Nuôi ước mơ du học tại Pháp từ thuở bé, khi hoàn thành kì thi tốt nghiệp cấp 3 Việt Nam, Hà Linh đã đặt chuyến bay sang đất nước xinh đẹp này bắt đầu hành trình du học. Vượt qua những rào cản ban đầu về ngôn ngữ và văn hóa, Hà Linh đã hoàn tất chương trình Đại học và hiện đang học lên Thạc sỹ.
Họ và tên: Đoàn Hà Linh
Sinh ngày: 19/10/1991
Đang học Thạc sỹ, chuyên ngành Marketing tại trường Đại học Paris Dauphine
Sở thích: ăn, đi biển, chơi trò chơi cảm giác mạnh, âm nhạc
Thành tích:
- Đạt danh hiệu học sinh Giỏi 12 năm liền
- Giải nhì môn Tiếng Pháp cấp thành phố năm học 2005-2006
- Giải nhì môn Tiếng Pháp cấp thành phố năm học 2008-2009
Bỏ Học viên Ngoại giao, quyết tâm sang Pháp du học
Hà Linh theo học tiếng Pháp từ khi còn chập chững bước vào lớp 1, tính đến thời điểm đặt chân đến Pháp, Linh đã có vốn liếng kha khá về ngôn ngữ này sau 12 năm học tập và nghiên cứu. Cô bạn còn được bố mẹ cho làm quen với đất nước Pháp qua tranh ảnh trong sách, qua những câu chuyện kể trên lớp, qua những bài hát tiếng Pháp.
“Khi lớn hơn, đất nước này được tái hiện một cách sống động hơn qua những bộ phim, qua những phóng sự, mình càng thêm yêu và ấp ủ một ngày nào đó sẽ được thực sự đặt chân đến đất nước này” - Linh chia sẻ.
Linh bắt đầu tiến hành làm hồ sơ xin đi du học từ năm lớp 11. Sang học ĐH tại Pháp ngay sau khi tốt nghiệp cấp 3 nên Linh gần như không xin được học bổng mà quyết định du học theo diện tự túc.
Ở Pháp, bạn sẽ mất khoảng 300 - 400 Euro (8,5 - 11 triệu VNĐ) tiền học phí 1 năm học cử nhân, đã bao gồm tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc và nhiều ưu đãi giành cho sinh viên nước ngoài
Hè năm 2009, Hà Linh nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Ngoại giao sau kì thi Đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, Hà Linh vẫn giữ quyết định ban đầu là du học Pháp. Gia đình cũng tán thành lựa chọn này của Linh. Đến thời điểm hiện tại, cô bạn chưa một lần cảm thấy hối tiếc khi đã đặt chân đến nước Pháp xinh đẹp.
Với một vốn tiếng Pháp kha khá, cùng với điều kiện thuận lợi trong chi trả học phí nên du học tại Pháp là một sự lựa chọn đúng đắn đối với Hà Linh tại thời điểm đó.
Ưu điểm thành… khuyết điểm
Vào tháng 10/2009, Linh lần đầu tiên đặt chân đến Pháp. “Thời tiết lúc đó rất thích, không quá nóng cũng không quá lạnh. Trời rất trong và xanh. Mình và 1 số người bạn còn hay đùa nhau là cảm giác bầu trời bên này cao hơn ở Việt Nam” - Hà Linh nhớ lại.
Linh ấn tượng mạnh bởi kiến trúc, bởi dòng sông Seine êm đềm và đặc biệt là gu ăn mặc thời trang của mọi người nơi đây.
Cô bạn chia sẻ: “Ưu điểm lớn nhất của mình chính là ngôn ngữ, nhưng đó cũng là trở ngại lớn nhất đối với mình. Mình có lợi thế học tiếng Pháp từ nhỏ nhưng lại chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với người bản địa nên việc giao tiếp để kết thân với các bạn mới mình có phần dè dặt. Có thể một phần vì bản tính mình khá khép kín và ít nói với người lạ”.
Để khắc phục yếu điểm này, Linh chủ động hơn trong giao tiếp, cái gì không biết thì hỏi, cái gì chưa làm bao giờ thì học và làm dần cho quen. Chỉ sau đó một thời gian ngắn,cô bạn cũng dần cởi mở và làm quen được nhiều hơn với những người bạn ngoại quốc.
Hà Linh cho biết: “Mình khâm phục thái độ học tập nghiêm túc, tự giác và cách làm việc chuyên nghiệp của họ. Họ rất sáng tạo, chủ động và có tinh thần tích cực. Mình quen nhiều nhưng chơi thân thì không nhiều. Chủ yếu mình tiếp xúc với họ là qua học tập và công việc. Nhìn chung họ đều rất có thiện chí và sẵn sàng giúp đỡ khi mình cần”.
Du học sinh Pháp nên đi làm thêm
Ngay từ năm đầu sang, Hà Linh đã đi làm thêm để có thể kiếm một chút thu nhập trang trải cho sinh hoạt của bản thân. “Mình đã từng làm baby-sitter khoảng 2-3 buổi/ tuần, mỗi buổi tầm 3-4h. Mình trông ba bé gái học tiểu học. Nhiệm vụ của mình là đến trường đón các bé về nhà, trông các bé, đôi khi nấu ăn và kèm các bé học bài. Công việc cũng rất nhẹ nhàng, đơn giản mà lại phù hợp với thời gian đi học của mình”.
Ngoài công việc trông trẻ, Hà Linh từng làm việc tại tổ chức giành cho những người mù và khiếm thị, Association Valentin Hauy vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, mỗi buổi 4 tiếng, mỗi tiếng 10€.
Về việc du học sinh có nên đi làm thêm hay không, Hà Linh chia sẻ quan điểm: “Mình thấy đi làm thêm là một việc làm cần thiết đối với các du học sinh. Nó không chỉ giúp bạn có thêm được một khoản phụ thu mà còn giúp bạn tích lũy được nhiều vốn sống đáng quý. Các công việc đa phần đều là bán thời gian nên bạn có thể chọn lựa công việc và ca làm sao cho phù hợp với thời gian biểu, để không ảnh hưởng đến công việc học tập của bản thân”.
Để tận dụng thời gian, những buổi học xong sớm, cô bạn sẽ đăng kí đi làm thêm. Thậm chí, còn mang sách vở đến nhà các bé để làm bài. Công việc thường kết thúc tầm 6-7h tối, nên Linh về nhà không quá muộn, vẫn đảm bảo công việc sinh hoạt, học tập của mình.
Sẽ về Việt Nam sau khi du học
Đến thời điểm hiện tại, Hà Linh đã gắn bó với đất Pháp được 5 năm. Không phải là quảng thời gian khá dài nhưng đủ để Linh cảm nhận những giá trị không bao giờ thay thế được nơi quê nhà.
“Tình yêu có nhiều cám dỗ, bản thân mình, đứng trước mỗi sự việc, luôn biết cân nhắc đúng sai và suy nghĩ kỹ trước khi hành động nên mình hoàn toàn tự tin vào việc có thể gạt bỏ những cám dỗ đời thường đó” - Linh chia sẻ
“Thời gian mình xa nhà quả thật không hề ngắn. Mình đã bỏ lỡ rất nhiều thứ. Em trai mình, từ ngày mình đi học mới chỉ là một cậu bé học cấp 1, thấp hơn mình rất nhiều, giọng vẫn “thánh thót”. Vậy mà bây giờ đã trở thành một cậu thanh niên cao to, giọng ồm ồm, đã có thể tự đạp xe đến trường. Bố mẹ mình cũng có nhiều nét thay đổi, ngày một lớn tuổi hơn. Mình vẫn may mắn vì vẫn có điều kiện về thăm gia đình hàng năm, nhưng thời gian cũng chỉ rất ít ỏi”.
Những lúc nhớ Việt Nam, Linh xem các chương trình của đài truyền hình Việt Nam hoặc những bộ phim Việt hay chương trình giải trí ở trên youtube. “Làm như vậy, một phần để căn nhà đỡ trống trải, mình thích có tiếng người trong nhà, một phần để mình vẫn có thể theo sát các chương trình ở Việt Nam để còn bàn luận với các bạn mình nữa” - Linh tâm sự.
Linh sẽ hoàn tất khóa học Thạc sỹ vào cuối năm 2015 và sẽ quay trở về Việt Nam sau khi nhận bằng.
Một số hình ảnh khác của Hà Linh tại nước Pháp xinh đẹp.