Dưới đây chúng tôi xin được trích đăng nội dung một bài viết của facebooker Ba Tê về chuyến đi đầu tiên tới Trường Sa của ông vào năm 1998.
"Vào những năm nửa cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nhà mình có quan hệ thân thiết với Tướng Nguyễn Chơn, ông tham gia cách mạng từ những ngày tiền khởi nghĩa, đi lên từ lính Chơn đến thượng tướng. Là chuyên gia phòng thủ hàng đầu của QĐNDVN, khi chiến tranh biên giới phía Bắc, ông được phong thiếu tướng rồi điều ra làm Tư lệnh quân đoàn 2.
Một lần ngồi nhậu chơi ở nhà ông (năm 1998 ông đã đeo hàm thượng tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc Phòng ) trên đường Hoàng Diệu, mình nói: "Em thèm một chuyến đi Trường Sa quá, anh thu xếp cho em một chuyến được không?”, mình vừa dứt lời ông quay sang nói với một đại tá ngồi bên cạnh “Giang, mày thu xếp cho nó đi dịp tháng Tư này luôn nhé”. Sau đó, anh Giang nói với tôi: “ông về cơ quan thu xếp nghỉ phép chừng 15 ngày, trước khi đi khoảng một hai ngày tôi sẽ báo cho ông biết trước, thế nhé”.
Về nhà mình chợt nghĩ: mình đi ra ngoài ấy với tư cách gì? Đại diện cho đoàn thể nào? Đem câu hỏi này hỏi lại Tướng Chơn, anh nói “mày qua nói thằng Giang nó lo”, mình đề đạt nguyện vọng cho thêm người đi với danh nghĩa là đoàn của Bộ Giáo dục cho nó oai, thế là được thêm 1 người nữa đi cùng.
Về đến cơ quan nói chuyện với sếp là bên Cục tác chiến Bộ Quốc Phòng (BQP) cho đi như thế, như thế… bộ đội ta ở ngoài Trường Sa thiếu thốn mọi bề, nhất là món ăn tinh thần như sách báo, tài liệu học tập, sách ôn tập, ôn thi Đại học cho bộ đội sau khi hết hạn nghĩa vụ quân sự có nhu cầu về tiếp tục học đại học…
Sếp liền cử luôn Bí thư Đoàn thanh niên đi cùng, đồng thời lệnh cho kho đóng gói những loại sách cần thiết và có ích cho bộ đội ngoài đảo xa. Kết quả là mình đã xin được lên đến hơn 50 thùng bìa cattong sách các loại, một con số ngoài dự tính. Phần mình, nghe mọi người nói lính đảo thèm nhất là thuốc lào, thế nên mình cũng không quên mua 5kg mang theo làm quà cho lính.
Thông báo số người, số quà mang ra Trường Sa tặng bộ đội cho Cục tác chiến biết, mọi người bên ấy phấn khởi ra mặt. Vậy là đúng theo ngày giờ đã hẹn, hai anh em bay vào Nha Trang cùng với hơn 50 thùng hàng, trong tay không có bất cứ giấy tờ gì liên quan đến chuyến công tác ngoài lịch trình ngày nào sẽ đến đảo nào, và danh sách các đảo, cái nào chìm, cái nào nổi. Hai anh em vừa đi vừa lo, vừa sốt ruột, nhỡ vào đến nơi họ lại bảo không có danh sách thì hỏng việc.
Xuống đến sân bay Nha Trang thì thấy có xe quân đội ra đón thật, hóa ra chuyến bay ấy rất nhiều bộ đội của các Cục như: Cục quân y, Cục tác chiến, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật, Ban Thanh niên QĐ, Ban Phụ nữ QĐ, Truyền hình QĐ… Dân sự thì có TW Đoàn THCS HCM và “đoàn” của mình.
Đến lúc tập trung hết các đoàn lại để lên xe về Cam Ranh thì trong danh sách không thấy “đoàn” của mình, lo sốt vó, nhưng có lẽ họ thấy hơn 50 thùng quà của bọn mình chất ngồn ngộn nên họ bảo cứ về Cam ranh rồi tính, vả lại mình cũng bảo cứ về địa điểm tập kết mình sẽ gọi điện về Cục tác chiến để hỏi lại.
Vào đến Cam Ranh, hai anh em vẫn lo lắm, chưa biết rồi sẽ dư lào, Ban tiếp đón bảo các anh cứ chờ thủ trưởng, trưởng đoàn công tác vào sẽ có ý kiến. Khoảng hơn 17h thấy xe biển đỏ lao vào đỗ ngay giữa sân, một ông mặt rất thư sinh đeo hàm thiếu tướng, vừa bước xuống vừa hỏi: “Đâu, mấy ông bên Bộ Giáo dục đâu?”. Mình vội chạy lại, chào anh, em đây, thì ông nói: “Hay thật, đi công tác mà các ông cũng đi kiểu hành tiến thế này thì tớ cũng chịu, tớ vừa nhận điện hỏa tốc bổ sung tên hai ông vào danh sách cách đây hơn 1 giờ đồng hồ, thế nào, nhà khách đã bố trí chỗ ăn ở cho hai ông chưa? Rồi hả, thế là tốt, rất tốt.”. Hai anh em thở phào nhẹ nhõm.
Toàn cảnh đảo Trường Sa lớn chụp từ trên cao
Sáng hôm sau, cả đoàn học tập nội quy trên tàu, kinh nghiệm cần thiết khi đi trên biển, nghe phổ biến về những phức tạp về tranh chấp trên biển, cụ thể là khu vực quần đảo Trường Sa giữa các bên…Buổi chiều chuẩn bị gói ghém lại hành lý, quà tặng…làm quen, bắt bạn với các thành viên trong đoàn…
16h xe đến chở mọi người ra tàu, khi đã đầy đủ, mọi người tập trung thành hàng ngũ trên boong tàu, trưởng đoàn thiếu tướng Phùng Khắc Đăng - phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đọc lệnh công tác, và giao nhiệm vụ cho tàu HQ 996 đảm nhiệm trong suốt hành trình, 17h30 tàu hú còi nhổ neo, người trên tàu, người dưới cầu cảng vẫy tay lưu luyến tạm biệt nhau. Cuộc hành trình ra Trường Sa bắt đầu.
HQ 996 là tàu chuyên dụng có lượng cản nước 2.050 tấn, với mã lực tương đương một đầu máy xe lửa. Tàu có 3 tầng với 196 giường nằm dành cho khách, các khoang được bố trí tương tự như khoang tàu hỏa 4 giường nằm, các phòng đều có máy lạnh, có thể phục vụ tốt trong suốt hải trình 10 - 15 ngày.
Hỏi ra mới biết công tác chuẩn bị cho một chuyến hải trình phải mất cả tháng cho các công việc: sơn sửa, kiểm tra, bảo quản thiết bị, tích trữ nước sinh hoạt… Lượng nước phục vụ ăn uống, tắm giặt cho cả đoàn trong 15 ngày lên đến 800m3. Thời gian đi bao lâu thì bộ phận quân nhu, hậu cần phải lên thật chi tiết thực đơn mỗi bữa ăn sao cho đảm bảo tươi nguyên, đủ rau xanh và an toàn vệ sinh...
Sau khi yên vị chỗ ở trên tàu, từ đây mọi người trong đoàn bỗng nhiên thấy gần gũi nhau hơn, cởi mở hơn, mình tiến đến làm quen với mấy em bên đoàn văn công QK9 chuyến này được mang lời ca tiếng hát, điệu múa ra phục vụ bộ đội trên đảo.
Khoảng thời gian đầu sau khi tàu nhổ neo, mọi người phấn khởi lắm, hầu hết kéo nhau lên boong ngắm cảnh hoàng hôn trên biển, tối đến mang rượu và đồ mồi (chuẩn bị sẵn từ đất liền) ra nhậu, đến khuya chừng 11h thì về phòng nằm nghỉ, được một lúc thì tàu bắt đầu lắc, loa trên tàu thông báo biển động nhẹ, gió cấp 6 giật đến cấp 7, mình bắt đầu cảm thấy trong người nao nao, buồn nôn, mấy người đi cùng bảo ông này ăn đòn rồi.
Đúng vậy, mình đã bị say sóng, cái cảm giác say sóng nó lạ lắm, cứ nằm xuống thì không sao nhưng hễ cứ ngồi dậy là đầu óc quay cuồng, buồn nôn, cho nên cứ nằm dán chặt người xuống giường không sao ngóc đầu lên được cho đến suốt cả ngày hôm sau, ông em đi cùng phải đi lấy đồ ăn mang về phòng cho, nhưng cũng không thể nhấc người lên để xúc thìa cháo cho vào miệng được...
Những điều ít biết về cuộc sống của quân dân Trường Sa năm 1998