không nỗ lực thì việc lớn sẽ không bao giờ làm được, và cơ hội nhỏ không biết hết lòng thì cơ hội lớn cũng sẽ không đến.

Trở lại với cái quán – kiêm nơi thực tập của sinh viên, với địa thế đó, hoàn toàn có thể có nhiều khách hơn và sinh viên được dạy tốt hơn".

Qua hai câu chuyện, người ta có thể thấy được thái độ phục vụ khách khác nhau giữa những cô nhân viên thực tập và anh chủ khách sạn ở Pháp.

Ở trong một tình huống không mấy khó khăn để giải quyết, nhưng anh chủ khách sạn thay vì vẫn nói với khách rằng chúng tôi không có dây sạc thì anh lại tận tình, nỗ lực tìm kiếm để mang đến sự phục vụ tốt nhất cho khách hàng của mình.

Trong khi đó, những cô nhân viên thực tập chọn giải pháp đơn giản nhất là yêu cầu khách đổi thực đơn.

Các sinh viên thực tập cần lý thuyết làm nền, nhưng cũng cần khéo léo áp dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể sao cho hợp lí và đạt kết quả tốt hơn.

"Việc nhỏ nếu không nỗ lực thì việc lớn sẽ không bao giờ làm được, và cơ hội nhỏ không biết hết lòng thì cơ hội lớn cũng sẽ không đến"- chị H.H. viết.

Bài chia sẻ của chị cũng nhận được khá nhiều sự đồng tình từ cộng đồng mạng. "Sự nhiệt thành luôn là điều cần thiết trong mọi trường hợp ạ!"- bạn T.V.H bình luận.

"Các bạn chỉ làm cho hết trách nhiệm thôi chứ phục vụ hời hợt lắm!" - D.K bày tỏ.

Đa phần độc giả đều cho rằng bên cạnh những bạn trẻ sống tích cực, biết mình cần gì, muốn gì, tích cực tham gia hoạt động xã hội và học tập đạt nhiều thành tích tốt thì các bạn trẻ hiện nay đa phần còn khá thụ động, sống nặng kiến thức sách vở và chưa đi sâu vào thực tế.

Chúng ta là những người trẻ, lại sống trong thời đại mới, thiếu đi sự chủ động là chúng ta sẽ mất đi cơ hội để khẳng định mình.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại