Như báo chí đã đăng tải clip về thực trạng việc học của lò luyện thi đặt tại Trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp và dạy nghề quận Cầu Giấy (Hà Nội). Lớp học Văn kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ thu hút đông đảo sĩ tử đến ôn thi chật ních đến nghẹt thở. Nhiều người thắc mắc, làm sao 900 học sinh có thể ngồi học trong căn phòng chỉ 200m2, không điều hòa, thậm chí là không có bàn để viết, phải ngồi ngoài hành lang nghe giảng.
Lò luyện thi với sức chứa gần 900 người tại Xuân Thủy (ảnh cắt từ clip).
Ngay sau thông tin phản ánh trên báo, nhiều em hiện đang là học sinh của lò luyện này “dậy sóng” lên tiếng phản pháo lại: Không phải tự nhiên học sinh chen chúc, ngồi nóng bức để được học tại đây nếu không có hiệu quả? Phải có phương pháp đặc biệt, cách dạy hay thì mới thu hút học sinh như thế chứ?...
Những lời tâm sự, ủng hộ lò luyện này được học sinh chia sẻ trên các trang mạng xã hội facebook. Đặc biệt trên trang facebook của cô giáo N.A – người đứng giảng tại lớp Văn này nhận được hàng ngàn lời chúc, động viên cô giáo.
Học sinh có nick name facebook là Nga Tây chia sẻ: “Mặc dù em chỉ được cô dạy 1 tháng thôi nhưng em cảm nhận được cách cô dạy chúng em là của riêng cô, cô không chỉ dạy em học văn mà còn dạy cách làm người, em thực sự rất cảm ơn cô. Mong cô vượt qua khó khăn này, đứng lên làm sáng tỏ và cô tiếp tục sự nghiệp cao cả nhé”.
Một thành viên trên facebook lên tiếng: “Em tin rằng đã là sự thật thì không gì có thể che lấp được. Chúng em yêu cô và sẵn sàng nhảy vào cái Hỏa Diệm Sơn đó để được nhìn và nghe thấy giọng của cô. Như cô đã nói, đây là chông gai trở ngại, người vượt qua được nó là người chiến thắng”.
Phủ nhận quan điểm lò luyện 900 học sinh với cách dạy “nhồi nhét”, một học trò cũ đã từng học lớp luyện thi này đưa ra lý lẽ:
"Họ phải hiểu tại sao mà gần 1000 học sinh phải chịu nóng nực, chen chúc không ngần ngại đến với cô. Cô truyền cho chúng em không chỉ đơn giản là kiến thức mà cô còn dạy cho chúng con kỹ năng sống, cách ứng xử, cách làm người…Không có cô thì đã không có hàng ngàn sinh viên đại học như chúng em”.
Thậm chí, học sinh còn lập fanpage ủng hộ cách dạy của cô giáo N.A và đòi lại công bằng cho cô. Và nhiều học sinh bày tỏ tình cảm, sự ngưỡng mộ của mình đối với cô giáo dạy Văn bằng việc xưng hô là con.
Một học sinh đã từng học tại đây chia sẻ: “Mẹ à, con là đứa con gái được mẹ chỉ bảo 2 năm. Ngày ngày con luôn mau đến ngày đi học Văn của mẹ. Con thấy mọi phương pháp mẹ dạy rất hiệu quả, dù sắp là cô sinh viên năm cuối rồi nhưng con vẫn rất nhớ những bài văn mẹ dạy đấy thôi. Con yêu tất cả những giọt văn mẹ dạy, yêu tha thiết tiếng nói và tình yêu mẹ dạy cho chúng con. Mẹ phải vững chãi lên để đưa các em cùng nhiều thế hệ nữa cập bến bờ thành công nhé. Con muốn trở thành một cô giáo như mẹ - thiên thần yêu quý của con”.
Không ít học sinh bày tỏ nỗi niềm khi được học Văn của cô giáo N.A mặc dù chen chúc giữa trời nắng và học “ê a”. Cựu học sinh có tên facebook Bi Ve viết lên trang: “Giờ này năm ngoái, tuần 3 buổi, mỗi buổi 3 tiếng, dậy sớm từ 6h, đi về lúc trưa nắng nhưng mình không bỏ buổi nào, chỉ đến lớp “tập đọc ê a” thôi đấy và kết quả là đỗ đại học mình mong muốn. Mỗi phương pháp nếu được áp dụng đúng lúc đúng chỗ thì chẳng có lý do gì để lên án nó cả”.
Cô giáo N.A gửi đến học sinh những lời tâm sự tình cảm và được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi. Đoạn tâm sự của cô N.A đến nay đã nhận được hơn 900 người like và 97 lượt share:
“Một cô giáo nhan sắc không có, một lớp học không điều hoà, vài ba cái quạt mà hàng nghìn học sinh tha thiết muốn được vào??? Cô không lo ảnh hưởng gì đến cô cả, bởi tài sản lớn nhất đời cô là gia đình bé mọn của mình và lũ học trò đang chuẩn bị vượt vũ môn đầy khó khăn thử thách vẫn luôn ở bên cô, bố mẹ các em cũng thật tốt bụng bận rộn lo toan mà vẫn dành cho cô những cuộc điện thoại những dòng tin nhắn yêu thương trân trọng . Chưa bao giờ trái tim cô lại ấm áp như vậy, chưa bao giờ mà sức mạnh học trò lại trở thành BẾN ĐỖ bình yên nhất trong cô. Chính trong lúc SÓNG GIÓ này cô mới nhận ra mình là người phụ nữ hạnh phúc nhất thế gian. Cảm ơn các bậc phụ huynh, cảm ơn các em học sinh khoá cũ, khoá mới đã ở bên cô những lúc này thật đáng quý!”.
Về việc cô đọc, trò đọc theo trong một đề cương có sẵn, cô giáo này giải thích: “Một năm qua cô và trò đã phải mất bao công sức máu và nước mắt giảng và bình những tác phẩm hay, ghi dày dặn đến ba tập vở dày. Đây chỉ là buổi tổng ôn nhắc lại những gì đã học".