Nước mắt và tiếng quát xé lòng của nữ bác sĩ trong phòng cấp cứu

Luna |

Mất đi thân nhân là điều chẳng ai muốn là nỗi đau khôn tả. Còn với những người làm ngành Y nỗi đau này có lẽ còn phải nhân lên gấp nhiều lần.

Có một điều hiển nhiên, con người chẳng thể nào thoát khỏi quy luật "sinh - lão - bệnh - tử" của tạo hóa và mỗi ngày vẫn có biết bao gia đình phải trải qua nỗi đau mất đi người thân.

Còn với những người làm trong ngành Y họ cũng có gia đình, họ cũng có những nỗi đau thầm kín mà không phải ai cũng hiểu. Bởi "Lương y như từ mẫu", đôi khi họ phải đánh đổi giữa việc cứu người lấy giây phút cuối cùng được ở bên thân nhân.

Qua lời chia sẻ của người dùng T.M.D - sinh viên ngành Y mới ra trường, người xem đã phần nào thấy được những giọt nước mắt, những nỗi đau và sự mạnh mẽ của các y bác sĩ khi một bên là bệnh nhân cần được cứu chữa, một bên là người thân.

Đoạn chia sẻ nhanh chóng thu hút được rất nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng mạng với rất nhiều lượt like, bình luận và chia sẻ vì những câu chuyện không phải ai cũng có thể thấu hiểu.

Chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn chia sẻ:

"- Năm thứ 3 đại học, đi phụ mổ ở Việt Đức, ca mổ đêm chưa bắt đầu được bao lâu thì bác sĩ mổ chính nhận được tin mẹ mất. Chú rất bình tĩnh, tiếp tục cùng mọi người trong kip mổ hoàn thành sau 3 giờ.

Mũi khâu cuối cùng vừa dứt, chú xin phép rồi thay đồ thật nhanh đi ra ngoài. Mình tình cờ nghe tiếng chú khóc nấc nghẹn ở cầu thang, rồi dáng chú vội biến mất cuối hành lang.

Hai hôm sau, đã lại thấy chú ở viện, niềm nở với mọi người, và tiếp tục những ca mổ còn đang chờ.

- Năm thứ 5 đại học, đi trực một mình ở cấp cứu viện nhiệt đới, chị bác sĩ nội trú đang chuẩn bị mở khí quản cho bệnh nhân uốn ván thì bệnh nhân giường chéo bên trở nặng.

Các bác sĩ và nhân viên y tế khác ngay lập tức đến cấp cứu cho bệnh nhân, còn chị hét lên mắng mình phải tập trung vào công việc đang làm vì thấy mình lơ đãng nhìn sang bên ấy.

Mình cùng chị vừa hoàn thành xong thủ thuật thì bệnh nhân trở nặng cũng bắt đầu được sốc điện khử rung, bệnh nhân đêm ấy không may mắn như trên phim thường chiếu.

Sáng hôm sau thay đồ, nghe các chị điều dưỡng nói chuyện, mình mới biết bệnh nhân tử vong khi ấy là ông nội của chị bác sĩ nội trú kia.

- Hôm qua, năm đầu tiên đi làm, vừa từ phòng mổ hút mỡ cho bệnh nhân về thấy chị điều dưỡng làm cùng đứng ngoài cầu thang, mắt đỏ hoe.

Nhưng ngay sau đó thấy chị vào rửa mặt và tiếp tục hoàn thành công việc, vẫn tươi cười, nhiệt tình chỉ dẫn cho bệnh nhân.

Sau hỏi thăm mọi người ở khoa, biết tin ông ngoại chị vừa mất, mà công việc của khoa còn nhiều, chị đặt vé máy bay, thu xếp xong hết việc mới vội thay đồ về.

Hôm lên viện tỉnh đón bố về, giữa dòng người đứng chặt kín từ cổng viện, sụt sùi, mình bình tâm vào gặp bác sĩ, nghe bác giải thích, rồi mới đến bên bố, hôn lên trán ông.

Khi đưa bố về, mình cũng là người quyết định rút máy thở cho ông. Bác sĩ khi ấy chỉ đến cạnh và thì thầm vào tai mình: "Con bản lĩnh lắm! Chú tự hào khi có những đồng nghiệp như con sau này."

Thực ra lúc ấy chân mình chỉ muốn ngã xuống được ngay.

- Cuộc đời nhiều nỗi buồn và không ít niềm đau, mất đi người thân là niềm bất hạnh chẳng ai muốn có, nhưng rồi sớm hay muộn ta vẫn phải trải qua.

Nhưng sau tất cả, ta phải lựa chọn thái độ của mình với những sầu bi ấy. Khóc hay cười, vui hay buồn, sống tiếp một cuộc sống lạc quan hay chịu rơi vào hố sâu của những cơn buồn tăm tối, tất cả đều do chính mình lựa chọn.

Quyết định ấy lại càng khắc nghiệt và phải thật nhanh chóng với những người đã chọn nghiệp cứu người.

Đến một lúc nào đấy giữa "cuộc đời về cơ bản là buồn" ngoài kia, người ta chỉ biết mỉm cười và an yên trước mọi biến chuyển của cuộc sống, biết vui ngay cả khi đã rất thật buồn".

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại