Bánh mỳ Việt Nam có phải là bánh kẹp ngon nhất thế giới?

Mai Nguyễn |

Nhiều trang web về du lịch nổi tiếng thế giới từng liệt kê bánh mỳ kẹp thịt hay patê của Việt Nam là một trong những thức ăn đường phố ngon nhất thế giới.

Bánh mì Việt Nam. (Nguồn: BBC)

Trong bài viết mới đây trên trang Du lịch của tập đoàn truyền thông Anh BBC, cây bút David Farley cũng đã một lần nữa xác nhận điều đó. Vietnam+ xin trân trọng giới thiệu bài viết này để góp thêm một góc nhìn về ẩm thực Việt Nam.

"Chiếc taxi dừng lại trên Phố Huế sầm uất, và anh tài xế chỉ tay vào một cụm nhà bốn, năm tầng gì đó bên kia đường. Tôi (David Farley) ra khỏi xe, cố gắng tránh những chiếc xe máy và ôtô đi ngang qua và tìm cách sang đường.

Rồi tôi nhìn thấy nó: Bánh mỳ Phố Huế, cửa hàng Bánh mỳ giản dị được đặt tên theo tên con phố nó tọa lạc.

Gần như tất cả những người tôi hỏi đều nói rằng ở đây bán Bánh mỳ ngon nhất Hà Nội, nhưng vấn đề là cửa hàng sẽ đóng cửa ngay khi hết nguyên liệu chế biến. Vậy nên khi tới nơi lúc 7 giờ tối một ngày thứ Bảy và cửa hàng vẫn còn mở, tôi thực sự vui mừng.

Bánh mỳ Phố Huế được kết hợp khá đa dạng giữa thịt lợn, patê và rau (như cà rốt, rau mùi, dưa chuột...) nhồi vào Bánh mỳ Pháp giòn và mềm mại.

Sự khác biệt giữa các vùng miền ở Việt Nam cũng khiến phần nhân bánh được bổ sung thêm nhiều thứ như thịt muối, xúc xích hay các loại rau khác.

Bánh mỳ được cho là một sản phẩm của sự pha trộn hoàn hảo giữa văn hóa và ẩm thực. Không một xe bán thức ăn, hình ảnh trên Instagram hay dòng tweet nào đã khai sinh ra nó.

Món bánh kẹp này ra đời cùng với chủ nghĩa thuộc địa, cụ thể là sự thành lập của vùng Đông Dương thuộc Pháp năm 1887, khi người Pháp chiếm đóng ở đây chỉ đơn giản là phết bơ và patê vào Bánh mỳ baguette.

Sau đó, khi người Việt Nam buộc người Pháp phải rút khỏi đất nước họ vào năm 1954, họ đã đưa ra biến thể riêng của món bánh kẹp này, thêm vào đó thịt lợn, rau thơm và dưa, tạo ra Bánh mỳ như chúng ta biết.

Thế giới đã không biết gì về sự tồn tại của loại bánh kẹp tuyệt vời này cho đến khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975.

Nhiều người ở miền Nam Việt Nam di cư đến Mỹ, châu Âu và Australia đã mang theo những công thức nấu ăn của mình, bao gồm cả cách làm Bánh mỳ.

Vì thế, Bánh mỳ ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ mang phong cách ẩm thực miền Nam: chiếc bánh to hơn, nhiều rau củ, rau thơm và ớt hơn.

Điều kỳ lạ là tôi cảm thấy thích những chiếc Bánh mỳ ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hơn.

Vài năm trước, tôi đã thử ăn một chiếc Bánh mỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh và thấy nó rất nhạt nhẽo và cực kỳ ít nhân: chỉ có một vài lát thịt, một lớp pate mỏng dính, lưa thưa vài cọng rau mùi và cà rốt.

Tôi phát chán chỉ sau một miếng bánh mỳ ở New York, thậm chí ở bánh mỳ Minneapolis còn ngon hơn (!). Nhưng có thật là như vậy không?

Đến Việt Nam lần này, tôi quyết tìm ra câu trả lời. Liệu Bánh mỳ có phải món bánh kẹp ngon nhất thế giới không?

Bánh mỳ Phố Huế. (Ảnh: David Farley)

Ở hàng Bánh mỳ Phố Huế, Geofrey Deetz, một đầu bếp và chuyên gia ẩm thực Việt Nam đã sống ở đây gần 15 năm đang dồn dập đặt câu hỏi về các loại nguyên liệu với những người bán bánh ở đây.

Trong khi đó, người ta vừa mới mang ra cho tôi một chiếc Bánh mỳ, bên ngoài bọc bằng một tờ giấy và một cái chun.

Tôi nhìn vào phần nhân bên trong: thịt lợn đặc sản, thịt xá xíu, ruốc, pate mềm mượt có mùi ngũ vị hương, bơ và một lớp sốt thịt cay. Điều thú vị là không có cọng rau nào thò ra ngoài như Bánh mỳ ở miền Nam hay ở ngoài đất nước. Deetz bảo tôi:

"Bánh mỳ ở Hà Nội có tính một chiều nhiều hơn những nơi khác. Nếu anh cho ai đó ở đây ăn loại bánh đầy ắp nhân và rau thơm như anh từng ăn, họ sẽ nhổ ra hết đấy."

Thật vui là tôi đã không nhổ ra. Chiếc Bánh mỳ này thực sự khác biệt hoàn toàn. Độ giòn của bánh được kết hợp với vị ngon của thịt và gia vị, giống như một chiếc bánh kẹp thịt vậy. Tôi thấy rất ngon.

"Người Hà Nội không thích những món ăn quá phức tạp", Deetz nói thêm. "Nhưng tất cả mọi thứ ở đây đều có ý nghĩa: ruốc thịt hút bớt sốt, pate tạo thêm độ ẩm, nhưng quan trọng là cái bánh được nướng nhẹ, khiến nó không bị phần nhân làm cho mềm và sũng nước."

Khi ở Việt Nam, tôi cũng đã thử qua Bánh mỳ ở Hội An, thành phố di sản ở bờ biển miền Trung được UNESCO công nhận. Ở một nơi đất đai màu mỡ với các loại rau thơm nổi tiếng, không lấy làm ngạc nhiên là Bánh mỳ ở đây được cho rất nhiều loại rau.

Cũng như ở Hà Nội, tôi hỏi mọi người chỗ nào bán Bánh mỳ ngon nhất. Họ chỉ cho tôi đến Bánh mỳ Phương, một cửa hàng ở trung tâm thành phố.

Tôi gọi loại cổ điển, gồm có Bánh mỳ, thịt lợn và patê. Nhưng phần nhân còn có cả dưa chuột thái lát dài, rau mùi tươi, cà rốt ngâm và vài lát cà chua chín mọng, cùng với một lớp tương ớt và hai loại sốt thịt khác nhau, một loại từ thịt luộc, một loại từ thịt hun khói.

Nhân Bánh mỳ ngon, nhưng phần vỏ ngoài cũng rất quan trọng. Một chiếc Bánh mỳ cứng và dễ vụn sẽ làm hỏng tất cả.

Ở cửa hàng Bánh mỳ Phương, những chiếc bánh được nướng ở ngay căn nhà bên cạnh, lúc nào cũng rất mềm mà vẫn duy trì được độ giòn của lớp vỏ ngoài.

Cùng với thịt lợn ngon lành, hai loại sốt thịt cùng những bất ngờ nho nhỏ như mấy lát cà chua hay đu đủ dầm giấm, tôi đã có một chiếc Bánh mỳ thật ngon.

Tổng cộng, tôi đã ăn 15 chiếc Bánh mỳ trong vòng hai tuần ở Việt Nam. Thật may là tôi đã được ăn những cái bánh kẹp ngon nhất trong đời. Lần trải nghiệm ở Sài Gòn vài năm trước chỉ là một sự cố không đáng có.

Nhưng Bánh mỳ có thực sự là loại bánh kẹp ngon nhất thế giới không?

Những loại thịt lợn và rau thơm tươi ngon nhồi trong một chiếc Bánh mỳ giòn tan, đối với tôi mà nói, chính là chiếc bánh kẹp kỳ diệu nhất.

Một quầy bánh mì ở chợ nổi trên sông. (Nguồn: Jupiter Images/Getty)
Một góc phố Hà Nội. (Nguồn: Hoang Dinh Nam/Getty)
Một góc phố cổ Hội An. (Nguồn: Hoang Dinh Nam/Getty)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại