Clip kể chuyện 'Tiếng Việt' bằng âm nhạc và tranh vẽ

Theo VnExpress |

Trên nền bài hát Tiếng Việt phổ thơ Lưu Quang Vũ, "tiếng nước tôi" không còn là khái niệm trừu tượng mà chính là tiếng mẹ ru, tiếng cha dặn, tiếng đàn, tiếng người nói qua đường mỗi sớm, cả tiếng suối heo may gọi về.

'Tiếng nước tôi' sinh ra trong lao động và chiến đấu, vừa dịu dàng, mềm mại lại khỏe khoắn, chân chất.

Xuất hiện trên mạng hôm 23/1, clip kể câu chuyện về tiếng Việt bằng âm nhạc và tranh vẽ khiến người xem xúc động. Mở đầu clip dài hơn 6 phút, quê hương, đất nước hiện lên tuyệt đẹp với hình ảnh của sông núi, ruộng bậc thang, những vùng quê yên bình có đàn trâu thong dong gặm cỏ bên bờ suối, đầm sen khoe sắc...

Trên nền bài Bèo dạt mây trôi , những "thước phim" quay chậm như đưa người xem tới các vùng miền đất nước. Chính những chất liệu mộc mạc và giản dị ấy đã góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú của tiếng Việt. 

Bài hát Tiếng Việt phổ thơ Lưu Quang Vũ nối vào như kể câu chuyện về cội nguồn lịch sử tiếng nói dân tộc. Trái đất rộng với biết bao thứ tiếng nhưng "tiếng Việt quê ta hồn nhiên, lời nói thánh thót như lời ca, tiếng đàn".

Hình ảnh phiên chợ làng quê mỗi sớm được thể hiện qua nét vẽ trau truốt và đầy cảm xúc. Nhạc nền bài hát kết hợp tranh vẽ tạo ra thế giới hình ảnh sinh động lý giải tiếng Việt không phải một khái niệm trừu tượng mà là tiếng mẹ ru, tiếng cha dặn, tiếng đàn, tiếng người nói qua đường mỗi sớm, cả tiếng suối heo may gọi về...

Dưới đây là đoạn clip. Mời độc giả cùng theo dõi

Trong lao động và chiến đấu, tiếng Việt được sản sinh ra là thứ ngôn ngữ mộc mạc, mềm mại như "đất cày, tơ lụa", "óng tre ngà, mềm mại như tơ", tha thiết và thấm đẫm yêu thương. "Đất cày", "tơ lụa" và cả "tre ngà", những hình ảnh gần gũi thân thuộc được tái hiện trong clip như để minh chứng cho đặc trưng tiếng nói, bản sắc dân tộc, vừa chân chất, khỏe khoắn lại mềm mại, óng ả.

Dù "phiêu bạt xa lắc cuối bể cùng trời" hay "ai giữa đường quên giống nòi gốc nguồn", nhờ tiếng Việt cũng sẽ "quay về cùng tôi". Tác giả clip cho biết, nhóm đã lên kịch bản và nhờ họa sĩ vẽ một câu chuyện dành riêng cho bài hát Tiếng Việt mà "không phải được dựng từ những tranh có sẵn".

Hình ảnh phiên chợ làng quê mỗi sớm được thể hiện qua nét vẽ trau truốt và đầy cảm xúc.

Xuất hiện trên mạng cách đây 2 hôm nhưng clip đã thu hút nhiều người xem và gửi bình luận yêu thích. Nhiều ý kiến nhận định clip "hay", "ý nghĩa", "xúc động lắm" và mang lại cảm xúc cho những người xa xứ khi xem hình ảnh về làng quê Việt Nam.

"Hay thật đó, xa quê càng yêu quê hương mình", nickname Nguyentrungthanh bình luận. Nhiều người khác cũng tấm tắc khen "hình vẽ trau chuốt thật", "điểm 10 cho chất lượng". "Hình ảnh công phu, âm nhạc tinh tế quá. Cảm ơn câu chuyện bạn đã kể trong đó", một độc giả tâm sự.

Được ngắm nhìn hình ảnh quê hương và hiểu thêm nguồn gốc tiếng mẹ đẻ qua minh họa bằng tranh vẽ, âm nhạc, không ít người bày tỏ sự tự hào. "Việt Nam quê tôi, đa dạng lời nói nhưng chung một nét đẹp", nickname voz arsenal bày tỏ.

Gần đây, những video về đề tài lịch sử, du lịch được giới trẻ tìm tòi và thể hiện bằng nhiều hình thức mới lạ, độc đáo. Ở đề tài lịch sử, thay vì diễn giải dài dòng, khó hiểu, các sinh viên dùng đồ họa để sáng tạo "Việt Nam, hình hài một chữ S" hay "Đại chiến Bạch Đằng" thể hiện dưới dạng phim hoạt hình đặc sắc. Những sáng tạo này được cộng đồng đón nhận, thêm tự hào và yêu dải đất hình chữ S:.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại