Bất ngờ trước tài năng biến sắt vụn thành máy cày

Từ đống sắt vụn bỏ đi và động cơ xe máy cũ, anh Lương Quang Vũ (31 tuổi, ở thôn An Mỹ 2, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), đã tạo ra máy cày đa năng.

Thửa ruộng nhà ông Trương Văn Đinh, người cùng xã với anh Vũ vừa được gieo những hạt giống đầu tiên. Ông bảo: “Mùa ni khỏe re, có máy cày thằng Vũ qua chạy chút xíu là xong cả đám ruộng, mình chỉ mất công bỏ hạt thôi chứ không như mấy mùa trước phải khom lưng cày, cực lắm!”.

Chiếc máy cày mà ông Đinh nhắc tới được bà con trong thôn gọi là “máy cày sắt vụn”, vì toàn bộ máy móc, khung sườn đều được “kỹ sư chân đất” Lương Quang Vũ tận dụng từ đống sắt bỏ đi.

Học chưa hết lớp 12, Vũ đã phải bôn ba vào Tây Nguyên kiếm sống bằng việc lái xe tải cho công trình. Mỗi bận về quê, thấy nông dân quá vất vả với ruộng đồng, anh ấp ủ sẽ chế tạo ra một chiếc máy cày để giảm bớt sức lao động cho bà con.

Nghĩ là làm, đầu tiên anh tận dụng bộ máy của xe Wave cũ làm động cơ chính cho máy cày. “Xe không chạy trên đường thì giờ xuống ruộng chạy”, anh Vũ cười nói.

Khung máy, lốp, tay cầm của máy cày được anh Vũ hàn từ những thanh sắt đã gỉ. Các bộ phận như nhông, xích, đĩa đều dùng lại của xe máy. Có đủ “nguyên liệu”, sau gần năm trời cặm cụi lắp ráp, anh Vũ cho chạy thử, vài ba lần thất bại cuối cùng chiếc máy cày của anh cũng đã hoàn thiện.

“Tổng chi phí cho chiếc máy cày hơn 9 triệu đồng, những nhà có nhiều ruộng đều muốn sở hữu một chiếc để chủ động hơn. Bây giờ tôi lắp ráp thành thạo rồi, nên nếu làm những chiếc tiếp theo có giá rẻ hơn và sẽ thiết kế thêm cho máy một “bộ áo” mới chứ không “trơ xương” như bây giờ”.

Anh Lương Quang Vũ

Máy nặng khoảng 70kg, chạy bằng động cơ xe máy 110cc, có thể dùng bình ắc quy để khởi động. Khi máy cày di chuyển và cày thì dùng số từ 1 đến 4 như xe máy, tốc độ được tăng giảm bằng cách bóp ga dưới dạng tay phanh, máy chạy tới đâu thì lưỡi cày lắp phía sau sẽ cày đất tới đó.

Đặc biệt, máy còn được lắp bộ phận chuyển hướng vào hai bên tay lái, nguyên lí giống như bộ li hợp của xe máy, nhưng sử dụng bằng dây curoa và puli. Khi cần qua phải thì kéo cần chuyển hướng bên phải và ngược lại, vì vậy rất thuận tiện. Cứ mỗi lít xăng máy cày được 400m2 đất ruộng, thời gian tùy thuộc vào người cầm lái, trung bình khoảng 20 phút.

Tiện lợi, đa năng

Bánh của chiếc máy cày được anh Vũ chọn những loại sắt cứng nhất hàn lại theo dạng xếp tầng, vì vậy leo được mọi địa hình, kể cả sườn dốc, ruộng bậc thang. “Những vùng núi máy cày lớn không lên tới được, thì máy cày này sẽ là giải pháp tốt nhất, vừa dễ di chuyển hoặc vận chuyển, vừa “trị” được độ dốc, gập ghềnh của ruộng”, anh Vũ chắc chắn. Máy cày đa năng nhưng dễ dàng sử dụng, người dùng chỉ cần nhìn qua là có thể lái được.

  • Hai lồng tuốt được gắn phía trên để tuốt lúa, đậu.
    Hai lồng tuốt được gắn phía trên để tuốt lúa, đậu.

Chế tạo xong chiếc máy cày như ý, nhà phát minh chưa học xong lớp 12 lại nghĩ đến việc tạo ra máy tuốt lúa, đậu. Anh Vũ quyết định thay dây curoa nối đến hệ thống truyền động cho bộ phận tuốt là 2 chiếc lồng được lắp vào một trục quay phía trên thân máy, khi khởi động cho trục quay, hai chiếc lồng tuốt sẽ quay theo, nông dân chỉ cần đưa lúa, đậu ra đứng tuốt.

Chiếc lồng tuốt được anh Vũ đóng bằng gỗ, phía trên gắn nhiều răng bằng thép bẻ cong nên tuốt rất nhanh và sạch hạt. “Ngày trước, chúng tôi cũng tuốt bằng lồng tuốt này, nhưng mà đạp bằng chân cho lồng quay, tuốt xong lúa thì chân cũng rã ra. Giờ máy này tự chạy, chỉ cần đưa lúa, đậu lên lồng thôi, êm ru”, nhiều nông dân phấn khởi.

Mời bạn đọc gửi ảnh, clip, ý kiến, bài viết về mọi vấn đề nóng hổi, hoặc vấn đề gây tranh luận mà bạn bắt gặp trên mạng.

Thậm chí, bạn chỉ cần báo tin cho chúng tôi bằng cách gửi dòng LINK bài viết từ mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải link từ các trang báo).

Email: [email protected] Chúng tôi sẽ xem xét để ĐĂNG TẢI TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ.

> Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại