Có đủ cả, từ “xù lông” che chắn nỗi đau cho đến “dìm hàng” người cũ.
“Long lanh” trong nỗi đau
“Con gái tìm được cho mình chỗ dựa thì đáng mừng, nhưng không cần chỗ dựa mà tự đứng một mình mới đáng quý, con gái quyến rũ nhất khi không thuộc về ai”. Đó là dòng trạng thái được L.T.L. (20 tuổi, TP Đà Nẵng) chia sẻ trên trang Facebook (FB) của mình.
Ngay lập tức, bạn bè ngầm hiểu mối quan hệ tình cảm giữa L. và bạn trai có trục trặc vì trước đó cô gái này chỉ đưa lên mạng những hình ảnh yêu đương thắm thiết của họ từ quán ăn, siêu thị đến rạp chiếu phim...
Không chỉ nói suông như vậy, những ngày sau đó, trang FB của L. còn liên tục đăng tải những hình ảnh selfie (ảnh tự chụp) khuôn mặt của mình trong bộ dạng vui vẻ, kèm theo những câu nói tỏ ra mình là cô gái mạnh mẽ.
Có khi L. đăng đến mấy chục hình ảnh, dòng trạng thái suốt từ nửa đêm về sáng.
Thế nhưng ngoài đời thực, hình ảnh của cô không “long lanh” như thế. Gần một tháng “không thuộc về ai”, gương mặt cô trở nên phờ phạc, teo hóp hẳn.
“Tôi không thể gạt đi suy nghĩ về anh ấy. Mở mắt ra là tôi đã thấy mình cô đơn, không thể tập trung học hành hay làm bất cứ việc gì” - L. bộc bạch.
Tương tự, T.H. (17 tuổi, TP Đà Lạt) cũng lên FB “xù lông” để chứng tỏ mình không đau tình. Cô gõ dòng trạng thái: “Anh có người khác à, buồn nhỉ. Nhưng không sao, em một mình cũng vui mà”.
Nhưng trên thực tế H. cho biết đó là cách cô tự trấn an mình. Để chứng tỏ “cũng vui mà”, H. bỏ công trang điểm kỹ càng, trau chuốt những bức hình đẹp đẽ đăng lên FB khiến nhiều chàng vào “like” để bạn trai phải hối hận khi đã chia tay mình.
“Dìm hàng” người cũ
Từ khi mới là sinh viên năm nhất, H.T. (hiện 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) đã phải lòng cô bạn cùng lớp. Khi ra trường T. và bạn gái làm ở hai nơi khác nhau.
Gần một năm sau, trang FB của cô gái đăng hình ảnh khoác vai một chàng trai khác kèm dòng trạng thái khoe người yêu mới.
Ngay lập tức, T. liên tiếp đăng tải những lời trách móc người xưa, đại loại như “con gái thời nay khó tin, chỉ biết tìm đến người khác những khi cô đơn, nhưng khi xa mặt thì cách lòng, khi không cần nữa thì vứt bỏ”.
Còn N.T.H. (23 tuổi, Quảng Bình) chủ động đăng tải hình ảnh hai người “khóa môi” kèm theo những lời trách móc thậm tệ trên trang FB khi họ chia tay.
Những ngày sau, FB của H. còn tràn ngập những lời lẽ soi mói, bóc mẽ những điều xấu xa của người cũ: “Tôi muốn cho mọi người biết bộ mặt thật trơ trẽn của anh ta”.
Đáp trả lại, trên FB của anh ta cũng xuất hiện không ít dòng chê trách bạn gái cũ xấu tính, “đào mỏ” không được nên muốn đạp đổ...
“Gói ghém” lại chuyện xưa
Trong quá trình làm việc, thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A từng tiếp xúc nhiều bạn trẻ mang nỗi đau tình với muôn hình vạn trạng cách phản ứng khác nhau trên mạng xã hội lẫn ngoài đời thực.
Theo bà Tô Nhi A, “xù lông” che đậy nỗi đau hay “dìm hàng” người cũ thuộc nhóm kiểu phản ứng làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Đây thường là chọn lựa của những bạn không chấp nhận được sự mất mát, coi sự tan vỡ ấy như một thất bại nặng nề. Họ không hiểu (không chịu hiểu) rằng mối quan hệ ấy đã bị rạn nứt, nếu tiếp tục cũng không có giá trị.
“Đe dọa tinh thần đối phương, thóa mạ trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các mối quan hệ khác hay mạng xã hội, gây tổn hại đến thể chất bằng bạo lực; hoặc thái cực ngược lại là ghét bỏ bản thân, luôn tự sỉ vả mình và đỉnh điểm có thể là tự tử”.
Theo bà Tô Nhi A, những hành vi như thế chỉ làm tình hình thêm tồi tệ bởi người cũ càng xa lánh, đề phòng vì cảm thấy không an toàn mà hình ảnh của bạn càng thêm đáng thương và “xấu xí” dưới mắt mọi người.
Ngược lại, không ít bạn trẻ đã chọn những kiểu phản ứng giúp bình thường hóa mọi chuyện. Bà Tô Nhi A phân tích: “Bình thường hóa không có nghĩa là vô cảm trước mất mát, tan vỡ mà là nhanh chóng gói ghém lại quá khứ buồn với bài học kinh nghiệm đi cùng”.
Theo bà Nhi A, những bạn chọn kiểu ứng xử này thường quản lý tốt cảm xúc và nhận diện vấn đề mình đang gặp phải một cách thấu đáo.
Họ hiểu được giá trị của bản thân và mong muốn hoàn thiện, nên dù buồn “vỡ tim” nhưng họ không có hành vi buông thả kéo dài hay oán trách đối phương, không đổ lỗi cho cuộc đời và luôn thận trọng khi chia sẻ nỗi đau tình của mình dù là trực tiếp hay thông qua mạng xã hội.
“Việc đối diện với những mất mát, thất bại trong cuộc sống không phải chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ lớn lên từ chính những lần đổ vỡ như thế nếu biết chọn cách đối diện tích cực”.
Như lời bà Tô Nhi A, người trong cuộc cần kiểm soát tốt nội dung bày tỏ nỗi đau tình để không ảnh hưởng đến người khác, qua đó thể hiện được bản lĩnh của mình trước cư dân mạng.
“Bạn trẻ cần biết cách đau tình thông minh để không bị thêm nỗi đau khác từ dư luận, bởi mạng xã hội tuy là thế giới ảo nhưng sự phản ánh, quy kết về nhân cách mà người khác dành cho bạn là thật” - bà Tô Nhi A nói.
Chọn cách “đau tình” thông minh
- Bình tĩnh đón nhận sự thật vì sự hoảng loạn chỉ làm bạn thêm rối trí.
- Có thể có những trao đổi với đối phương để hiểu rõ vấn đề, nhưng phải hết sức ôn hòa và thiện chí. Có thể những hiểu lầm được tháo gỡ và tình xưa được nối lại, nhưng nếu thấy việc tiếp tục là không thể thì bạn cần chấp nhận mặc dù rất bẽ bàng.
Vì tình yêu phải được tạo dựng từ hai phía, sự cố gắng níu kéo từ một phía khó (thậm chí là không thể) để xây dựng một tình yêu đúng nghĩa.
- Tập trung việc hoàn thiện các mục tiêu khác của cuộc đời. Đừng quên rằng ngoài tình yêu, chúng ta còn có trách nhiệm với nhiều thứ khác: gia đình, bạn bè, cộng đồng, công việc, lập nghiệp và quan trọng nhất là lập thân.
Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A