Yêu mến một ai đó là điều tốt, có tình cảm sẽ giúp bạn cảm nhận cuộc sống một cách phong phú hơn. Không chỉ thế, nếu có mục tiêu, hình mẫu để bản thân phấn đấu, vươn lên, bạn sẽ biết trân trọng các cơ hội để hoàn thiện mình. Không ai có thể phủ nhận những điều trên nhưng yêu mến như thế nào và thần tượng bao nhiêu là việc không phải ai cũng biết cách.
Câu chuyện một cô bé 13 tuổi ở Trung Quốc bị bố chém chết chỉ vì quá cuồng nhóm EXO đã làm rúng động làng giải trí nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì cô quá mê mẩn nhóm nhạc EXO mà bỏ bê học hành, phủ nhận công lao của đấng sinh thành và coi họ không bằng thần tượng của mình.
Vì EXO, bé gái đã dám gọi bố là người đàn ông bất tài, quên đi người mẹ bệnh tật và bỏ bẵng việc học hành để chạy theo thần tượng. Sự thiếu nhận thức của Tiểu Nam đã dẫn đến hậu quả đau lòng, để chính người cha yêu con rất mực trong cơn quẫn trí đã ra tay tàn độc với chính cô con gái rượu. Và rồi cũng chính ông đã bật khóc nức nở vì ân hận, vì day dứt.
Câu chuyện tưởng chừng như khó có thể xảy ra trong cuộc sống này vẫn đến bất ngờ như cách nó vốn thế. Không chỉ có Tiểu Nam ở Trung Quốc, trên thế giới còn có rất nhiều fan cuồng KPOP có những cách đam mê thần tượng rất đáng sợ. Vì yêu mến, họ sẵn sàng xem nhẹ tính mạng của bản thân, thuê xe "truy đuổi" các ngôi sao để được nhìn thấy họ gần hơn, rõ hơn nữa.
Thậm chí, có cô gái còn có cách thể hiện tình yêu khiến chính những người họ yêu mến phải sợ hãi. Cô đã dùng chính máu trong chu kỳ kinh nguyệt của mình để viết một lá thư tình. Người khác lại thích hôn lên chiếc ghế thần tượng họ đã ngồi trước đó. Rất nhiều và rất nhiều hành động dị hợm khác đã và đang diễn ra khiến dư luận ít nhiều có ác cảm với fan cuồng KPOP.
Ở Việt Nam, tình trạng đó cũng diễn ra không ít. Nếu ai từng theo dõi các chương trình ca nhạc có sự tham gia của những ngôi sao thần tượng xứ Hàn thì chắc chắn sẽ không quên được sự cuồng nhiệt của fan Việt. Họ sẵn sàng chờ đợi ở sân bay, khách sạn hàng tiếng đồng hồ để nhìn thấy thần tượng hay gào thét rồi ôm nhau bật khóc nức nở vì được nhìn thấy bóng dáng của ai đó. Tất nhiên, đừng vội nhận xét những hành động trên là điên rồ, vì bạn sẽ còn được nghe về nhiều hành động điên rồ hơn thế.
Khi cha đẻ và ông nội của thần tượng (Lee Teuk – trưởng nhóm Super Junior) qua đời, không ít fan đã khóc òa lên giữa lớp, thậm chí là suy sụp đến nỗi không đứng dậy. Chưa hết, hôm sau họ lại bỏ học vì… ở nhà chịu tang cùng thần tượng(?) Thử hỏi, hai người đàn ông kia có mối quan hệ như nào với cô sinh viên thứ 3 mà lại quyết định ở nhà chịu tang?
Hay như topic “Ông bà là cái thá gì?” từng một thời làm xôn xao cộng đồng mạng cũng vậy. Giống như cô bé Trung Quốc kia, một nữ sinh sẵn sàng mắng chửi thậm tệ cha mẹ mình chỉ vì ngăn cản không cho tiếp tục yêu mù quáng các “oppa” dễ thương. Trong đó có đoạn: "Nên nhớ rằng ông bà chỉ có 2 mạng, còn các oppa có đến 13 mạng, dĩ nhiên là các oppa quan trọng hơn ông bà nhiều rồi. Các oppa tuy không nuôi tôi bằng vật chất nhưng đã nuôi tôi bằng tinh thần, là người sinh ra tôi lần thứ hai. Với tôi, giờ đây ông bà chẳng còn là nghĩa lý gì nữa".
Thực sự là khó có ông bố bà mẹ nào ngồi yên nổi khi biết đứa con dứt ruột đẻ ra, bao công nuôi nấng nay lại thốt lên ra những lời khó nghe như thế. Và còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện khác về fan cuồng KPop khiến dân mạng phải phẫn nộ.
Tôi thật sự tò mò, không biết các fan cuồng KPOP ở mảnh đất hình chữ S đang nghĩ gì sau khi đọc được thông tin đau lòng về cô bé Tiểu Nam. Liệu họ có cảm thấy ghen tị vì chưa yêu các "oppa" bằng cô bé 13 tuổi không nhỉ? Ý nghĩ tội lỗi ấy vụt qua đầu cũng khiến tôi bất giác cảm thấy rùng mình. Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng không hy vọng sẽ xảy ra điều đó.
Chẳng ai nỡ ngăn cấm con cái thần tượng người nổi tiếng nhưng quay lưng lại với gia đình để dõi theo những thứ ở cách xa mình hàng nghìn km một cách điên cuồng là điều rất khó chấp nhận. Có thể họ mang lại niềm vui tinh thần, giúp cuộc sống các bạn tươi đẹp hơn nhưng những điều đó có lợi gì cho tương lai khi mất hết lý trí, lệch lạc trong tư duy và mục đích sống!?
*Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả