LTS: Trước cái chết đầy bất ngờ của game sốt toàn cầu Flappy Bird, nhiều người đổ tội lỗi do truyền thông như ai đó có nói: “Tôi cảm thấy rất lo cho anh Đông khi thấy sự vồ vập hoang dã của báo chí”. Truyền thông là “ngòi châm” cho “quả bom tấn” Flappy Bird nổ tung. Các chuyên gia uy tín sẽ cùng báo điện tử Trí Thức trẻ giải mã: CÔNG - TỘI CỦA TRUYỀN THÔNG VỚI THÀNH CÔNG VÀ CÁI CHẾT CỦA FLAPPY BIRD bằng những góc nhìn thẳng thắn, khách quan nhất.
Bài 2: Flappy Birt khai tử: Dân mạng luận công tội truyền thông
Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông hiện nay vẫn đang là 2 từ khóa hot, được tìm kiếm nhiều nhất trên các trang mạng xã hội trong những ngày qua, kể cả sau khi "con chim" Flappy bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng.
Sự thành công và nổi tiếng quá nhanh của trò chơi Flappy cũng như "cái chết 22 giờ" của nó đến nay vẫn là chủ đề tranh cãi chưa có hồi kết. Nhiều ý kiến cho rằng Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông đã phải chịu sự ảnh hưởng quá lớn từ truyền thông, cả ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực. Đến Hà Đông cũng đã từng twitter: "Truyền thông đang đánh giá quá mức thành công của trò chơi này. Đây là điều tôi chưa bao giờ mong muốn. Xin cho tôi chút bình yên”, ..." Nó đang khiến cuộc sống của tôi đảo lộn"...
Hình ảnh trò chơi Flappy Bird gây bảo cộng đồng game trên di động toàn thế giới
"Ngay khi làm game này, Hà Đông chắc chắn không hề nghĩ tới sự thành công của Flappy Bird như những ngày qua. Với một dân công nghệ, chắc chắn anh ấy không thể chịu được sức ép từ sự quan tâm, soi mói quá mức từ truyền thông và dư luận. Flappy Bird đã khiến cuộc sống vốn bình yên của anh ấy bị đảo lộn nên việc quyết định gỡ trò chơi này là điều có thể thông cảm. Truyền thông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới quyết định của Đông", Hoàng Minh bình luận.
"Trò chơi này đã được đẩy lên Apps từ cách đây vài tháng, thế nhưng nó đã bất ngờ trở thành cơn sốt thực sự trong cộng đồng game di động toàn thế giới vào đầu năm 2014. Hiệu ứng đám đông và truyền thông đã khiến Flappy Bird thực sự bùng nổ. Rồi cũng từ truyền thông, từ những nguồn tin không rõ ràng, nhiều chiều đã đảo lộn cuộc sống của Hà Đông và khiến anh quyết định gỡ trò chơi đình đám này khỏi Apps. Nói không ngoa nhưng truyền thông có lỗi trong vụ này", Nhật My bình luận.
Dân mạng chế ảnh cho rằng việc Hà Đông quyết định gỡ Flappy Bird có lỗi rất lớn từ truyền thông nước nhà
Tương tự như những lời bình luận ở trên, một facebooker có tên là Tu Nong cũng cho rằng "cái chết" của Flappy Bird cũng có lỗi ở truyền thông cả trong và ngoài nước: "Sự nổi tiếng của Flappy bird dĩ nhiên cũng đem lại nhiều sự ồn ào. Ngay cả tôi nếu không biết anh Đông từ lâu chắc chắn cũng không khỏi cảm thấy ghen tị vì nghĩ rằng đó là một sự ăn may mà không phải đổ nhiều mồ hôi.
Không chỉ ở Việt Nam mà cả một số blog về game ở nước ngoài cũng thể hiện rõ ràng sự ghen tị đó qua những bài viết chỉ trích rằng Flappy bird bắt chước ý tưởng và ăn cắp hình ảnh từ những game khác. Thậm chí một số người còn cho rằng Nguyễn Hà Đông dùng thủ thuật bất minh nào đó để khiến game của mình tăng hạng. Như vậy sự ghen tị không chỉ ở trong nước mà cả còn có ở cả nước ngoài nữa...
Báo chí không viết về quá trình phát triển game, tích lũy kinh nghiệm lâu dài của Nguyễn Hà Đông mà luôn cho rằng anh là một lập trình viên trẻ tuổi. Điều này khiến cho rất nhiều người có cách nhìn sai lệch về anh và sự thành công của trò chơi."
Tuy nhiên, truyền thông không hoàn toàn có lỗi trong sự kiện Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông: "Nếu như báo chí trong và ngoài nước không đưa tin, không bình luận về Flappy Bird thì liệu trò chơi ấy có được chú ý nhiều đến như vậy trong những ngày qua không? Người chơi chỉ biết về Flappy Bird và báo chí đã giúp họ biết đến tác giả, biết đến chàng trai 29 tuổi người Việt Nam, Nguyễn Hà Đông.", thành viên Miumiu bình luận.
"Tôi chỉ biết về Flappy Bird mà không hề biết về người đã làm ra. Nhờ có báo chí, truyền thông thì tôi mới biết đến tác giả Nguyễn Hà Đông và biết được trò mình đang chơi là sản phẩm của một người Việt trẻ. Và giờ khi trò chơi bị gỡ, người ta lại quay sang trách móc truyền thông vì đã quá soi mói khiến Hà Đông bị áp lực. Đối với một người nổi tiếng, họ luôn phải đối mặt với sức ép từ truyền thông, đó là điều hiển nhiên. Còn Hà Đông, cậu ấy chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị tâm lý trở thành ngươi nổi tiếng, người của công chúng. Thôi thì việc gỡ trò chơi là điều có thể hiểu và thông cảm", Lý Nhân bình luận.
Câu chuyện truyền thông có tội hay có công trong sự kiện Flappy Bird và Nguyễn Hà Đông vẫn đang được tranh cãi. Và câu chuyện này hãy để mỗi người, mỗi cá nhân tự đưa ra ý kiến, nhận xét, đánh giá.
Bài 1: Phần lớn truyền thông Việt Nam theo hướng bới móc