LTS: Qua bài viết này, chúng tôi mở diễn đàn độc giả hiến kế giúp ngành Y tế lấp những "lỗ hổng chết người", lấy lại niềm tin của nhân dân vào y đức đang bị xói mòn trầm trọng... Mọi ý kiến xin gửi về email [email protected]
1. Hàng nghìn người dùng chung kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện ĐK Hoài Đức
Ngày 5/6/2013, Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội nhận được đơn tố giác của bà Hoàng Thị Nguyệt, nhân viên khoa xét nghiệm; bà Khuất Thị Định, nhân viên khoa sản và bà Phan Thị Nam Đông, nhân viên khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức tố cáo: “Nguyễn Trí Liêm, Giám đốc bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức để cho bộ phận xét nghiệm ngoại trú lấy mẫu máu của bệnh nhân nhưng không làm xét nghiệm mà vứt bỏ đi, rồi tự in ra nhiều kết quả từ một mẫu máu khác để trả cho nhiều người bệnh. Số lượng người bệnh bị lừa dối lên đến hàng nghìn người”.
Hàng nghìn người đã dùng chung 1 kết quả xét nghiệm (Ảnh: Tuổi trẻ)
Vụ việc nhân bản này đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và bất bình trước sự vụ lợi cá nhân của một bộ phận y bác sĩ. Liên quan tới vụ việc nhân bản kết quả, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Công tác thanh kiểm tra bệnh viện còn yếu nên để vụ việc sai phạm của bệnh viện Đa khoa Hoài Đức diễn ra lâu như vậy”.
PGS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nói: “Sự việc xảy ra tại BV Đa khoa Hoài Đức là một sự việc rất đáng tiếc. Có những sự việc chúng tôi không thể ngờ là lại xảy ra như thế. Dù ngành y tế đã nỗ lực rất nhiều, tuy nhiên một số trường hợp không may, đáng tiếc xảy ra cũng là những sự việc rất đau lòng của ngành y tế”.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013, khi được hỏi quan điểm của mình về vụ việc kết quả xét nghiệm nhân bản, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có nói: "Với tư cách cá nhân, tôi cũng rất đau xót vì đó là vấn đề đạo đức xã hội, vì đồng tiền mà bất chấp tất cả".
2. Liên tiếp xảy ra các vụ trẻ tử vong do tiêm nhầm thuốc, tiêm vắc-xin hết hạn...
Vào ngày 20/5 vừa qua, ông Phan Văn Ngọc (Phú Yên) đưa hai con trai đến tiêm vắc-xin ngừa quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa. Sau khi chích ngừa, ông nhặt vỏ lọ từ sọt rác, phát hiện sản phẩm đã hết hạn sử dụng.
Theo các chứng từ do Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa cung cấp, liều vắc-xin hết hạn trên nằm trong lô hàng số QLVX 029809 gồm 10 hộp Trivivac (mỗi hộp 5 lọ, tức 5 liều) do trung tâm mua từ Công ty CP Y tế Đức Minh (xã Xuân Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) ngày 22/4 để tiêm dịch vụ.
Trên hộp văcxin ghi rõ hạn sử dụng là tháng 4/2013
Không dừng lại ở đó, dư luận vô cùng phẫn nộ trước thông tin 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong sau khi tiêm vắc-xin viêm gan B ngày 20/7 tại BV Đa khoa Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra về nguyên nhân tử vong của 3 trẻ, dù trước đó một số trang báo điện tử đã đăng tải nguyên nhân là do 3 trẻ bị tiêm nhầm thuốc.
Về vụ việc trên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người bị dư luận chê trách vì không đến thăm 3 gia đình trên khi đang công tác ở Quảng Trị, lý giải: "Đây là sự việc hy hữu rất nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm tiêm chủng ở Việt Nam”.
3. Rúng động vụ bác sĩ thẩm mỹ làm chết và ném xác khách hàng xuống sông
Chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), vào làm đẹp tại thẩm mỹ viện Cát Tường lúc 10h ngày 19/10 và bị tử vong. Khi thấy nạn nhân tắt thở, thay vì khai báo với cơ quan chức năng bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã chở xác nạn nhân lên cầu Thanh Trì và vứt xuống sông Hồng - theo lời khai ban đầu.
Vụ việc trên đang khiến dư luận vô cùng hoang mang, phẫn nộ trước hành động máu lạnh của bác sĩ Tường, và là tiếng chuông báo động cho công tác quản lý lỏng lẻo các phòng khám tư của cơ quan quản lý.
Liên quan tới vụ việc trên, Bác sĩ Cao Ngọc Bích - Phó Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM chia sẻ: "Đây là hành động thiếu nhân tính và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y khoa chứ chưa nói những ảnh hưởng xã hội. Thực tế, hành vi đó đã làm tổn thương rất nhiều tới xã hội và đặc biệt là tổn thương tới tình yêu nghề nghiệp của giới bác sĩ, sự phẫn nộ của xã hội với đội ngũ bác sĩ".
Còn GS.BS Đặng Hanh Đệ, Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch & lồng ngực Việt Nam đã ví hành động của Nguyễn Mạnh Tường là hành động của một tên cướp: "Trong tình hình nguy cấp đó, lẽ ra bác sĩ phải coi tính mạng người bệnh là trên hết. Nhưng ở đây, bác sĩ Tường đặt danh dự cá nhân, cái tôi cá nhân lên trên tính mạng người bệnh".
Về vấn đề Trung tâm thẩm mỹ Cát Tường ngang nhiên “hành nghề chui” trong suốt nửa năm mà không bị phát giác, GS.BS Đặng Hanh Đệ lắc đầu: “Thật ra đây là một sự quản lý lỏng lẻo. Chính nhu cầu làm đẹp của con người ngày càng cao cũng là một trong những yếu tố nảy sinh nhiều cơ sở hoạt động chui như thế”.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: "Vấn đề y đức trong một bộ phận thầy thuốc trong ngành y tế đã được dư luận quan tâm và bức xúc từ trước. Vừa qua xảy ra một số vụ việc tiêu cực trong ngành y tế thì yêu cầu chấn chỉnh về mặt y đức càng gay gắt hơn trong đó có trách nhiệm của ngành y tế, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Những sự việc vừa qua là các hồi chuông báo động ở cấp độ cao hơn về góc độ y đức trong một bộ phận thầy thuốc và nhân viên y tế trong ngành y tế hiện nay".
Trước những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, làm chết người gây rúng động dư luận trong suốt thời gian qua, ngành Y tế sẽ phải làm gì để khắc phục sửa chữa những sai phạm? Có phương án gì để khỏa lấp những "lỗ hổng chết người" (bao gồm sự lỏng lẻo trong quản lý vắc-xin, quản lý các cơ sở Y tế tư nhân, y đức của đội ngũ y bác sĩ...).
Mời độc giả tham gia diễn đàn đóng góp ý kiến, hiến kế cho ngành Y tế. Mọi ý kiến gửi về địa chỉ email: [email protected]