Trên đoạn đường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội), có một cụ ông thường bày hàng rau trên những tấm bìa giấy, ngồi bán cho tới tận đêm khuya.
Mỗi khi có vị khách đi qua hỏi mua hàng, cụ lại ngước lên nhìn và chào: “Bác mua rau”, “cô mua rau”. Trên mấy tấm bìa ấy là vỏn vẹn vài thứ rau héo úa. Những người dân sống ở khu vực này đều xót xa, bởi ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, sức đã yếu, nhưng cụ vẫn phải mưu sinh kiếm miếng cơm manh áo.
Chứng kiến cảnh mái đầu bạc lầm lũi dưới ánh đèn đường, nhiều người đã dừng lại mua rau giúp cụ. “Nếu bán hết được hàng rau, chắc cụ sẽ được về nhà sớm hơn. Nghe đâu gia đình cụ cũng không quá nghèo, nhưng cụ muốn khi còn sức lao động thì vẫn tự mình mưu sinh như vậy”, chị Mai – một người bán hàng gần đó cho biết.
Khi chúng tôi tìm đến gặp, cụ Nghị đang nghe nhạc. Cụ bảo: “Trí nhớ đã lẫn ít nhiều, nên chẳng nhớ chính xác năm nay đã bao nhiêu tuổi, khoảng 80 gì đấy, nhưng tôi vẫn còn khỏe, vẫn còn kiếm được miếng cơm”.
Những người cao tuổi ở phố Kim Giang cho biết, cụ Nghị sửa xe trên con đường này đã hai chục năm nay, cách đây vài tháng cụ có bày vài thứ rau đem bán thêm. Mỗi sáng, cụ đều đi xe đạp ra phố, mang theo bộ đồ nghề và ngồi ở một góc đường. Chiều tối, cụ lại mang thêm ít rau ngồi bán. Có những ngày mưa gió, nhiều người vẫn thấy cụ mặc chiếc áo mưa lầm lũi bên gánh hàng. Lúc mưa to lại chạy vào ngồi nhờ khu vui chơi gần đó, mưa ngớt lại bày hàng ra bán.
Chị Lê Thị Kim Dung, người dân trên đường Kim Giang kể: “Tối nào ra đường tôi cũng thấy cụ ngồi bán rau, gánh rau đã héo của những người đi chợ chiều về cho cụ, nhưng nghĩ cụ tội quá nên lại qua mua để cụ được về nghỉ sớm. Còn thường ngày cứ phải đến 12h đêm, khi đường đã thưa người cụ mới chịu dọn hàng về”.
Cứ như vậy, cụ Nghị cần mẫn ngày này qua ngày khác với chiếc xe đạp, đồ nghề bơm xe và vài ba mớ rau héo úa. Hình ảnh cụ lầm lũi trong đêm đã được nhiều bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội và kêu gọi giúp đỡ với những hành động thiết thực như: Mua rau, dọn dẹp gánh hàng…
Đôi tay cụ bị thương, chảy máu do ngã xe