Nhiều tranh cãi về dịch giả nhỏ tuổi nhất - "hiện tượng" Đỗ Nhật Nam

Clip phỏng vấn cậu bé thần đồng Đỗ Nhật Nam đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng suốt những ngày qua.

Mấy ngày hôm nay, cư dân mạng đã đồng loạt chia sẻ một clip khiến nhiều người kinh ngạc về cậu bé Đỗ Nhật Nam. Nhật Nam không còn là gương mặt xa lạ đối với nhiều khán giả truyền hình Việt.

Cậu bé từng là MC cho chương trình Chúc bé ngủ ngon (VTV3), Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé (VTV2), là MC, “ca sĩ nhí”, “giáo viên” dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ đang điều trị tại khoa ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương.

Năm 7 tuổi, Đỗ Nhật Nam là dịch giả nhí nhỏ tuổi nhất có sách xuất bản. Mới đây nhất, vào những ngày cuối tháng 3, khi mới 11 tuổi, Đỗ Nhật Nam giành thêm một kỷ lục mới “Người viết tự truyện nhỏ nhất Việt Nam”.

 

Ở độ tuổi còn bé, thế nhưng khả năng tiếng Anh của Nhật Nam khiến nhiều người nể phục. Năm 7 tuổi, chỉ trong một thời gian cực ngắn, Nhật Nam hoàn thành xong hai chứng chỉ Starters, Movers của ĐH Cambridge với số điểm tuyệt đối. Cậu bé còn có điểm số thi TOEIC 940/990, IELTS 6.5/9.0. 

Tài năng của cậu bé nhỏ tuổi này đã được nhiều người công nhận từ lâu. Tuy nhiên, vài ngày qua, khi clip này được chia sẻ rất nhiều trên facebook, đã có nhiều ý kiến trái chiều, không phải về tài năng, mà là về cách Nhật Nam thể hiện và bộc lộ con người của mình, cũng như những quan điểm của em về nhiều thứ trong cuộc sống.

Chỉ hơn 10 phút trong clip, người xem đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một phần là vì kiến thức quá rộng lớn của em, tuy nhiên, điều mọi người đưa ra bàn luận nhiều hơn cả chính là cách nói chuyện của em không hề giống với một cậu bé 11 tuổi. Nhìn và nghe Nhật Nam nói chuyện, khá nhiều người không đồng tình với thái độ trò chuyện của em.

Theo góc nhìn của một số độc giả, đó là thái độ được miêu tả là "quá tự tin vào bản thân mình, và có phần hơi... chảnh". Cậu bé trò chuyện với người lớn nhưng lại không ngồi ngay ngắn và nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi giao tiếp. 

Hơn nữa, Nhật Nam hầu như chỉ bàn luận và nói về những vấn đề to tát, mang tầm vĩ mô, những kiến thức mà ở độ tuổi như em ít bạn biết, bên cạnh đó, cậu bé tỏ ra khá thờ ơ và phớt lờ với những thứ mà các bạn cùng độ tuổi hay chơi. 

Trong đó, Nhật Nam có nói một câu khiến nhiều người bất ngờ: "Em không đọc truyện tranh vì mẹ em nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn".

Câu nói này của Nhật Nam đã làm cho cộng đồng mạng "ngã ngửa" vì quá ngạc nhiên, bởi truyện tranh là một món ăn tinh thần không thể thiếu của hầu hết chúng ta thời thơ ấu. Vậy mà cậu bé này lại không thích, thậm chí xem đó như một điều... nên tránh. 

Trong phần phỏng vấn, Nhật Nam cũng có nói về "kinh nghiệm đúc rút từ sách" và bị nhiều người lớn phản đối. Vẫn biết rằng Nhật Nam là một thần đồng, tư duy của cậu lớn hơn tuổi thật rất nhiều, tuy nhiên, sau khi nghe những điều này, mọi người lại cho rằng "quá giỏi chưa hẳn đã là hay".

Nhiều tranh cãi về dịch giả nhỏ tuổi nhất - "hiện tượng" Đỗ Nhật Nam
 

Sau khi clip của Nhật Nam được chia sẻ chóng mặt, một facebooker tên là S.V đã viết một bức thư khá dài gửi đến cậu bé Nhật Nam. Trong bức thư có đoạn: "Một hai năm trước, tôi đã nghe báo chí khen ngợi em về khả năng tiếng Anh của em, về việc mà em đã là dịch giả từ những khi tuổi còn bé, và cả việc em được xuất bản cuốn sách riêng của mình, thứ mà tôi cũng khao khát có. Điều đầu tiên là tôi ngạc nhiên, tới giờ vẫn ngạc nhiên bởi những cách nói chuyện, thái độ của em tự tin đến là lạ. Nhưng em ạ, nó không chững chạc một chút nào.

Vì sao tôi lại nói như vậy, em biết không? Một người bạn của tôi từng nói với tôi một câu như thế này: "To be old and wise, you must be young and stupid". Điều đó có nghĩa là, với một người giỏi như em thì chắc tôi không cần dịch, nhưng tôi vẫn muốn sử dụng cái vốn tiếng Anh hạn hẹp của mình để biến nó ra thành thứ tiếng mẹ đẻ mà tôi vẫn luôn dùng: "Để trưởng thành và khôn ngoan, đầu tiên phải thơ dại và ngốc nghếch".

Liệu có thật "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" không? Một kẻ tâm hồn đầy lỗ thì làm sao có thể đi theo những con đường nghệ thuật? Làm sao một kẻ tâm hồn đầy những chỗ trống có thể cầm bút lên và viết, đặt tay lên giấy là vẽ, và làm sao để kẻ tâm hồn lá sâu có thể vui vẻ cười nói cùng những con người dùng lời ca tiếng hát để vui đời.

Truyện tranh là nghệ thuật. Mà làm nghệ thuật thì cần có tâm hồn (...)

Tương lai, có thể em sẽ trở thành một nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, một nhà khoa học vĩ đại của thế giới (...) Nhưng điều đầu tiên là em hãy tập cách khiêm tốn và bước lại những bước đầu tiên của hành trình đời người đi. Đừng tập nhảy trước khi tập chạy, đừng tập chạy trước khi tập đi, và đừng tập đi trước khi tập đứng. Em càng vội, khi vấp ngã em sẽ càng đau."

Nhiều người khi xem clip xong có phần lo ngại rằng với vốn kiến thức quá uyên thâm đối với một cậu bé 11 tuổi như thế, Nhật Nam sẽ khó có thể hòa nhập được với bạn bè cùng trang lứa. Nhiều người lớn cũng dành những sự chia sẻ rất chân thành cho em, nhưng có lẽ mọi người muốn gửi gắm tới bố, mẹ - phụ huynh của Nhật Nam nhiều hơn cả. 

Mỗi người sẽ có một cách để giáo dục con cái của mình, tuy nhiên có vẻ như nhiều ý kiến cho rằng định hướng giáo dục của bố mẹ em là chưa phù hợp. Một facebooker tên M.B chia sẻ: "Em nói bố mẹ không bắt ép em điều gì, nhưng cái sai lầm trong cách giáo dục của họ không nằm ở đó. 

Bố mẹ không thể định hướng cho em, không thể bảo vệ cho tuổi thơ và tâm hồn của em, thậm chí ủng hộ em (nói là bắt em không đọc nữa nhưng vẫn mua sách cho em, vẫn để cho em đi thi lấy những chứng chỉ mà kết quả gần như vô giá trị đối với tuổi của em và chẳng có chức năng gì khác ngoài đem khoe?) và khiến em tự hào về cách em đọc quên cả ăn với gia đình."

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng không nên nghĩ rằng Nhật Nam không có tuổi thơ. Đây là cách mà em ấy đã lựa chọn, miễn là Nhật Nam thấy hạnh phúc và gia đình hãnh diện về em. 

Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc lại rằng liệu cộng đồng mạng có đang "nhìn mặt bắt hình dong" khi mới chỉ xem một clip về Nhật Nam mà đã có những phản ứng gay gắt, thậm chí đưa ra những nhận xét có phần chủ quan về em và gia đình. Liệu rằng "hiện tượng" Đỗ Nhật Nam có đáng để cư dân mạng phán xét này nọ khi chưa hề gặp mặt hay trò chuyện với em. Và quan trọng hơn cả, có chăng người xem đang nhìn nhận vấn đề theo số đông?

Một độc giả Kenh14.vn có nick name Castor bình luận: "Vẫn nghĩ rằng, một thần đồng thì nên có bắt đầu không giống người thường. Đừng nói rằng em ấy già trước tuổi hay mất tuổi thơ. Chỉ thấy những lời quá phũ phàng và có phần quá chủ quan của cư dân mạng cho em mà thôi.

Không thể áp đặt cuộc đời mình với người khác - chúng ta đâu thể đi đôi giày của người khác hay ngược lại. Lên facebook toàn thấy nói về em ấy như điều gì đáng sợ lắm vậy. Rồi lại bảo em hão huyền với ước mơ du hành vũ trụ . Đừng nghe những người không dám nghĩ ấy nhé. Chị chỉ thấy buồn cho đại đa số con người lớn sớm mà lại chọn những lời như vậy để nói với trẻ con.

Chị rất thích truyện tranh, và cả văn hóa Nhật nữa. Có lẽ mẹ em cũng giống như bao người mẹ khác, sợ truyện gì chỉ có tranh không, thì khả năng viết sẽ kém đi. Điều đó đúng, không thể chối cãi, nhưng trước khi làm quen với những gì hàn lâm, có lẽ em nên thử tiếp cận với những điều giản dị mà nhân văn ở trong những hình ảnh truyện. 

Không phải tự nhiên mà truyện tranh Nhật lại nổi tiếng đến thế bố mẹ em hiểu văn hóa Nhật chắc cũng biết. Có nhiều cách để một tác phẩm tuyệt vời đi đến công chúng. Có thể là từ mĩ thuật, có thể chỉ chữ viết không. Có thể cả hai.

Tuy chị không hoàn toàn ủng hộ việc em trưởng thành sớm - nhưng điều đó là em lựa chọn, và chắc em hiểu rồi. Nên em ơi, chị mong em sẽ vẫn đạt được điều em ao ước, ở cái tuổi mà chẳng ai nghĩ xa đến thế. 

Cứ thử nhìn tác giả của "Triệu phú khu ổ chuột" mà xem, ông ấy sáng tạo những bài văn rất mới lạ khi mà bạn bè còn đang tả con mèo tai hình tam giác. Chỉ mong là một tài năng Việt sẽ không sớm lụi tàn, vì bị dè bỉu hay bị nâng cao quá mức cần thiết. Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng".

Còn bạn, bạn nghĩ sao về hiện tượng Đỗ Nhật Nam và clip này?

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại