Thực trạng này cũng không có gì bất ngờ khi mà cách dạy Tập làm văn cho học sinh ở một số Trường Tiểu học ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị hiện nay còn quá áp đặt.
Đúng “phom” điểm cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thay vì dạy học sinh viết ra những cảm xúc chân thực về thế giới xung quanh, thì nhiều thầy cô giáo ở một số Trường Tiểu học hiện nay lại “ép” các em nhớ theo kiểu rập khuôn hoặc học thuộc những bài văn mẫu và viết lại trong kỳ kiểm tra.
Cô Nguyễn Thị N giáo viên Văn một trường THPT ở huyện Vĩnh Linh, ấm ức: “Con tôi đang học lớp 3, mỗi khi cô giáo của cháu ra đề tập làm văn về nhà, tôi đều hướng cho con viết ra những cảm nghĩ thật của cháu. Tuy nhiên, khi đến trường cô giáo lại luôn đưa ra những câu văn khuôn mẫu và sáo rỗng để bắt cháu học thuộc. Ví dụ, khi tả về mẹ, thì mẹ cháu lúc nào cũng phải "hiền dịu", tả ông bà nội thì phải có "mái tóc bạc như sương, đôi mắt sáng và vẻ mặt phúc hậu”. Nếu không làm đúng như thế thì chỉ được điểm trung bình”.
Bức xúc vì cách dạy văn của cô giáo, anh Nguyễn Văn H, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh kể: “Hôm nọ cô giáo của con tôi ra bài tập làm văn tả về ông nội, cháu nó hý hoáy làm. Trái với thực tế sống động trước mắt, cháu bị cô bắt phải tả một người ông “râu tóc bạc phơ, ánh mắt hiền từ”. Mà hiện tại, ông nội của cháu mới hơn 50 tuổi thì sao mà mang được những đặc điểm "khuôn mẫu người già" như cô giáo yêu cầu. Khi tôi bảo, con cứ viết đúng như sự thật con thấy ông thế nào thì viết ra như thế nhưng cháu lại nói cô giáo bảo phải viết giống văn mẫu. Tôi khuyên thế nào cháu cũng không chịu, vậy là ngoài chuyện chỉnh sửa câu cú, đoạn văn sao cho đúng ngữ pháp, đúng chính tả thì tôi không thiết tha đọc bài văn ấy”.
Bài văn mẫu được phát cho học sinh
Đồng quan điểm với cô N, anh H, chị Nguyễn Thị L, ở thị trấn Cửa Tùng, bộc bạch: “Con tôi năm nay học lớp 2, mỗi khi chuẩn bị kiểm tra học kỳ, bé phải học thuộc lòng gần chục bài văn mẫu được cô giáo in sẵn ra giấy kể về người thân mà em yêu quý, kể về cô giáo cũ hay viết thư cho người bạn ở xa...Khi tôi gợi ý thêm vài chi tiết, con tôi nói cô giáo dặn chỉ học theo bài văn mẫu chứ không được ghi thêm ý khác”.
Dạy trẻ cách nói dối?
Một số phụ huynh cho rằng, nếu không cho các cháu học theo văn mẫu thì điểm số sẽ thấp, các cháu sẽ không đạt được danh hiệu là học sinh khá, giỏi (vì xếp loại học lực học sinh tiểu học được tính theo điểm số cuối kỳ thi).
Cháu Nguyễn Thị Ý N, học sinh một trường tiểu học ở huyện Vĩnh Linh, thật thà kể: “Khi cô giáo phát văn mẫu về học thuộc cháu không nhớ đã bỏ ở đâu nên quên không học, khi làm bài thi cháu làm theo suy nghĩ của mình, đến khi cô giáo thông báo điểm cháu bị mẹ mắng vì thi được 7 điểm môn Văn nên chỉ được loại khá”. Khi chúng tôi hỏi, em có thể viết lại đoạn văn đó không thì em viết rất tốt, đoạn văn kể về một người thân trong gia đình, câu chữ rõ ràng, chỉ là khác với văn “tham khảo”.
Chị Lê Thị Thanh N, ở thị trấn Cửa Tùng cho biết: “Phụ huynh chúng tôi cũng không đồng ý với cách dạy này của cô giáo vì nhiều khi thấy con học trái với thực tế trước mắt nên học mãi mà không thuộc, có lúc thuộc đó lại quên đó, tôi ra thử đề bài thì cháu lại làm không được nên đành chấp nhận”.
Chị Nguyễn Thị Th, có con đang học lớp 2 kể: “Trong đoạn văn kể về gia đình cô đưa về cho cháu “tham khảo” có viết: “Gia đình em có bốn người: bố, mẹ, chị gái và em...Chị của em đang học lớp 6, chị học rất giỏi và hay giúp mẹ làm công việc nhà, em là con trai út trong nhà nên được mọi người yêu thương…”, khi cháu học tôi hỏi cháu, nhà mình đâu có chị gái sao con lại học vẹt như vậy, cháu trả lời cô dặn học thuộc nếu ra trúng đề này thì chỉ cần chép vào bài kiểm tra như vậy. Tôi phải nhẹ nhàng khuyên cháu nên viết đúng sự thực con biết, điểm cao hay thấp không cần thiết, nói mãi cháu mới chịu nghe”.
Với cách giảng dạy như hiện nay, một số phụ huynh vì muốn con em mình có điểm số cao cuối kỳ thi nên cũng áp đặt con theo cách dạy của cô giáo, điều này đồng nghĩa với việc kìm hãm sự tự tin, tính sáng tạo và vô tình “tiếp tay” dạy trẻ cách nói dối. Dạy chữ nhưng phải dạy trẻ nhân cách làm người.