Sau bức tâm thư đề xuất Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ thi tốt nghiệp, Hồ Ái Linh (SV năm nhất khoa Sư phạm, ĐH Sài Gòn) đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi để bày tỏ những suy nghĩ và chia sẻ về bức tâm thư đầy táo bạo của mình.
Cô bạn cho biết thêm: “Qua bức tâm thư em chỉ có nguyện vọng để Bộ trưởng thấu hiểu tâm tư, suy nghĩ của những học sinh đang trải qua quá trình học tập dưới hệ thống giáo dục của nước nhà. Từ đó, Bộ có những đường lối đúng đắn nhất giúp nền giáo dục nước ta ngày càng phát triển, phù hợp nguyện vọng của nhân dân và thực tiễn”.
Bức tâm thư của Ái Linh khá dài, đầy tâm huyết với đề xuất xét tốt nghiệp và siết chặt kì thi đại học, cao đẳng để đảm bảo tính công bằng. Sau khi bức tâm thư được lan truyền rộng rãi, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Nhiều người ủng hộ việc làm khá mạnh bạo của cô giáo tương lai, song nhiều người tỏ ra lo ngại, thậm chí có người cho rằng “nữ sinh góp ý như tát nước vào mặt”.
Cô bạn bức xúc: “Mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình có quyền được "góp ý như tát nước" cả, mình luôn tôn trọng những việc Bộ đã làm cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Mình cũng là một thanh niên trẻ, người xưa có câu "tiên học lễ, hậu học văn", lẽ nào một nhà giáo tương lai như mình lại có những suy nghĩ nông cạn như cách dùng từ đó”.
Về lý do viết tâm thư, Ái Linh bày tỏ mong muốn được lên tiếng cho những học sinh, đặc biệt là các em sinh năm 97 chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng của đời mình. Linh cho rằng bạn thấu hiểu những áp lực học tập mà cha mẹ, thầy cô đặt lên vai những cô cậu học sinh ấy. Cùng với trách nhiệm của một người hướng dẫn “đàn em”, một nhà giáo tương lai đã tạo nên động lực để Linh có thể viết lá thư này.
Khi đọc báo với thông tin Bộ đưa ra các phương án và muốn lấy ý kiến đóng góp của người dân về các phương án đề ra, Ái Linh không một chút đắn đo để viết bức thư này bởi em cho rằng: “Em chỉ nói những gì thực tế”.
Khi nhận những đóng góp, ý kiến của mọi người về bức tâm thư của mình, Linh nghĩ mỗi người ai cũng có những quan điểm và cách nhìn nhận riêng, bản thân em cũng vậy. “Phương án em đưa ra cũng sẽ có những ưu - khuyết điểm riêng, nên cần phải nhìn nhận lại một cách đúng đắn về nó. Em mới chỉ là một nữ sinh 19 tuổi, kinh nghiệm sống chưa nhiều nên mọi người nhận xét khắt khe và trái chiều em cũng xin được tiếp thu”.
Linh cho biết bố mẹ bạn cũng không đồng tình với việc làm của con gái vì sợ rằng cô bạn sẽ vướng vào những rắc rối không đáng có.
Cô giáo tương lai cũng chia sẻ thêm: “Em chưa bao giờ suy nghĩ rằng bác Bộ trưởng sẽ được đọc lá thư của 1 cô sinh viên viết trên mạng. Chỉ cần bác phản hồi thôi, dù tốt hay xấu em cũng hạnh phúc lắm rồi vì điều đó cho em biết rằng bác rất quan tâm đến những ý kiến người dân. Em hiểu để làm một Bộ trưởng không phải dễ mà luôn chịu nhiều sức ép, em rất cảm thông và thương bác”.
Ái Linh cũng chia sẻ thêm: “Luôn sẵn sàng chấp nhận về những việc mình làm. Cuộc đời là một con đường mà con đường luôn có nhiều lối rẽ, chông gai, cốt là cách mình vượt qua và về đích như thế nào mà thôi”.