Sinh ra trong một gia đình nghèo, cơm ăn chẳng đủ no, cha mẹ lại mù lòa... đó chắc chắn là nỗi khổ hạnh, nỗi niềm bi quan đối với bất kỳ ai.
Nhưng riêng với anh Nguyễn Chiến Thắng - nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm, đó lại là một điều tuyệt vời mà cuộc sống đã trao tặng cho anh để tự bản thân mình có thể trưởng thành và trải nghiệm hạnh phúc bằng cảm xúc riêng.
Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, người sáng mắt duy nhất trong ngôi nhà 3 người - nghèo nhất họ, từng phải đi quét rác để kiếm sống, 14 tuổi đi ký giấy vay nợ để giúp cha đi qua cơn bạo bệnh, từng trì hoãn giấc mơ đại học... nay lại có một cuộc sống "viên mãn" đến vậy.
Anh Chiến Thắng đã kể lại vắn tắt câu chuyện của cuộc đời anh đã đi qua trong suốt hơn 30 năm qua, một người lớn lên từ lòng nhân ái của xã hội nay muốn đền đáp lại.
Chúng tôi xin trích nguyên văn đoạn chia sẻ của nhà báo Nguyễn Chiến Thắng:
Không ai có thể chọn cho mình một gia đình để sinh ra. Tôi cũng vậy.
Gia đình tôi chỉ có 3 người và tôi là người duy nhất có đôi mắt sáng.
Ngày tôi bước vào lớp một, chỉ sau khai giảng vài ngày, tôi đã có trận hỗn chiến với 3 thằng bạn cùng bàn chỉ vì chúng nó gọi tôi là “con ông bà mù”.
Đương nhiên cuộc chiến đó tôi không thể thắng. Chuyện đến tai mẹ tôi, mẹ tôi bảo “Con sai rồi! Các bạn nói đúng. Nếu bố mẹ sáng mắt mà các bạn nói bố mẹ mù thì con mới nên phản ứng. Con phải chấp nhận việc đó!”.
Đó là bài học đầu tiên tôi được học: Phải biết chấp nhận sự thật và vượt qua.
Gia đình của anh Nguyễn Chiến Thắng
Trong cuộc sống sau này, có nhiều sự thật tôi phải chấp nhận. Đó có thể là sự thật khiến tôi nghẹn ngào mà phấn đấu. Đó cũng có thể là sự thật khiến tôi cảm động để vươn lên. Sự thật giúp tôi trưởng thành và làm chủ được cuộc sống của mình.
Còn nhớ khi tôi còn nhỏ, mỗi khi đi xách nước về trong cái nắng đổ lửa trưa hè, một bà cụ hay gọi tôi vào cho tôi những cặp lồng chè đỗ đen mà tôi không thể ngửi nổi mùi chua, chỉ có thể lặng lẽ khóc khi nhìn mẹ đổ vào bể phốt.
Đó là bà ngoại của tôi.
Người bây giờ đã gần trăm tuổi nhưng vẫn phải tha phương tận miền Đông xa xôi, gánh nốt những gánh nặng cuộc đời. Mỗi lần bà ra Hà Nội, nhà tôi lại là nơi duy nhất bà có thể tá túc vì nghèo nhưng tình nghĩa.
Khi tôi đỗ vào đại học, một ông cụ đã gần 90 tuổi bật đèn bàn soi đi soi lại tấm thẻ sinh viên của tôi chỉ vì nghi ngờ đó là thẻ giả.
Ông chẳng thể tin được vì sao nhà đứa cháu nghèo nhất họ, ăn còn chẳng no lại có thể thi đỗ vào đại học mà không mất một đồng xu chạy điểm.
Không đủ khả năng xác định, ông bảo “thôi mày cứ học đi, hết 4 năm mang bằng và bảng điểm về đây. Nếu đúng là học thật, bằng thật thì tao cho 1 triệu đồng như đã hứa”.
Đó là ông nội tôi - một địa chủ kháng chiến.
Giờ ông tôi đã là người thiên cổ. Tôi vẫn thờ ông riêng một ban thờ bởi bố tôi là con trai trưởng của bà nội thứ 2.
Và cũng bởi nhờ sự ghét bỏ đứa cháu này của ông mà tôi mới có thêm sự quyết tâm để giành vị trí thủ khoa đầu ra của khoa Viết văn Nguyễn Du ngày ấy.
Không họ hàng, không ruột thịt, nhà tôi vẫn chỉ có 3 người.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, tôi đã gặp được không ít người mà họ sẵn sàng san sẻ hạnh phúc của họ cho gia đình tôi chỉ để nhìn thấy tôi ngày một trưởng thành, khôn lớn.
Đó là bố mẹ nuôi tôi, những người đã nuôi cả bố mẹ đẻ tôi trong nhiều năm dài gian khó.
Đó là một người anh tôi chưa bao giờ gặp mặt, 13 năm trời âm thầm gửi tiền giúp đỡ tôi từ đất nước Tây Đức xa xôi, lạnh giá.
Chỉ biết đến tôi qua chương trình “Người đương thời”, anh đã viết cho tôi một bức thư cảm động để động viên và gửi tặng tôi 3 tấm thiếp làm tay rất đẹp của một bà cụ liệt nửa người, chỉ cử động được 1 tay đang sống nốt những ngày cuối đời trong viện dưỡng lão.
Những tấm thiếp tượng trưng cho nghị lực sống của một kiếp người đó đã truyền cho tôi biết bao sức mạnh.
Đó là người phụ nữ sống bằng nghề chuyển bảng số đề ở khu lao động nghèo nhưng ròng rã 20 năm trời không để gia đình tôi bữa cơm nào thiếu đĩa rau, đĩa mắm.
Có những khi cô về quê lo việc họ việc hàng mấy ngày nhưng vẫn gửi tiền lại hàng rau để chu cấp cho chúng tôi như một trách nhiệm mà cuộc đời giao phó. Tôi không thể nào quên.
Đó còn là vị giáo sư piano già khả kính mà tôi tìm đến phỏng vấn rồi trở thành thân quen, trước khoảnh khắc giao thừa giúi vội vào tay tôi một số tiền không nhỏ để bố tôi có thể từ viện về nhà đón Tết.
Năm nào cũng vậy, đúng ngày cuối cùng của năm, mẹ con tôi lại đến thăm ông chỉ để biết rằng ông vẫn khỏe và vẫn miệt mài với những công tác từ thiện mà vợ chồng ông đã gắn bó suốt cả đời người.
Đó là những thầy cô giáo không chỉ dạy dỗ tôi nên người mà còn chạy tiền đóng cho tôi từng kỳ học phí, đãi tôi trường kỳ những bữa cơm trưa.
Còn rất nhiều những con người như thế mà tôi không thể kể hết một lần.
Cuộc sống của tôi đã lớn lên từ tấm lòng thiên hạ.
Từ một đứa trẻ phải quét rác ngày nào kiếm sống, 14 tuổi phải mang sổ đỏ đi ký giấy vay nợ để cứu bố khỏi bệnh hiểm nghèo, từng phải dừng giấc mơ đại học để mưu sinh, giờ đây tôi đã có thể đứng vững giữa cuộc đời để trả nghĩa, trả ân cho những gì đã nhận.
Có những hạnh phúc đến rồi đi, nhưng có những hạnh phúc vĩnh hằng ở lại. Hạnh phúc đó là nụ cười của Bin – thành viên thứ 4 trong gia đình bé nhỏ của tôi.
Vào những giờ phút cuối cùng của ngày sinh nhật, xin được một lần ôn lại tất cả để tự bổ sung cho mình nghị lực, sức sống và tình yêu.
Trân trọng gửi đến tất cả những người xung quanh tôi một lời cảm tạ!
Anh Chiến Thắng và cậu con trai nhỏ của anh.