Bạn đọc Gia Huy ở địa chỉ mail: [email protected] phản ánh, Tôi đang đi trên đường thì có tín hiệu của cảnh sát giao thông dừng xe và thông báo tôi mắc lỗi rẽ phải không có đèn tín hiệu (được cảnh sát hóa trang dùng camera chuyên dụng ghi lại cách đó 500m).
Vậy tôi không mắc lỗi đó thì tôi phải đi lại đoạn đường trước đó để xem lại đoạn video về lỗi của mình hay CSGT phải có trách nhiệm mang bằng chứng lại cho tôi xem trước khi lập biên bản.
Mong nhận được câu trả lời vì tôi từng bị trường hợp tương tự như trên giữa 14 giờ, trời nắng gắt mà đi bộ quay lại xem thì mình không mắc lỗi rồi lại đi bộ quay lại.
Trả lời:
- Về việc xi nhan để rẽ chúng tôi xin trả lời như sau:
Tại khoản 1 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ quy định về chuyển hướng xe như sau: “Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ”.
Đồng thời, tại điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định về xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe ôtô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ quy định:
Phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây: Chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; (điểm a khoản 2).
Đối với xe môtô, xe gắn máy, tại điều 9 Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ cũng quy định:
- Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau đây:
+ Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước (điểm a khoản 2).
Như vậy, mặc dù phía trước bạn chỉ có 1 hướng rẽ phải nhưng bạn vẫn phải bật đè xi nhan để báo hướng rẽ nhằm bảo đảm an toàn cho xe di chuyển phía sau. Và nếu không thực hiện đúng bạn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
*/ Về việc cảnh sát giao thông hoá trang dùng camera chuyên dụng để ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông đã được Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty Luật Fanci (Đoàn Luật sư Hà Nội) trả lời rõ trong bài CSGT có được hoá trang bắn tốc độ hay không?.
Theo các quy định hiện tại thì CSGT được phép hoá trang dùng các thiết bị chuyên dụng nhằm để xử lý triệt để các trường hợp vi phạm giao thông.
*/ Đối với việc yêu cầu cảnh sát giao thông cho xem lại hình ảnh vi phạm. Như đã đươc Luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng văn phòng Luật Interla (Đoàn Luật sư Hà Nội) trả lời trong bài Người dân có được yêu cầu CSGT cung cấp hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm không?
Theo Thông tư 27/2009/TT-BCA, người điều khiển phương tiện giao thông ở đây có quyền yêu cầu được cung cấp các hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm này.
Nếu cảnh sát giao thông có hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm tại đó, sau khi cho người vi phạm xem thì tiến hành lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Còn nếu cảnh sát giao thông không thể cung cấp ngay hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm tại đó thì phải lập biên bản tại thời điểm đó và ghi rõ, việc chưa thể cung cấp hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm, đồng thời hẹn người điều khiển đến trụ sở hoặc cơ quan có thẩm quyền để được cung cấp hình ảnh đó.
Khi người điều khiển phương tiện giao thông tới nơi được hẹn như trong biên bản, nếu cơ quan cảnh sát giao thông cung cấp được hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm tại thời điểm bị dừng xe thì mới tiếp tục được ra quyết định xử phạt đối với lỗi đó.
Nhưng, nếu tại địa điểm được hẹn, cơ quan cảnh sát không cung cấp được hình ảnh ghi lại lỗi vi phạm tại thời điểm dừng xe, thì người điều khiển phương tiện không vi phạm lỗi đó và có quyền phản ánh, khiếu nại tới cơ quan công an tại đó về việc này hoặc nếu không đồng ý, có quyền khởi kiện.
Bạn đọc có thể gửi các tình huống thắc mắc về tòa soạn theo email: [email protected] hoặc đóng góp ý kiến ở phần Comment cuối bài.