Ngày hôm qua, bức hình “Niềm vui của người mẹ bán xôi cổng trường ĐH Xây dựng trong ngày đứa con yêu bảo vệ Đồ án tốt nghiệp” được chia sẻ nhanh chóng trên các diễn đàn, fanpage và gây xúc động mạnh cho người xem.
Theo bức ảnh, chúng tôi đã tới trước cổng trường ĐH Xây dựng để gặp và trò chuyện cùng người mẹ trong bức hình - cô Lê Thị Dung (SN 1960). Nhìn thấy chúng tôi cô tươi cười bảo "Từ sáng đến giờ nhiều người hỏi cô có phải là mẹ của bạn Minh học ĐH Xây dựng không?”.
17 năm bán xôi, 3 người ở trong căn nhà 12m2
Được biết trong suốt 17 năm qua, cô Dung đều bán xôi ở cổng trường ĐH Xây dựng, nhiều sinh viên ra trường hàng chục năm có con 10 tuổi rồi vẫn quay lại đây ăn xôi. Cô coi sinh viên như con của mình và hay nói đùa “U nuôi mày và mày cũng nuôi u”.
Cô tâm sự trước từng là công nhân xí nghiệp Mì Chùa Bộc, năm 1991 cô về hưu để sinh Minh và cũng là đứa con duy nhất của hai vợ chồng cô. Bố của Minh là bệnh binh 61% nên không làm được việc nặng, lúc khỏe thì chạy xe ôm kiếm tiền. Còn cô thì sáng nào cũng dậy từ 3h30 sáng để nấu xôi rồi 5h30 đem ra ngoài cổng trường bán, chắt chiu từng đồng để nuôi con ăn học.
“Ngày Minh bước vào lớp 1 cô bắt đầu bán xôi. Ngày ấy, cô thường đèo nó (Minh – PV) vào chiếc thúng đi học. Từ nhỏ đến lớn, nó chỉ nằm ở ghế gỗ dài, không có giường vì nhà không có điều kiện, cả gia đình sống trong căn nhà 12 m2 ở phố Bạch Mai”, cô Dung kể.
Cô nhớ nhất kỷ niệm khi Minh học lớp 7, lúc đó một suất xôi chỉ có 500 – 1000 đồng, Minh hỏi cô mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền, cô nói 50.000 đồng. “Nghe xong câu đó, mặt nó buồn rầu đáp lại rằng tiền học của con mỗi ngày là 10.000 đồng, tiền điện nước, gạo, thức ăn là mất tổng cộng 60.000, chưa kể tiền khác. Như vậy là không đủ, vậy từ mai con sẽ chỉ ăn xôi mà không ăn gì nữa”, cô Dung rưng rưng xúc động khi kể lại.
Theo chân cô về căn nhà ở Bạch Mai rộng 12 mét vuông, cô chỉ chiếc ghế gỗ dài rồi nói: “Đấy, chỗ Minh nằm gần 20 năm nay cháu ạ. Nhà chẳng có đồ đạc gì quý giá, nhà chật cháu cố ngồi tạm nhé”
Niềm vui người mẹ thấy con trong ngày tốt nghiệp đại học
Thương mẹ, Minh cố gắng học và không bao giờ để mẹ phải lo lắng. Minh đạt kết quả học sinh giỏi nhiều năm và nhận được các học bổng của trường. Ngoài thời gian học ôn bài, Minh phụ giúp mẹ đồ xôi, giã muối vừng, làm ruốc… chứ không đi chơi hay tụ tập bạn bè.
Nói vài điều về con, cô Dung chỉ cười: “Minh là đứa con khiến vợ chồng cô không có gì phàn nàn. Ngay từ nhỏ cháu ngoan ngoãn, chẳng bao giờ xin tiền mẹ hay đòi hỏi điều gì vì biết nhà mình cũng chẳng có tiền, không có điều kiện”.
“Có một lần khi học lớp 4, Minh bị cô giáo yêu cầu mời phụ huynh lên trường do không làm bài tập, cô giáo nói mang vở bài tập về nhà cho bố mẹ ký nhưng Minh không làm và nói dối cô. Về nhà, cô không đánh mắng nó mà chỉ nói: “Mẹ xấu hổ lắm con ạ, mẹ không biết phải chui vào chỗ nào nữa”. Từ đó, Minh không bao giờ nói dối hay để tôi buồn phiền”.
Niềm vui của cô Dung khi nhắc đến con mình.
Gần 20 năm chịu nhiều khó khăn, vất vả nuôi con ăn học, điều cô mong ước chỉ là nụ cười của con, con tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Ngày Minh bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học, cô mừng rơi nước mắt vì thấy con trai trưởng thành, cầm tấm bằng Khá ra đời.
Cô Dung kể rằng, ngày 22/12 năm ngoái, Minh bảo vệ đồ án tốt nghiệp. Ngay sau khi bảo vệ xong, Minh chạy ra cổng trường khoe với mẹ.
“Minh nói với cô, người đầu tiên nó muốn gặp là mẹ và muốn chụp ảnh cùng mẹ tại góc phố nơi mẹ bán xôi suốt 17 năm qua. Tôi từ chối và nói: “Mẹ ăn mặc luộm thuộm, không dám chụp ảnh đâu”, nhưng Minh vẫn nài nỉ bác xe ôm chụp giúp làm kỷ niệm”, cô Dung nhớ như in ngày quan trọng ấy.
Sau khi ra trường, Minh được nhận vào Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng để làm việc. Ngay tháng lương đầu tiên, Minh đã gửi về cho bố mẹ một nửa số tiền nhận được.
Tâm sự với chúng tôi, Hoàng Quang Minh bộc bạch: “Mẹ đã khổ cả đời, trước mắt mình phấn đấu để xây cho bố mẹ một căn nhà tử tế. Biết là khó khăn nhưng người ta làm được thì mình cũng làm được”.
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA