Vừa qua, Huyền Chip đã ra cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” kể về hành trình đi qua 25 quốc gia từ châu Á đến châu Phi chỉ với 700 USD trong túi.
Huyền Chip
Trên các trang diễn đàn lớn hàng đầu Việt Nam, dân mạng tranh cãi và đặt ra nhiều nghi vấn liên quan đến cuốn sách tập 1 mà Huyền Chip đã phát hành. Cộng đồng mạng đang muốn Huyền Chip đưa ra các bằng chứng chứng minh chuyến đi của cô là thật và giống như nhật ký mà Huyền Chip đã viết và xuất bản.
Một dân mạng chia sẻ bài viết khá dài tổng hợp các bình luận trên các diễn đàn, đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng nội dung bài viết đưa ra hoàn toàn hợp lý và Huyền Chip phải đưa ra giải thích của mình.
Nội dung bài viết:
"Bắt đầu chỉ với số tiên 700$, trong vòng 2 năm Huyền đã đặt chân lên 25 quốc gia bằng cách vừa đi vừa làm. Số tiền không lớn cộng với sự giúp đỡ của cư dân bản địa, vừa đi vừa làm đã giúp Huyền hoàn thành chuyến đi. Từ đó thổi bùng ước mơ của các bạn trẻ đam mê và yêu thích khám phá muốn bước chân ra ngoài thế giới rộng lớn.
Nhưng với tuổi trẻ và khát khao vẫn là chưa đủ, du lịch phượt còn đó những hiểu biết cơ bản về hành trình mình chuẩn bị đi. Với các chuyến phượt nước ngoài, điều đầu tiên quan trọng nhất là Visa để được nước bạn cho mình nhập cảnh vào. Bất cứ ai đã từng đi nước ngoài sẽ thấy đây là phần khó khăn với biết bao thủ tục và thời gian chờ đợi. Trong khối ASEAN, việc đi lại không quá khó khăn vì Việt Nam là một thành viên trong đó. Nhưng qua các nước ngoài khối khác, bạn phải chứng minh tài chính, lí do mà bạn qua nước họ, thời gian mà bạn ở đó, v.v… Nếu có bất cứ điều nào nghi ngờ, bạn sẽ được nhân viên hải quan tiễn về Việt Nam thân yêu ngay lập tức.
Một điều đặc biệt ở Huyền, đó là đi phượt nước ngoài không cần chứng minh tài chính, không cần người thân bảo lãnh (vì Huyền bắt đầu bằng 700$, nếu có tiền trong tài khoản để chứng minh thì câu chuyện trên không còn đúng nữa). Qua nước ngoài nếu nhân viên hải quan không cấp cho Visa, chỉ việc ăn vạ, không được thì gặp cấp trên, không được nữa thì gặp cấp trên nữa, ăn vạ tới khi nào được thì thôi, mà cả 25 nước đều như vậy? Các nhân viên hải quan Huyền gặp rất hiền lành và tốt bụng, luôn giúp đỡ những người đi phượt mới tạo điều kiện dễ dàng như vậy. Hẳn Graham Hughes (người đi du lịch 201 quốc gia trong 4 năm) phải ghen tỵ với Huyền vì cả một lực lượng đông đảo hỗ trợ để xin Visa các nước mà vẫn phải chờ đợi. Mà không biết với bí kíp Ăn vạ Visa, có ai đã bị nhân viên bảo vệ mời thân mật ra về hay chưa?
Trong suốt chuyến đi của mình, Huyền làm rất nhiều việc để trang trải chi phí. Và thần may mắn luôn ưu ái cho Huyền, bởi với một người không bằng cấp, không rành tiếng bản địa, thời gian cư trú dưới 30 ngày mà luôn xin được việc để làm, thu nhập lại cao hơn cả dân bản xứ có bằng cấp hẳn hoi. Đơn giản như tại thành phố Dar es Salaam thuộc Tanzania (một nước châu Phi), nơi Huyền làm host tại Casino. Tính theo số liệu năm Huyền đi qua đây là năm 2010, tỷ lệ thất nghiệp chiếm tới 31.1% cho nam và 40% cho nữ, GDP 545,2$ thấp hơn cả Việt Nam. Trong khi đó với một người không rành về chuyên môn, chưa qua đào tạo, không được giới thiệu chỉ có ăn vạ lại có thể kiếm được mức lương 10$/1 giờ, 60 giờ Huyền làm trong casino bằng với người dân Tanzania làm trong 1 năm? Và có một ông chủ nào sẵn sàng tuyển một người mới không có kinh nghiệm trong khi có rất nhiều dân địa phương đang thất nghiệp vào làm một vị trí quan trọng khi biết người đó chỉ ở dưới 30 ngày? Và casino này có cả triệu phú, tỷ phú vào chơi hẳn không phải đơn giản là ai cũng có thể vào làm việc như vậy?
Những câu chuyện của Huyền kể, nếu đặt trong một cuốn tiểu thuyết sẽ dễ dàng nhận được sự đón nhận vì nó ngập tràn lăng kính lãng mạn, rất phù hợp với một cuốn tiểu thuyết. Nhưng nếu đó chỉ là câu chuyện được vẽ ra trong viễn tưởng màu hồng, điều tệ nhất không nằm ở chỗ giấc mơ đẹp hóa thành ác mộng mà nằm ở cái tinh thần cốt lõi của nó, đấy là gì: Là tinh thần phó mặc cho cuộc đời phải bảo bọc, phải giúp đỡ, phải cưu mang mình như một điều tất lẽ dĩ nhiên. Và hẳn chúng ta vẫn còn nhớ một câu chuyện về bạn trẻ đi phượt vì thiếu thông tin nên chết khi leo Phan Xi Păng.
Với một thế hệ trẻ năng động của Việt Nam đi phượt khắp năm châu bốn bể với một mớ kiến thức đầy mình sẽ là một bước chuyển biến của du lịch Việt Nam, được bạn bè quốc tế chọn làm nơi du lịch. Nhưng với một thế hệ trẻ “yêu gấu bông, thích mầu hồng” bước chân ra ngoài thế giới bao la với suy nghĩ sẽ luôn có người giúp đỡ, sẽ xin Visa dễ như ăn kẹo, sẽ đi khắp nơi với một số tiền ít ẻo dễ làm mất cảm tình của bạn bè quốc tế vốn đã ít nay còn ít hơn dành cho Việt Nam.
Có một phong trào du học sinh qua Nhật, nhà nhà tung hô qua đó lương cao, qua đó dễ kiếm việc làm nên kể cả những người không thông thạo tiếng Anh cũng qua đó tìm cơ hội đổi đời. Hệ quả của nó là gì, là giờ này dân Nhật phải dán ở siêu thị bằng tiếng Việt: “Đừng ăn trộm”. Đây chỉ là hành động của một nhóm nhỏ, nhưng đã tạo ra cả một cái nhìn thiếu thân thiện của dân Nhật dành cho Việt Nam.
Ở Châu Âu, cũng có những con sâu làm rầu nồi canh. Cứ nhắc tới ở Anh, ở Đức trồng cần sa trong nhà là người ta nghĩ tới ngay người Việt Nam. Ở Nga nhắc tới lao động chui lại nghĩ tới người Việt Nam. Hệ lụy của nó khiến cho bao nhiêu người Việt Nam khác khi đi qua nước ngoài bị gây khó dễ và thiếu đi sự hiếu khách của dân bản địa.
Còn trong nước, ở Sầm Sơn, ở Nha Trang, ở Vũng Tàu, nạn chặt chém du khách chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, vẫn còn đó những chủ quán tốt bụng, những quán ăn niêm yết đúng giá. Nhưng du khách vẫn truyền miệng nhau ở nơi đó chặt chém nhiều lắm, đừng đi, đừng quay lại. Dẫn tới nước ta tiềm năng du lịch cao là thế, khách du lịch lại ít hơn rất nhiều so với nước bạn.
Khi đọc báo, chúng ta hay thấy thông tin những người châu Phi qua đây lừa đảo, làm giả thẻ tín dụng, buôn bán ma túy, chúng ta nghĩ gì? Không ai có quyền kì thị màu da, vì tất cả đều chung dòng màu đỏ. Nhưng những việc làm của họ dần hình thành suy nghĩ trong đại bộ phận dân Việt Nam là cảnh giác với người da đen.
Phượt đang là một hình thức du lịch hết sức thú vị, không thiếu những “phượt tử” đi qua rất nhiều nơi. Đọc bài viết của họ với hướng dẫn cụ thể tỉ mỉ về các vấn đề Visa, đi lại, ăn uống, nghỉ ngơi, giá cả giúp tiết kiệm công sức rất nhiều. Với những ai chưa từng đi phượt, trước khi bắt đầu hãy học hỏi những người đã đi rồi, và tìm hiểu thật kĩ nơi mình cần đến để tránh tình huống đáng tiếc xảy ra."
Một số ý kiến khác của dân mạng trên các diễn đàn.
"Về việc xin việc trong sòng bài, người chia bài thường được học từ bé. Thí dụ như Macao, theo mình biết dân Macao sinh ra, lớn lên được nuôi ăn học và được đào tạo chia bài để làm trong sòng bài. Như vậy có thể thấy sòng bài là nơi cần được đào tạo bài bản, host là người quản lý hoặc là người hướng dẫn chơi, cũng có thể là người dẫn chương trình tạp kĩ. Nhưng tất cả đều được đào tạo rõ ràng.Sòng bài em này có triệu phú, tỷ phú đến thì chắc chắn không phải sòng bài nhỏ, thuộc kiểu linh tinh được. Vậy tại sao phải chọn 1 cô bé người Châu Á, không có nhan sắc, không có cái gì gọi là hút khách được như thế. Đừng nói là khẩu vị lạ, vì Châu Phi giàu thường là những người buôn kim cương, dầu mỏ, hoặc ngoại tệ, có khi là Mafia. Những người đó búng tay thì xin lỗi, dắt đến cả đàn nô lệ cũng có nữa là." - bạn có nickname Xinanxa bình luận.
Bạn Thichchamho bình luận trên một diễn đàn: "Thứ nhất: Việc xin visa du lịch, như mình đã nói, ngoại trừ Asean, các nước khác thì bạn phải xin visa hết. Thủ tục về cơ bản là giống nhau ở các nước, nhưng có 1 cái mà bất cứ nước nào cũng cần là : CHỨNG MINH TÀI CHÍNH. Chứng minh tài chính để đảm bảo rằng nhà bạn có tiền, và bạn sang nước họ là để du lịch, không phải để kiếm tiền. Nhiều nước còn đòi chứng minh thu nhập ổn định, giấy chứng nhận cơ quan, v.v.... Số tiền chứng minh tài chính nhiều ít tùy nước, nhưng không dưới 5000$ nhá . Vậy cho mình hỏi, với 700$ ban đầu, em Chip có thể làm được cái chứng minh tài chính hay không? Hay là 700$ dắt túi thôi, còn trong thẻ có vài nghìn đô.
Chú ý là sau khi có visa xong, thì số tiền chứng minh tài chính có thể dùng tùy ý nhá. Vậy nếu bạn kêu em ý chỉ có vỏn vẹn 700$? thì xin visa như thế nào? Đừng có nói ăn vạ, không ai nghe đâu . Mình cam đoan nếu thiếu chứng minh tài chính không 1 nước nào cấp VISA cho bạn hết.
Thứ 2: Chuyện đi làm. Visa du lịch nhiều nhất là 30 ngày, với kinh nghiệm tìm việc làm thêm thời du học sinh của mình, thì mình bảo đảm không có chuyện tìm đc việc ngay lập tức, nếu không có người quen giới thiệu, và càng không nếu không nói được tiếng bản địa. Một nước có thể kiếm được, nhưng 25 nước đều như thế thì xin lỗi, người VN đi làm nước ngoài hết cả rồi .
Tiếp theo là lương, mình làm dạng chuyên gia, cổ cồn trắng, lương do chính phú Đài Loan quy định cho người nước ngoài là tối thiểu 1500$/ tháng, tức là 50$/ ngày, 6,5$/h. Lương công nhân chỉ được 600$/ tháng thôi nhá. Đài Loan thuộc dạng mức lương cao. Thu nhập trung bình vào tầm 20.000$/năm/ng. Bạn nghĩ là các nước châu Phi có được mức lương này không? Và nếu có liệu 1 người đi làm chui, nhập cư bất hợp pháp có được mức lương cao hơn cả chuyên gia như mình không? Tự suy nghĩ nhá."
Một fanpage với tiêu đề: "Hội những người mong chờ sự thật về Huyền Chip" được lập ra với mong muốn được Huyền Chip giải thích và đưa ra các bằng chứng như visa , để chứng minh chuyến đi và nội dung nhật ký của Huyền Chip là giống nhau và Huyền Chip chỉ thực hiện chuyến đi một mình mà không hề có ê-kip hỗ trợ.
Fanpage được lập ra.
Được biết tập 2 nối tiếp tập 1 được Huyền Chip chuẩn bị xuất bản và ra mắt trong tháng 9 này tại các thành phố lớn trong cả nước.