Sinh ra tại Hà Nội, bố mẹ là công nhân lao động đã về hưu, anh trai là nhân viên văn phòng. Trong nhà Thông là người duy nhất có bằng đại học nên không có áp lực về định hướng nghề nghiệp. “Có thể vì vậy mà bản thân được tự do theo đuổi ước mơ mình thích” – Thông chia sẻ.
Thông nhớ lại, lúc quyết định thi vào trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam chỉ nghĩ để thử sức, nhưng kết quả đỗ vừa đủ điểm sàn vào lớp Lý 2 (khóa 2007-2010).
Thông tự nhận, thời học phổ thông học “rất bình thường”. Gia đình không có điều kiện nên sau khi tốt nghiệp lớp 12 Thông chọn thi và học tại ĐH Kiến trúc vì hồi nhỏ thích vẽ và nghệ thuật.
Vào học ĐH năm đầu (2011), Thông đồng thời nộp hồ sơ du học Mỹ. Cuối năm đó cậu nhận được tin Đại học Texas - Dallas cấp học bổng toàn phần 4 năm đại học và quyết định khám phá cơ hội mới.
Ngành học Vật lý đem đến cơ hội...
Năm đầu đại học, Thông chọn chuyên ngành Kỹ thuật máy tính. Đến kỳ học thứ 2, cậu đăng ký học lớp Vật lý của giáo sư tên là Joseph Izen.
Phương pháp dạy của vị giáo sư hấp dẫn và khơi lại niềm đam mê Vật lý của cậu hồi nhỏ. Sau một mùa hè, Thông quyết định chuyển hẳn ngành học sang Vật lý.
Tấm bằng Kỹ thuật máy tính ở Mỹ được rất nhiều công ty lớn chào đón với mức lương cao nên gia đình Thông rất lo lắng. Ngày đầu kì mùa thu năm học thứ hai (năm 2012), Thông hẹn gặp thầy Izen để nói về ý định của mình.
“Thầy ngồi với mình suốt bốn tiếng để nói về niềm hạnh phúc khi được làm khoa học, sống với đam mê, đồng thời chỉ ra nhiều cơ hội cho những nhà vật lý, không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà còn cả công nghệ, y học, thậm chí kinh tế tài chính” – Thông chia sẻ.
Sau ngày hôm ấy, thầy Izen mời Thông vào nhóm nghiên cứu vật lý hạt cơ bản của thầy. Hè sau năm thứ hai đại học, cậu được nhận vào chương trình thực tập của Học viện Công nghệ Karlsruhe ở Đức để tham gia một dự án của châu Âu nghiên cứu thiết bị phát hiện vật chất tối dưới lòng đất.
Mỗi năm Đức nhận 300 sinh viên theo học các ngành khoa học kỹ thuật từ Mỹ, Anh và Canada tham dự một khóa thực tập nghiên cứu khoa học 3 tháng hè tại các trường đại học và viện nghiên cứu ở Đức. Năm này có khoảng hơn 2000 bạn nộp hồ sơ.
Hè năm thứ ba (2013), Thông qua Đại học Tokyo để nghiên cứu phát triển nâng cấp máy gia tốc hạt của Nhật Bản.
Mỗi năm trường nhận 20 đến 30 sinh viên ngành khoa học trên khắp thế giới để tham gia vào dự án khoa học với các giáo sư Đại học Tokyo. Năm của Thông tham dự có 495 hồ sơ và được nhận 29.
Tự nhận may mắn với quyết định trên, Thông chia sẻ việc học Vật lý - cho cậu cơ hội tìm tới vẻ đẹp nội tại của nó. Có những khoảnh khắc cả thầy và trò cùng reo lên khi ra được kết quả nghiên cứu mà mình tìm kiếm suốt cả năm trời.
Học bổng tiến sĩ của 5 ĐH hàng đầu
Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi và thái độ làm việc nghiêm túc, Thông tiếp tục được nhận học bổng tiến sĩ của 5 trường ĐH hàng đầu thế giới là: California Institute of Technology (Caltech), Columbia, Michigan, Illinois và Maryland.
Mỗi trường đều cho Thông toàn bộ tiền học và khoảng 30.000 USD một năm chi phí ăn ở với tổng giá trị gần 400.000 USD (gần 8,6 tỷ đồng) trong 5 năm học.
Tỷ lệ được nhận vào chương trình tiến sĩ các trường này đều ngang nhau khoảng 10% trên tổng hồ sơ hàng năm. Cuối cùng Thông quyết định chọn học ở Caltech.
Chia sẻ về quá trình nộp hồ sơ, Thông cho biết mình cũng không có chuẩn bị gì đặc biệt. Hồ sơ gồm bảng điểm, resume, bài luận cá nhân và 3 lá thư giới thiệu.
Quan trọng nhất là thư giới thiệu vì nó thể hiện thái độ làm việc và tính cách bản thân qua cái nhìn của các giáo sư đã từng làm việc với mình. Đây thường là yếu tố quyết định thành công của một nhà nghiên cứu.
Ngoài học tập, Thông còn học khiêu vũ thể thao ở trường Chuyên Hà Nội-Amsterdam từ cuối năm lớp 10. Ngoài huy chương bạc Hội khỏe Phù Đổng từng giành được, gần đây Thông còn giành giải nhất khiêu vũ bang Texas với hai điệu Waltz và Tango.
Đồng thời cậu cũng đang phụ trách mảng giáo dục của Mạng lưới du học sinh Việt Nam VINCEF.
Thông cũng chia sẻ: “Có một người mà mình rất kính trọng dù chưa được gặp và nói chuyện bao giờ là giáo sư Trần Thanh Vân.
Dù được đào tạo và thành danh ở nước ngoài, suốt mấy chục năm qua thầy liên tục tổ chức các hội nghị khoa học ở Việt Nam, tạo cơ hội cho những người làm nghiên cứu trong nước gặp gỡ với các tên tuổi lớn trên thế giới, bao gồm cả những nhà khoa học đạt giải Nobel.
Được đóng góp cho nền khoa học cơ bản nước nhà như thầy Vân là một niềm hạnh phúc lớn mà mình muốn hướng tới”.