Cuộc sống ngày càng hiện đại với sự phát triển không ngừng của công nghệ thì khoảng cách giữa người với người lại càng bị đẩy xa hơn. Ai cũng có thế giới riêng của mình trong mỗi chiếc điện thoại di động, trong mỗi chiếc máy tính.
Hàng ngày họ có ti tỉ thứ để bàn luận trên mạng xã hội, từ những tin thời sự nóng hổi, cho tới những câu chuyện phiếm trong cuộc sống.
Chuyện tốt thì ít mà đa phần toàn chuyện lừa lọc nhau, tố tụng nhau "buôn gian bán lận", rồi cả chuyện vợ chồng ngoại tình, đánh ghen...
Người ta mất niềm tin vào lòng tốt của những người xung quanh, để rồi thấy ai giúp đỡ quan tâm tới mình thì sinh lòng nghi ngờ, sợ hãi.
Bạn hãy thử dẹp bỏ chiếc điện thoại cùng thế giới ảo sang 1 bên và nhìn vào cuộc sống xung quanh, bạn sẽ thấy mình bỏ lỡ thật nhiều câu chuyện tốt, nhiều hành động đẹp lay động xúc cảm của mỗi con người.
Đó có thể là câu chuyện về cô gái làm rơi ví ở cửa hàng chè, 1 ngày sau quay lại vẫn tìm lại được - một câu chuyện mà không nhiều người tin vẫn có trong cuộc sống hiện đại này.
Chị bán chè dù hoàn cảnh chẳng khá giả gì, nhưng khi thấy khách hàng để quên ví, đã không tham của mà cất đi đợi chủ nhân thực sự tới nhận.
Câu chuyện về chị bán chè khiến nhiều người thích thú và yêu mến.
"Hôm qua đi chợ Cồn ăn chè, tính tiền xong làm rớt luôn ví ở quầy, đến tận tối mới biết bị mất, mà lúc đó hoảng loạn không nhớ mất lúc nào, cả đêm nằm rấm rứt trằn trọc không ngủ nổi.
Sáng lò dò lên lại quầy chè hy vọng biết đâu mình để quên có người giữ giúp.
Thiệt tình trời thương, chị bán chè tối dọn hàng nhìn thấy nên cất, đợi người đến tìm để trả, mình mừng gần khóc, vì trong đó đến mấy triệu tiền hàng của công ty và cả tiền lương nữa.
Mua cho chị 15 bịch chè, chị nhất định thối lại đủ tiền chứ không lấy thêm tiền mình biếu. Trước giờ vẫn luôn tin tưởng người Đà Nẵng thật thà.
Và giờ lại càng yêu hơn những con người ở thành phố quê hương mình, dù là người công sở hay buôn bán ở chợ, đều cần có đạo đức và văn minh...", câu chuyện được chủ nhân facebook Hoàng Thị Thùy Linh chia sẻ.
Hay đó là lòng tốt, sự tận tình giúp đỡ người đi đường cúa chú bảo vệ siêu thị. Đó chỉ là những hành động nhỏ rất đời thường thôi, nhưng nó chứa đựng được sự quan tâm, lo lắng khiến người khác phải cảm động.
Câu chuyện về chú bảo vệ tốt bụng đã hút hơn 10 nghìn like chỉ sau ít giờ được đăng tải và khiến dân mạng không khỏi ngưỡng mộ, chia sẻ cảm hứng tới nhiều người.
Câu chuyện về chú bảo vệ hút dân mạng.
Câu chuyện được kể lại như thế này: "Tối mới ghé ngang cửa hàng {...} mua dầu gội và kem đánh răng. Lúc đậu xe trước cửa hàng này, chú bảo vệ xởi lởi: “Đậu xe đó đi con, chú coi cho, khỏi lấy thẻ”.
Theo nguyên tắc thì phải lấy thẻ xe, nhưng nhìn cách tiếp khách của chú ấy, mình cũng an tâm.
Lúc ra lấy xe, chú lại nhanh chân dẫn xe xuống đường cho mình. Lúc ấy, một phụ nữ dẫn bộ chiếc xe gắn máy đi ngang, trên xe có em bé, và vài bịch ni lông treo lỉnh khỉnh (chắc là thức ăn), chú liền hỏi: “Sao vậy con?”
Chị đáp: “Xe con hết xăng chú ơi”. Chú lại nhanh trí bảo mình: “Con từ từ đi, đứng đây trông xe giúp chú chút xíu thôi, chú mở bình xăng xe chú cho chị ấy một ít để chạy về...”.
Chú đổ vội ly nước nhựa đang uống, giũ hai ba cái cho hết nước trong ly. Chú mở cốp lấy cây tua vít, vặn đâu đó phía dưới chiếc xe máy của chú cho xăng chảy xuống ly.
Chú lại ân cần bế em bé xuống, biểu em đứng sát vô lề, rồi đổ xăng vào bình cho người phụ nữ ấy.
Tự dưng mình thấy niềm vui nho nhỏ nào đó đang len lỏi trong mình. Chuyện tử tế đâu cần tìm ở đâu xa, chính những gì đơn giản nhất, bình thường nhất mà chính tình người với người đối xử với nhau đang diễn ra hàng ngày xung quanh mình”.
Dân mạng chia sẻ nhiều câu chuyện đẹp về chú bảo vệ này.
Bên cạnh đó, câu chuyện về người đàn ông trông xe trong đêm 29/12 vừa qua tại khu vực Quảng trường Trung tâm TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đông cũng khiến nhiều người chú ý và cảm động.
Đó là thời điểm diễn ra lễ khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI, khi đang trông xe, anh Nguyễn Ngọc Hải Đăng phát hiện một cháu bé khoảng 3 tuổi bị lạc đang khóc tìm mẹ.
Sợ cháu bé gặp nguy hiểm, anh Đăng tới dỗ dành và bế cháu bé xem pháo hoa, đồng thời đến thông báo cho các đồng chí công an đang làm nhiệm vụ trong khu vực khai mạc lễ Festival hoa Đà Lạt 2015.
Anh Đăng dỗ dành và bế đứa trẻ xe pháo hoa. (Nguồn ảnh: Gia đình và xã hội)
Sau hơn một giờ đồng hồ liên lạc, tìm kiếm, gia đình đứa bé bị lạc đã đến chốt nhận con trong sự vui mừng khôn xiết. Hành động của anh Đăng trong buổi tối hôm đó đã thực sự khiến người ta cảm phục và yêu mến.