Mắt không nhìn thấy, vẫn tự tin đi trên con đường đời

"Từ khi chào đời, em đã không may mắn như bao người, bởi thiếu đi ánh sáng của đôi mắt".

"Cha mẹ đã đưa em đi nhiều nơi để chữa trị với hi vọng tìm lại ánh sáng cho đôi mắt. Nhưng tất cả đều tan biến vì đi đến đâu, các bác sĩ cũng đều lắc đầu, bó tay”. Thư của bạn Nguyễn Thị Thảo (23 tuổi, thôn 4, xã Ea Riêng, M’Đrắk, Đắk Lắk), tân sinh viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM gửi cho báo mở đầu như thế.

Thảo giới thiệu các bộ huy chương đã đạt được tại nhiều giải đấu - Ảnh: Tr.Tân.
Thảo giới thiệu các bộ huy chương đã đạt được tại nhiều giải đấu.

Bà Nguyễn Thị Trung (57 tuổi, mẹ của Thảo) cho biết: Thảo là con thứ tư và cũng là người con duy nhất trong gia đình bị di chứng chất độc da cam từ người cha. Từ khi sinh ra, thị lực Thảo rất yếu, và rồi phía trước chỉ là bóng tối.

Tuổi thơ vất vả

“Lúc đó mới từ ngoài quê vào Đắk Lắk, cuộc sống rất thiếu thốn, vất vả. Dẫu vậy, gia đình cũng đưa con đi khắp nơi, nhưng đâu người ta cũng nói hết cách, vợ chồng tôi đành ôm con về”, bà Trung kể.

Rồi cuộc sống khó khăn, hai vợ chồng bà Trung cứ phải bươn chải suốt ngày trên đồng ruộng, ai thuê gì làm nấy để sáu người con đủ tiền ăn, tiền học nên không thể quan tâm nhiều hơn đối với cô con gái thiếu may mắn của mình.

6 tuổi, nhìn các bạn cùng trang lứa đến trường còn mình phải ngồi nhà vì không thể tự đi học, Thảo quẩn quanh trong nhà, ngoài sân với hai em nhỏ nhưng luôn ngóng cổ mỗi khi các bạn trong xóm đi học về.

Thèm khát được đến trường, khi em gái kế đến tuổi vào lớp 1, Thảo xin cha mẹ cho mình đi học cùng. Nhà trường cũng đồng ý cho Thảo đi học nhưng bạn không có học bạ, bảng điểm mà chỉ ngồi nghe, tự tập viết chữ trên giấy. Ở nơi bạn ở, đến lúc này, việc dạy một trẻ khiếm thị chưa có thầy cô giáo, trường lớp nào thực hiện được.

Mắt không nhìn thấy, vẫn tự tin đi trên con đường
Thảo say sưa khi đánh cờ vua.

Để đến trường, chị em Thảo dậy sớm đi bộ qua ba ngọn đồi với chiều dài hơn 4 cây số. Hàng ngày, em dắt chị vượt qua những còn dốc cao, ngoằn ngoèo dài hơn bốn cây số để chinh phục con chữ. Trời nắng đã khổ, trời mưa con đường đến lớp đầy bùn đỏ và trơn trượt nhưng chưa ngày nào Thảo nghỉ học.

Khó khăn là vậy nhưng với Thảo được đi học, được nghe tiếng các bạn, tiếng thầy cô giáo giảng bài, dạy viết chữ là hạnh phúc vô cùng lớn.

Ba năm liền ngồi “dự thính”, với bao khó khăn trong học tập nhưng Thảo và đã biết viết chữ, biết làm toán và được đánh giá đã “lên lớp”.

Trong một dịp đưa người chị của Thảo đi học đại học ở TP HCM, cha của Thảo tìm hiểu và biết được có ngôi trường chuyên biệt dạy cho trẻ khiếm thị như con gái ông. Ông gửi con gái vào học tại trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10, TP.HCM) để theo học lúc Thảo vừa tròn 11 tuổi, vừa “học xong” lớp 3. Thảo được sắp xếp học lại từ lớp 1.

“Những ngày đầu tại ngôi trường chuyên biệt là những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của mình. Cuộc sống mới với nhiều những thách thức từ môi trường sống, việc đi lại, học tập đều mới lạ với một cô bé mới 11 tuổi đến từ một vùng quê xa lắc. Nhưng rồi cũng phải quen dần với cảm giác xa nhà, không có em gái bên cạnh dắt đi học qua những triền đồi xứ sở Tây Nguyên”, Thảo cho biết.

Bà Trung nói thêm: Hồi gửi con vào, nhà trường khuyên gia đình phải năng vào thăm con để cháu đỡ tủi thân, nghĩ mình bị bỏ rơi. Nhưng gia cảnh quá nghèo, quanh năm bán mặt ngoài ruộng vườn cũng chỉ đủ tiền lo ăn, lo học cho các con. Đến cả tiền ăn hàng tháng cho Thảo ở trường đôi khi cũng thiếu, đành xin nhà trường cuối năm đóng một lần.

“Biết con nhỏ xa nhà, tủi thân nhưng vì hoàn cảnh eo hẹp quá”, bà Trung ngưng nói, rớm nước mắt nhìn con gái.

Ánh sáng nơi con chữ

Đến với trường Nguyễn Đình Chiểu, Thảo biết nhiều bạn bè cùng hoàn cảnh với mình và họ cũng từng ngày vượt qua những khó khăn, thử thách của số phận. Thay vì mặc cảm, Thảo thấy may mắn hơn so với những bạn cũng bị khuyết tật không có điều kiện tiếp xúc với môi trường giáo dục như mình.

Thảo mong muốn mình sẽ thành một giáo viên dạy cho trẻ khuyết được học chữ, được có cơ hội hòa nhập với cuộc sống. Để thực hiện ước mơ đó, suốt nhiều năm liền, thành tích học tập của bạn luôn là khá, giỏi.

Năm 2007, vận may đến với Thảo khi đội tuyển cờ vua cho người khiếm thị TP.HCM đang thiếu một vận động viên nữ, huấn luyện viên đến trường để tìm người phù hợp. Thảo đăng ký thử và được chọn đi tham dự giải thể dục thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc. Ngay năm đầu tiên tham dự, Thảo đã dành được huy chương đồng cá nhân môn cờ vua.

Từ đó, ngoài niềm vui nơi con chữ, Thảo có thêm niềm đam mê tập luyện và chơi cờ vua. Mỗi ngày bạn dành cho môn thể thao yêu thích của mình từ 30 - 60 phút.

Trước mỗi dịp tham dự giải, hàng ngày Thảo phải bắt xe buýt đến trung tâm để tập luyện cùng các vận động viên khác.

Chỉ vào hàng huy chương được treo trang trọng trong góc phòng, mẹ của Thảo cho biết đến nay bạn đã có khoảng 20 huy chương các loại và rất nhiều bằng khen về thi đấu cờ vua của người khuyết tật. Trong đó đáng chú ý là hai huy chương đồng tại đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật khu vực Đông Nam Á (năm 2011 và 2014, Paragame).

Nói về hành trình khó khăn phía trước của mình, Thảo nói sẽ xin vào ở trong kí túc xá và từ đó sẽ sống tự lập để hòa nhập trong môi trường học tập mới.

“Con đường mình đã chọn vẫn là trở thành cô giáo dạy cho trẻ em khuyết tật để các em có cơ hội được học hành, được hòa nhập xã hội. Vì vậy mình sẽ vượt qua được tất cả”, Thảo chia sẻ.

Còn bà Trung cho biết thêm: gia đình vẫn còn ba người con đang theo học đại học, cao đẳng nhưng kinh tế gia đình thực sự rất eo hẹp. “Mấy ngày nữa các con đi học mà hiện cũng chưa biết xoay đâu ra tiền để các cháu đi”, bà Trung nói”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại