Trong hai ngày cuối tuần từ 26 - 27/12/2015, tại số 148 trung tâm Triển lãm Giảng Võ- Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ hội văn hóa chào đón năm mới Ake Ome.
Lễ hội có nhiều hoạt động phong phú mang đậm nét truyền thống văn hóa của đất nước Nhật Bản. Một trong những hoạt động tiêu biểu của các bạn trẻ tại lễ hội đó là viết điều ước và treo bùa gỗ để gửi gắm những điều mong ước của mình.
Ake Ome là một trong những lễ hội được các bạn trẻ mong đợi nhất hàng năm với ý nghĩa chào mừng một năm mới sắp cận kề. Cái tên Ake Ome! chính là được lấy ý tưởng từ câu nói chúc mừng rất đỗi quen thuộc của người Nhật: "Akemashite Omedetou!" có nghĩa "Chúc mừng năm mới!".
Lễ hội tập trung vào các hoạt động trưng bày, biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại của Nhật Bản. Sự kiện này đã thu hút gần 20.000 lượt khách tham quan yêu mến văn hóa Nhật Bản.
Qúy khách được trải nghiệm văn hóa xứ sở Phù tang với việc mặc đồ truyền thống Yukata, thử đoán vận mệnh khi bốc quẻ Omikuji, treo thẻ Ema để gửi gắm những mong ước cho năm mới.
Hoạt động ưa chuộng nhất vẫn là ghi điều ước trên thẻ Ema
Hoạt động tiêu biểu tập trung đông vui các bạn trẻ tham dự đó là treo thẻ Ema để ghi điều ước. Những điều ước khác nhau trên mỗi tấm gỗ là lời nguyện cầu mong thành hiện thực của từng người.
Những ước mong gần gũi và thực tế
Các bạn trẻ Việt Nam rất háo hức và bắt nhịp theo những điều ước. Còn có những em nhỏ cũng thích thú với các tấm thẻ đặc biệt này.
Những điều ước ý nghĩa của các bạn trẻ phần đông là mong học tập tốt, đạt kết quả cao trong những kì thi sắp tới, được đi du học ở các nước.
Hay những điều ước gửi gắm mong gia đình bình an, mạnh khỏe, thế giới được hòa bình, những điều yêu thương tới người mình trân quý nhất.
Bằng những câu từ ngắn gọn với những lời chúc thân thương mà ý nghĩa giúp cho các bạn trẻ ý thức được những định hướng, mục tiêu, tương lai phía trước của mình.
Một vị khách người Nhật đang cầm trên tay ghi lại điều ước trên tấm thẻ với ý nghĩa cầu sức khỏe cho mọi người và đạt doanh thu cao trong suốt một năm.
Và những điều ước phản cảm
Bên những điều ước gửi gắm ý nghĩa đó thì trên chiếc thẻ gỗ lại có điều ước của những thanh niên xem sự kiện này như một trò đùa hời hợt.
Là một trong những bạn trẻ có mặt tại quầy ghi điều ước, bạn Lan Anh chia sẻ: “Em đến đây từ sáng sớm và cứ ngắm nhìn những điều ước của các bạn khác ghi treo trên tấm thẻ, mỗi người có một điều ước khác nhau.
Phần lớn là hi vọng về kết quả học tập tốt hơn, trở thành con ngoan trò giỏi và sống có ích cho xã hội. Tuy nhiên có một số bạn lại không hiểu ý nghĩa thiêng liêng của việc ghi điều ước này lại xem nó là một trò lố lăng, ghi câu chữ rất lố bịch”.
Đây là một lễ hội văn hóa, tôn trọng nét đẹp văn hóa truyền thống của đất nước Nhật Bản, diễn ra trên đất nước Việt Nam. Chính vì vậy, những ước mơ đầy sự cợt nhã, thiếu ý thức đó là một chấm đen trong lễ hội này.