Nỗi niềm “mẹ tiên, con cú”
Từ hồi còn rất bé, Hân đã luôn “được” nghe người lớn nói với nhau sau khi nhìn cô: “Sao chị Tâm đẹp thế mà con bé chả xinh tí nào nhỉ”, hoặc: “Phí thật, cô Tâm đẻ con gái lẽ ra phải xinh lắm”… Tuy còn bé tí nhưng Hân đã nhận thức được một điều: Trong khi mẹ rất đẹp thì cô bé lại xấu xí, không xứng với mẹ, và người ta không thích nhìn cô.
Lớn lên một chút, cô bé Hân càng nhận thức rõ sự thua sút quá mức về nhan sắc giữa hai mẹ con. Cô bé trở nên rất nhạy cảm khi khách đến nhà, và mẹ giới thiệu Hân là con gái, gây ra những ánh nhìn ngạc nhiên, sửng sốt của họ. Nhiều vị khách hỏi: “Chắc cháu nó giống bố, nhỉ”.
Đến tuổi dậy thì, Hân bắt đầu mơ mộng về chuyện tình cảm với người khác giới. Cô hướng đến những người bạn mà anh trai hay mang về nhà chơi. Vậy mà với tuổi 16 – 17 trẻ trung hơ hớ, cô vẫn bị cái bóng nhan sắc quá lớn của mẹ “đè bẹp”. Đám thanh niên bạn anh cô tới nhà thay vì để ý đến cô em gái thì lại trầm trồ ngưỡng mộ trước vẻ đẹp mặn mà không tuổi của người mẹ.
Của đáng tội, nhan sắc của Hân tuy dưới trung bình nhưng chẳng đến nỗi quá xấu. Có điều khi đặt cạnh dung nhan rạng người, kiêu sa của mẹ, cô bỗng trở nên thật tội nghiệp và thảm hại. Thậm chí có lần Hân đã nghe một thanh niên trong khu phố lẩm bẩm khi thấy hai mẹ con đi chợ về: “Đúng là mẹ tiên, con cú”. Cô bé về nhà nằm vật ra khóc cả ngày trời.
Hân ghét nhất là phải đi đâu cùng mẹ, vì cô biết, dù có cố gắng ăn mặc, trang điểm bao nhiêu, cô vẫn cứ trở thành một vật tương phản khi đứng cạnh mẹ, người đàn bà tuổi ngoài 40 mà vẫn đẹp rực rỡ. Cô thiếu nữ thậm chí còn ghét phải về quê.
Người ta hàng xóm, bạn cũ của mẹ nhìn hai người một cách thiếu tế nhị rồi “thô bạo” so sánh đã đành, nhiều khi Hân không đi cùng mẹ cũng bực không kém. Vì một số người nghe giới thiệu Hân là con mẹ Tâm thì cứ trợn mắt lên: “Con Tâm đây á? Mẹ nó đẹp thế cơ mà”.
Trong khi mẹ cô vừa có tuổi vừa có chồng con đề huề vẫn luôn nhận được hoa, quà và những lời tán tỉnh của cánh đàn ông hâm mộ, thậm chí bố cô cười lăn vì nhiều “phi công trẻ” cứ “xin chết” vợ mình, thì cô, ở lứa tuổi đẹp nhất đời người, chẳng có ai theo đuổi.
Đối với Hân, đó là một nỗi đau, một nỗi sỉ nhục, một bi kịch lớn của cuộc đời. Nhiều lúc nghĩ đến mẹ, trong lòng cô bừng lên sự căm ghét và oán hận.
Hân nghĩ, giá mẹ không đẹp như thế thì tuổi trẻ của cô đã đỡ thiệt thòi. Cô sẽ dễ dàng có một tình yêu hơn. Nhưng sự mặc cảm và đố kỵ thành công của mẹ khiến cô gái trẻ lúc nào cũng buồn bã, cau có, tự ti và khó gần, luôn tỏ ra ta đây bất cần. Thiên hạ được thể càng nhận xét: “Rõ là vừa xấu người vừa xấu nết, thiệt cho chị Tâm quá”.
Ngay cả chị Tâm cũng nhận ra sự ghét bỏ và ghen tuông vô lý của con gái dành cho mình. Chị vốn là người không chỉ đẹp mà còn có tính vui vẻ, hòa đồng, lúc nào cũng xởi lởi đáng yêu, nên từ tình duyên đến công việc đều thuận buồm xuôi gió, cuộc sống viên mãn chẳng thiếu thứ gì.
Đời đối với chị là một chuỗi ngày hội mà chị là trung tâm. Tâm mặc sức tận hưởng những ưu đãi dành cho mình, và niềm hạnh phúc nó mang lại khiến chị ngày càng rạng rỡ.
Việc sinh ra đứa con gái xấu xí khiến Tâm có chút thất vọng, nhưng rồi chị nhanh chóng chấp nhận. Có điều, Tâm không hiểu nổi tại sao đứa trẻ ấy lại tỏ ra thù địch với chính mẹ nó, lúc nào cũng cáu bẳn và xa lánh.
“Chắc nó giống tính bà nội, lúc nào cũng khó chịu”, chị nghĩ. Sau vài lần cố gắng rộng lượng để gần gũi hơn với con gái mà không cải thiện được tình cảm, chị bực mình mặc kệ, dồn hết sự quan tâm cho đứa con trai khôi ngô.
Bí quyết nuôi “con cú” của “ mẹ tiên”
Bích giống Hân ở chỗ cô không có nhan sắc nhưng lại là con của một người đàn bà đẹp, và ngay từ hồi nhỏ, những người xung quanh cũng đã thường xuyên “nhắc nhở” cô về sự chênh lệch oái oăm đó. Tuy nhiên, Bích chưa bao giờ cảm thấy mình bất hạnh hay ghen tỵ với nhan sắc của mẹ. “Em tự hào về mẹ, cũng nhiều như mẹ tự hào về em”, Bích nói.
Hồi bé, những lần nghe nhận xét của mọi người, Bích thường hỏi: “Mẹ ơi, con xấu lắm phải không?”. “Bậy nào, con rất đẹp”. “Nhưng mọi người bảo con đen đủi, mũi tẹt, lại còn mắt một mí nữa, mẹ có thế đâu”.
Người mẹ tươi cười kéo con gái đến trước gương: “Con nhìn này, có đúng là con có đôi môi cong rất đáng yêu không nào, như một nụ hoa. Cặp lông mày của con xanh mướt, đẹp hơn hẳn mẹ. Đôi mắt con đen và sáng, trông thật cá tính và thông minh”.
Người mẹ lấy ra cuốn tạp chí, chỉ vào một phụ nữ da màu: “Con xem này, cô ấy là ca sĩ, diễn viên nổi tiếng đấy, ai cũng ca ngợi làn da của cô ấy”.
Rồi mẹ thủ thỉ với Bích: “Mẹ con mình đẹp theo hai kiểu khác nhau, vì nếu ai cũng giống ai thì chán lắm. Người con gái đẹp không chỉ ở gương mặt, nước da, mà còn ở tính nết nữa con ạ”.
Từ hồi học cấp 2, Bích đã được mẹ rèn cặp từ dáng đi dáng đứng, lời ăn tiếng nói, và dạy cô nấu nướng, cắm hoa, trang trí nhà cửa… Những công thức, bí quyết luôn được mẹ truyền đạt cùng với niềm đam mê của bà, khiến cô con gái cũng say mê theo. Mẹ cũng khuyến khích Bích nghe nhạc, đọc sách, xem phim, cảm nhận những vẻ đẹp trong đó rồi chia sẻ với người khác.
Đến tuổi thiếu nữ, Bích trở thành một cô gái tuy không xinh nhưng ai cũng nói là có duyên ngầm. Bạn bè quý mến cô, thích nói chuyện và chơi với cô, người con gái lúc nào cũng tự tin với nụ cười cởi mở, tươi rói.
Bị tính cách và vẻ đẹp tâm hồn của cô gái 17 tuổi cuốn hút, vài ba cậu bạn đã rụt rè gửi thư tình. “Em còn nhỏ nên chưa nghĩ đến chuyện yêu đương đâu”, Bích tâm sự, “nhưng được quý mến, em hạnh phúc lắm”.
Bích cho biết, thỉnh thoảng vẫn có người thiếu tế nhị, nhận xét là cô thật thiệt thòi khi không được thừa hưởng nhan sắc của mẹ: “Nhưng em không chạnh lòng, vì em biết em đã được thừa kế của mẹ rất nhiều thứ quý giá, chỉ trừ sắc đẹp, nếu đòi thừa kế tất tần tật thì tham quá phải không?”.
Rồi cô nói tiếp với giọng hóm hỉnh: “Mà em còn lâu mới xấu. Mẹ nói em đẹp nhé, và không chỉ có mẹ thôi đâu”. Nhìn nụ cười rạng ngời của cô gái lúc đó, chắc không ai có thể phủ nhận là cô đẹp, vẻ đẹp tỏa ra từ nội tâm làm bừng sáng cả dung nhan.