Thợ đụng từ tuổi niên thiếu
Cứ đúng 6h sáng mỗi ngày, Phụng phụ bà ngoại xếp những củ khoai lang còn nghi ngút khói lên chiếc mâm nhôm, bỏ thêm cái cân, cẩn thận nhét xấp bịch nilông bên dưới cho bà đi bán buổi chợ sớm. Xong xuôi đâu đó, cậu bé mới thay đồ chuẩn bị đến trường.
Năm học này, Phụng học lớp 8, trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ngay từ năm lớp 4, Phụng đã có “thâm niên” đi làm thêm đủ thứ nghề. Đầu tiên là bán vé số dạo. Học buổi chiều thì sáng Phụng cầm tập vé số đi bộ lòng vòng trong xóm, bán không hết thì đi miết ra mấy trục đường lớn.
Buổi chiều đi học về, Phụng lại chạy ra đại lý lấy tiếp vé mới bán tới 9-10 giờ đêm. Nhà gần chợ, những ngày chợ đông, Phụng ra xin mấy cô mấy dì bán gà vịt cho phụ nhổ lông. Thấy trong xóm có người bỏ mối hàng gia công găng tay đấm bốc, Phụng cũng lãnh về làm.
Nhưng đâu phải ngày nào cũng có hàng, có việc để làm. Những lúc “thất nghiệp”, cậu bé theo chân bà ngoại đi bán khoai lang, khoai mì dạo.
Hè vừa rồi, nhờ người hàng xóm giới thiệu, Phụng vào làm cho một quán nhậu về đêm.
Ông Trần Văn Triều, ông ngoại của Phụng, kể: “Nó đi làm từ 5h30 chiều tới hơn 12h đêm mới về tới nhà. Công việc là rửa chén, bưng bia. Một bữa đi làm về nó sốt li bì, tui chở ra phòng khám mà nó ngồi xe không nổi. Bác sĩ cho chụp hình mới biết nó bị cong cột sống do khuân vác nặng. Tội nghiệp, mấy bữa nay tui bắt ở nhà uống thuốc, ăn uống mới khá khá chút chứ hồi trước thằng nhỏ ốm nhom có chừng 29 kg chứ mấy”...
“Em sợ phải nghỉ học”
Hỏi Phụng vì sao đang tuổi ăn tuổi chơi mà suốt ngày tẩn mẩn đi kiếm việc làm như người lớn thì có ngay câu trả lời: “Em sợ phải nghỉ học, ông bà ngoại sức khỏe ngày một yếu mà...”
Hơn 1 tuổi, Phụng mồ côi cha vì tai nạn giao thông. Tấm hình duy nhất cả nhà chụp chung là tấm bé Phụng mặc áo tang được mẹ bồng cạnh quan tài cha. Những tháng ngày sau đó, mẹ em đi làm ăn xa, để em lại cho ông bà ngoại. Khi mẹ con được sống gần nhau chẳng bao lâu thì mẹ cũng qua đời.
Để có tiền nuôi cháu ngoại, ông ngoại ngày ngày đi làm phụ hồ, bà ngoại đi bán khoai dạo. Những ngày không ai thuê, ông ngoại chỉ còn cách loanh quanh ở nhà phụ bà ngoại gom phế liệu, củi khô để luộc khoai.
Phụng kể từ năm lớp 7, thấy mình bắt đầu gặp khó với môn tiếng Anh nhưng khó mấy Phụng cũng chỉ biết ôm sách qua nhà bạn hỏi chứ không dám xin tiền ngoại đi học thêm. Phụng nói mình rất thích hai môn văn và sử, nên nếu bây giờ có tiền “em sẽ chạy ào ra nhà sách mua những cuốn em thích, trong đó nhất định phải có cuốn 171 bài văn hay lớp 8”.
Bằng cái giọng già trước tuổi, Phụng tính: “Em ráng đi làm phụ ngoại để có tiền ăn học được chừng nào hay chừng đó. Nếu không học được tới cấp III, em sẽ đi học nghề. Ông bà ngoại và dì Út “khờ” (dì Út của Phụng bị bệnh tâm thần) mai này chỉ có mình em lo thôi”.
Cô Thiều Thị Phượng, giáo viên dạy sử năm lớp 7 đồng thời là hàng xóm của Phụng, cho biết: “Phụng là học trò ngoan, ham học, chịu khó. Nhưng trường ở vùng ven toàn học trò nghèo, thầy cô, bạn bè có thương cũng không giúp được gì nhiều. Bà con lối xóm cũng chỉ giúp được chút đỉnh. Nếu vì khó khăn mà em phải bỏ ngang việc học thì đáng tiếc vô cùng”.