Nhưng sự thật thì bạn hoàn toàn “trơ”, bình thản và dễ dàng quay trở lại cuộc sống thường nhật. Nguyên do vì sao?
Tôi từng dành tình cảm cho một người rất đậm sâu. Tưởng chừng như chúng tôi sẽ đi hết một chặng đường dài trong đời. Chúng tôi biết nhau từ bé, gần nhà nhau, học chung tiểu học, cấp 2 vẫn học chung và cấp 3 học chung cho đến khi ra trường. Là bạn lâu năm, nhưng đến lớp 10 chúng tôi mới chính thức trở thành một cặp.
Chúng tôi thấu hiểu từng thói quen của nhau và cứ nghĩ rằng sẽ bên nhau mãi mãi. Nhưng 5 năm sau, tôi chia tay cậu ấy. Cô bạn tôi nghe tôi kể xong thì khóc, cứ như cô nàng là người trong cuộc. Riêng tôi, vẫn bình thản và trơ lì.
Chia tay cậu ấy, tôi nhanh chóng quay lại cuộc sống thường nhật: đi học, đi làm thêm, vui chơi cùng bạn bè. Nhiều người cho rằng tôi có trái tim sắt. Bạn bè của cậu ấy ghét bỏ tôi ra mặt. Tôi vẫn tươi cười. Thậm chí mỗi sáng thức dậy, không nhận được tin nhắn của cậu như thói quen trong 5 năm, tôi vẫn cảm thấy bình thường.
Tôi vẫn giữ móc khóa điện thoại đôi với cậu, tôi trưng trong phòng gần cả trăm món quà mà cậu tặng suốt mười mấy năm, nhìn ngắm chúng mỗi ngày và chưa bao giờ vứt bỏ thứ gì. Thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về kỉ niệm giữa hai đứa, và tuyệt nhiên không có ý định quay lại.
Tôi yêu cậu ấy nhiều hơn cả bản thân mình. Tôi ý thức được điều này, nhưng tôi vẫn không lí giải được vì sao tôi lại “trơ” một cách đáng sợ như vậy. Sau khi chia tay, tôi không có cảm giác với chàng trai nào, một chút rung động cũng không có. Và tôi cũng không cần tình yêu.
Nhỏ bạn thân lo lắng cho tôi hết mực nên giới thiệu cho tôi hết chàng này đến chàng khác. Tôi vẫn cứ vô tâm như thế, cho đến khi tôi gặp một chàng trai và nói với nhỏ bạn: “Đây là lần cuối cùng nhé”.
Anh hơn tôi rất nhiều tuổi, đã đi làm và chững chạc. Khi gặp anh, tôi đã kể cho anh nghe câu chuyện tình cảm tan vỡ của mình và nói: “Giờ em mất hết cảm xúc rồi, không có hứng trong chuyện tình cảm. Em muốn anh lắng nghe chuyện của em để hiểu”.
Anh không phản ứng gì, chỉ nói nhẹ nhàng: “Anh có thể giải thích được nguyên do vì sao em lại trong trạng thái như thế”.
Tôi bất ngờ. Anh bắt đầu lí giải cho tôi nghe. Rất đơn giản dễ hiểu nhưng trước giờ tôi chẳng bao giờ khám phá ra được.
“Khi em cảm thấy “trơ” trước một nỗi buồn to lớn, điều đó có nghĩa là nỗi buồn ấy đã lặp đi lặp lại quá nhiều lần. Vì em đã trải qua nỗi buồn đó rồi, nên khi trải qua tiếp lần 2, em đã thích nghi, nên không còn cảm giác đau buồn, u uất như lúc ban đầu.
Điều này có mặt tốt, đó là em không phải khổ sở nữa, nhưng rất xấu nếu như em theo nghệ thuật. Nghệ thuật luôn cần cảm xúc. Khi em đã mất đi cảm xúc thật sự trong cuộc sống, thật khó để cho ra những tác phẩm hay”
Và tôi nhận ra. Lần đầu tiên chia tay, tôi khóc như muốn ngất lịm. Lần thứ hai, tôi chỉ rơi nước mắt.Lần thứ 3, thứ 4, thứ n..., tôi thật sự thích nghi. Trong 5 năm, chúng tôi chia tay hơn 20 lần, nên việc tôi “trơ” ra cũng là điều dễ hiểu.
Vậy nên, khi bạn vô cảm trước một điều đáng ra nên xót lòng, thì có nghĩa là, bạn đã trải qua sự đau buồn đó rồi nên bây giờ bạn không còn cảm giác nữa.