Như tin đã đưa, ngày 12/5 trong đề ôn luyện thi Tốt nghiệp THPT và thi Tuyển sinh ĐH-CĐ môn Ngữ văn dành cho học sinh lớp 12D1 Trường THPT Chu Văn An, TS Trịnh Thu Tuyết đã lồng ghép sự kiện Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đề văn ngay lập tức nhận được sự ủng hộ lớn của dư luận (xem chi tiết sự kiện)
Những bài làm văn xúc động của các học sinh lớp 12D1 sau đó cũng đã được Báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng độc quyền, như: Bài văn dồn nén cảm xúc của nữ sinh Hoàng Linh Phương, Lá thư đặc biệt: Cô gái mơ thành nhà báo gửi cha ở Trường Sa của nữ sinh Lương Thị Thủy Trang, hay Như một vết cắt trong tim của nữ sinh Lê Nguyệt Ánh...
Và dưới đây là đáp án chính thức của TS Trịnh Thu Tuyết dành cho đề ngữ văn này:
Đọc đoạn trích sau đây trong bài thơ Tổ Quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến và trả lời các câu hỏi:
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không? (4/2009)
1. Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề Tổ Quốc nhìn từ biển? Trong cả bài thơ, những câu thơ: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa... Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát luôn lặp lại như một điệp khúc. Điệp khúc cho thấy tác giả đã chọn một điểm nhìn khá đặc biệt để gợi cho người đọc những suy ngẫm về Tổ Quốc. Đó là góc nhìn nào, góc nhìn ấy đưa đến cho anh/chị những xúc cảm, suy ngẫm như thế nào?
- Mỗi nhà thơ đều có một góc quan sát, tiếp cận, suy ngẫm về đối tượng thẩm mĩ, đối tượng trữ tình trong tác phẩm của mình, với Nguyễn Việt Chiến, đối tượng trữ tình trong bài thơ là Tổ Quốc được nhìn từ biển, mở rộng ra trong những điểm nhìn phái sinh như: quần đảo...thương tích....hiểm họa...mất mát...đều hàm chứa những tầng ý nghĩa sâu sắc, thiêng liêng nhất - đó là góc nhìn từ vấn đề chủ quyền và cái giá của chủ quyền.
- Góc nhìn đã đưa đến niềm xúc động sâu sắc cho con dân đất Việt, vì niềm tự hào với chủ quyền thiêng liêng, nỗi xót thương cho những hi sinh từ bao đời nay để giữ yên bờ cõi, lòng căm giận với những kẻ thù đầy dã tâm và luôn rình rập...
2. Theo anh/chị, còn có những góc nhìn nào về Tổ Quốc bên cạnh góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến?
- Luôn có nhiều điểm nhìn đối với một đối tượng nào đó. Mỗi điểm nhìn sẽ đưa lại một chiêm nghiệm hoặc cảm xúc khác nhau về một bình diện cụ thể của đối tượng.
- Đất Nước Việt Nam đã được quan sát suy ngẫm ở nhiều góc nhìn khác nhau, có thể từ vẻ đẹp văn hoá, từ tư tưởng "Đất Nước của nhân dân" (Nguyễn Khoa Điềm), từ tầm vóc lớn lao (Bài ca mùa xuân 1961- Tố Hữu); từ cái nhìn trong chiều dài truyền thống bất khuất (Đất nước- Nguyễn Đình Thi)...
3. Hình ảnh "sóng" trong hai câu cuối khổ thơ được thể hiện trong tầng ý nghĩa nào? Chỉ rõ biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ này?
- Hình ảnh "sóng" trong câu 3 Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa không dừng lại ở nghĩa đen với những lớp sóng trào dâng cuồn cuộn trên đại dương, ý nghĩa của động từ "đè" đã đưa đến tầng nghĩa ẩn dụ với những liên tưởng về sự đe doạ, xâm lấn của kẻ thù từ thời này sang thời khác, hàng ngàn năm nay, hình ảnh gợi nỗi căm giận về dã tâm của kẻ thù luôn muốn xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ta.
- Hình ảnh "sóng" trong câu 4 Trong hồn người có ngọn sóng nào không? mang ý nghĩa ẩn dụ chỉ những xúc cảm công dân trong tâm hồn mỗi con dân đất Việt, đó là lòng yêu nước, căm thù giặc, là ý chí kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm... Câu hỏi Trong hồn người có ngọn sóng nào không? cũng gieo vào lòng người những suy ngẫm sâu xa, chua xót về hiện tượng sống vô cảm của một bộ phận công dân thời hiện đại với vận mệnh Tổ Quốc!
4. Trong bài viết Nhà thơ, Tổ quốc và tự do, 6/2009, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có viết: “Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay.”
Ngày 1/5/2014, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan HD981 cùng hơn 80 tàu có vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào sâu tới 80 hải lý trong thềm lục địa và khu Đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đó là " sự kiện 1/5" gây phẫn nộ sâu sắc triệu triệu tấm lòng con dân đất Việt.
Ngày 11/5/2014, nhân dân Việt Nam khắp ba miền đất nước đã xuống đường phản đối hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở khu vực biển đảo Tổ Quốc.
Từ quan điểm của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, từ những sự kiện trên, anh/chị hãy viết một bài luận khoảng 600 từ, trình bày suy nghĩ của mình về chủ quyền dân tộc.
Bài viết có thể tham khảo một số ý chính sau đây:
- Khái niệm về chủ quyền và chủ quyền dân tộc
* Chủ quyền: quyền làm chủ đối với một vùng đất, một đối tượng nào đó thuộc sở hữu của mình. * Chủ quyền dân tộc: quyền tự quyết định số phận, vận mệnh hay con đường phát triển của một cộng đồng dân tộc.
- VN là nước có chủ quyền bởi những căn cứ lịch sử, pháp lí có từ ngàn năm lịch sử, được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
- Chủ quyền ấy đã bị xâm phạm và đã được bảo vệ như thế nào trong lịch sử dân tộc? (có thể kết hợp ý từ câu nói của tác giả Nguyễn Việt Chiến với thực tế mấy ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt hào hùng của dân tộc).
- Thái độ của anh/ chị về chủ quyền và công cuộc bảo vệ chủ quyền dân tộc. ( có thể bàn luận tới sự kiện 1/5 và 11/5 đã nêu trong đề bài).
Vài nét về TS Trịnh Thu Tuyết - Giải Nhất thi Giáo viên giỏi môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm 2004. - Tham gia tư vấn và ôn, luyện thi trực tuyến trên VTV2; Chương trình Luyện thi ĐH, CĐ trên website www.hocmai.vn... - Có trên 30 năm kinh nghiệm luyện thi đại học, cao đẳng môn Ngữ văn và nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao tại các trường đại học danh tiếng trên cả nước. * Trang cá nhân: https://www.facebook.com/tuyet.trinhthu * LUYỆN THI với TS TRỊNH THU TUYẾT trên Soha.vn: BẤM VÀO ĐÂY |
TS Trịnh Thu Tuyết |