Là một nhân viên thiết kế đồ họa, Đoàn Huy Hoàng (sinh năm 1989, tại TP.Hồ Chí Minh ) có một sở thích rất đặc biệt mà người ta gọi anh là “kẻ lập dị” – nuôi bò sát, côn trùng. Hiện tại, anh đang điều hành một fanpage nhằm giới thiệu cho mọi người biết về vẻ đẹp và sự thú vị trong việc nuôi, chơi với các loài côn trùng, bò sát trong danh sách vật nuôi kiểng được cho phép của CITEs.
Hãy cùng trò chuyện với anh Huy Hoàng để biết rõ hơn về sở thích và những 'thú cưng" đặc biệt mà anh đang chăm sóc.
Chào anh Hoàng, được biết anh là người rất đam mê các loài côn trùng, bò sát. Anh có thể chia sẻ một chút lý do đưa anh đến với sở thích rất khác lạ này được không và loài côn trùng nào được anh nuôi đầu tiên?
Từ nhỏ mình đã thích nuôi các loài vật lạ mà mình bắt được quanh nhà và xem tập quán ăn uống của chúng. Cách đây hai năm, sau khi biết về Hội bò sát và côn trùng Sài Gòn mình đã có điều kiện tiếp xúc với nguồn kiến thức bổ ích, cũng như nhiều loài tuyệt vời có xuất xứ từ Mỹ và các nước khác trên thế giới.
Hiện mình đang nuôi 2 loài nhện là nhện Khớp Vàng và nhện Khớp Đỏ châu Mỹ, ngoài ra còn có vài con bọ cạp núi Việt Nam. Mình chọn loài nhện châu Mỹ (Tarantula) vì vẻ ngoài của chúng rất ấn tượng với kích thước to lớn, màu sắc đẹp. Trái ngược với vẻ bề ngoài, chúng thật sự rất hiền lành và vô hại. Chúng rất dạn người và khi hoảng sợ thì sẽ chỉ bỏ chạy chứ không tấn công hay cắn như các loài nhện khác. Ngoài ra chúng còn có tuổi thọ rất cao lên đến 20 năm (đối vố nhện cái). Loài đầu tiên mình nuôi là bò cạp núi Bà Đen vì chúng rẻ, dễ mua, người ta bán để ngâm rượu.
Anh Huy Hoàng và "thú cưng" của mình
Những ngày đầu tiên bắt đầu nuôi những "thú cưng" này hẳn anh Hoàng gặp rất nhiều khó khăn?
Thời gian đầu mình chỉ mua những loài ở Việt Nam mà người ta thường dùng để làm thuốc hoặc ngâm rượu vì giá rẻ dễ mua. Kinh nghiệm ban đầu cũng chưa có, sau này khi đã có kinh nghiệm và tài liệu quý mình bắt đầu nhắm tới những loài của nước ngoài đắt tiền. Mình là nhân viên văn phòng nên thu nhập cũng có hạn nên phải vạch ra mục tiêu tiết kiệm để có đủ tiền để mua. Trong nhiều cuộc đi chơi, nhiều đồng nghiệp nhận xét mình tự nhiên trở nên trầm lặng, thậm chí trầm cảm sau khi nuôi côn trùng! (cười)
Thức ăn của những loài côn trùng này chủ yếu được đấy từ đâu? Ngoài ra, anh đã làm gì để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nuôi côn trùng?
Nguồn thức ăn của các loài côn trùng này chủ yếu là dế và sâu gạo nên rất dễ kiếm, chỉ cần ra tiệm bán chim cảnh là có thể mua được. Còn để tích luỹ kinh nghiệm nuôi các loài côn trùng, mình thường tìm và dịch từ các tư liệu nghiên cứu của nước ngoài. Ngoài ra Hội bò sát và côn trùng cũng thường xuyên tổ chức offline cafe để anh em có cơ hội giao lưu học hỏi lẫn nhau và làm cho "Cộng đồng những kẻ lập dị" thêm đoàn kết.
Trong 2 năm nuôi côn trùng, anh đã bao giờ gặp thất bại đáng tiếc nào chưa?
Tất nhiên là có chứ! Những lần thất bại đầu tiên là do bản thân mình chưa nắm đủ kiến thức về loài côn trùng đang nuôi, ví dụ khi nuôi bọ cạp Núi lúc đầu mình thường ngộ nhận bọ cạp luôn sống nơi khô cằn, nhưng thực tế loài bọ cạp Núi ở Việt Nam sống trong môi trường rừng mưa ẩm ướt và chúng uống nước từ những hạt nước đọng trên các sợi lông cặp càng của chúng, và vì thế người nuôi phải dùng bình xịt phun sương vào đó. Do thiếu kiến thức đó nên những con bọ cạp mình nuôi lúc đầu thường bị chết khô. Sau này, đối với mình việc nuôi bất cứ một sinh vật nào và tìm hiểu thông tin về chúng là cực kỳ quan trọng.
Theo kinh nghiệm của anh, để nuôi được những con côn trùng độc và lạ này thì cần chuẩn bị những điều gì?
Như mình đã nói việc nuôi bất cứ một sinh vật nào, việc tìm hiểu thông tin về chúng là cực kỳ quan trọng. Người nuôi phải xác định được con vật mình nuôi có phù hợp với họ hay không vì mỗi người có một thị hiếu thẩm mỹ và cá tính riêng. Ngoài ra còn phải xét về khả năng tài chính và thời gian họ có thể dành cho con vật.
Nhưng cũng lưu ý về nọc độc ở các loài côn trùng có độc như nhện và bọ cạp. Những loài nhện Tarantula và bọ cạp Hoàng đế được nuôi nhiều trên toàn thế giới thì nọc độc của chúng đã được kiểm chứng là không gây nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên với một số loài đặc hữu ở Việt Nam như nhện Hum và bọ cạp Lửa có độc tính khá cao và dễ mua thì phải lưu ý, hỏi kỹ những người có kinh nghiệm trước khi quyết định nuôi vì chúng không dành cho người mới “nhập môn”.
Anh Hoàng nuôi "thú cưng đặc biệt" của mình ở đâu vậy và anh làm thế nào để có thể quản lý, chăm sóc chúng một cách tốt nhất?
Do mình nuôi kiểng nên quy mô nhỏ trong phòng cá nhân, các chuồng nuôi là các hộp mika với nhiều kích thước phù hợp cho từng loài được đặt trên các kệ, mặt bàn trong phòng. Việc chăm sóc chúng không tốn nhiều thời gian, sau khi đi làm về mình chỉ cần dành 10 đến 15 phút để kiểm tra độ ẩm trong các chuồng và cho chúng ăn, thường chúng không ăn mỗi ngày mà cách ngày hoặc một tuần chỉ ăn 2 đến 3 lần.
Anh có thể chia sẻ một chút về giá thành của những loài anh đã và đang nuôi?
Giá cả từng con, từng loài cũng rất đa dạng tuỳ vào xuất xứ và màu sắc, kích thước. Nhện Tarantula thường có giá từ 300 nghìn đồng trở lên ở kích cỡ bé và kích cỡ lớn hơn thì khoảng từ 900 nghìn đồng trở lên. Một con nhện Tarantula lớn rất chậm trung bình phải từ 1 đến 2 năm mới trưởng thành.
Theo anh, điều gì khiến những loài côn trùng này có sức hút đối với các bạn trẻ và lợi ích từ việc chơi các loại côn trùng này?
Đó chính là với vẻ ngoài rất ngầu, một vẻ đẹp của tạo hoá, những loài vật này rất thu hút đối với các bạn trẻ có cá tính mạnh. Trái ngược với suy nghĩ của người ngoài cuộc xem những bạn trẻ nuôi loài bò sát, côn trùng là những kẻ lập dị, thực ra họ là những người rất có nhiệt huyết, ham học hỏi và yêu thiên nhiên.
Thay vì một số bạn trẻ khác vùi đầu vào game online, hay các thú vui thời thượng khác mình nghĩ việc nuôi những loài sinh vật cảnh này là một thú vui hết sức lành mạnh giúp các bạn trẻ có ý thức bảo vệ môi trường, biết quan tâm đến thế giới xung quanh và sống có trách nhiệm hơn.
Cảm ơn anh đã có những chia sẻ thú vị.
Một vài hình ảnh về Huy Hoàng và những loài côn trùng, bò sát mà anh đang chăm sóc:
Trong cuộc sống, BẠN NHÌN THẤY chuyện gì GÂY CẢM XÚC MẠNH cho bản thân (xúc động, phẫn nộ, bất bình, đau đớn, thán phục, hạnh phúc, sảng khoái...)? Hãy lập tức DÙNG ĐIỆN THOẠI quay clip hoặc chụp ảnh, hoặc viết thành bài theo cách của bạn. Cũng có khi, chỉ một thông tin/ảnh/clip đăng trên mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải trên các báo) cũng khiến bạn có cảm xúc, suy nghĩ... Gửi ngay cho chúng tôi qua email [email protected]! Chúng tôi sẽ duyệt để ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. |