5 phim hoạt hình Nhật của Hayao Miyazaki không thể không xem 10 phim hoạt hình Disney xem đi xem lại không chán 10 nhân vật phụ hút khách nhất trong phim hoạt hình
Phim hoạt hình được phân thành 3 loại chính gồm hoạt hình cắt giấy, phim hoạt họa (hoạt hình 2D) và hoạt hình đồ họa 3D. Hiện nay, phim hoạt hình cắt giấy đã bị mai một và gần như không còn được sản xuất nữa, vì thế những bộ phim hoạt hình khán giả hay xem thường là những bộ phim 2D và 3D. Cùng gặp những chuyên gia trong lĩnh vực này để hiểu hơn về quy trình tạo ra mỗi bộ phim hoạt hình mà chúng ta vẫn yêu thích!
Quy trình ngặt nghèo tạo nên một phim hoạt hình 2D
Phim hoạt hình 2D là phương pháp sản xuất hoạt hình truyền thống tồn tại từ những năm 1880. Người ta sử dụng một chuỗi liên tiếp các bức tranh được vẽ với những tư thế khác nhau để tạo ra một chuyển động của nhân vật. Họa sĩ thường vẽ từ 12 - 24 hình/s để tạo nên một bộ phim hoạt hình.
Quy trình sản xuất phim hoạt hình 2D thông thường gồm 4 công đoạn chính. Đầu tiên, kịch bản hoàn chỉnh được đưa tới phòng đạo diễn – họa sĩ để chuyển thể sang kịch bản điện ảnh với hướng dẫn cụ thể từng phân, đoạn, cảnh, góc máy quay...
Tiếp theo, kịch bản điện ảnh này được chuyển tới phòng diễn xuất để họa sĩ vẽ cảnh phim, vẽ nhân vật, hành động, biểu cảm… Những bản vẽ này có thể thực hiện bằng tay hoặc các phần mềm đồ họa trên máy vi tính (ở Việt Nam, chủ yếu các phim vẫn được họa sĩ vẽ tay). Thứ ba, những bản vẽ được chuyển đến phòng tổng hợp để scan, ráp nối thành bản phim nháp. Cuối cùng phim sẽ được mang đi hoàn thiện và làm các khâu hậu kì (thu thanh, lồng tiếng, tiếng động, viết nhạc, hòa âm…).
Cận cảnh quy trình "diễn xuất" của các họa sĩ
Tại Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, mỗi năm chỉ có khoảng từ 12 – 15 phim xuất xưởng và trung bình phải mất 8 tháng cho một tập phim có độ dài từ 10 – 30 phút, tương đương với 120 – 150 cảnh phim. Để thực hiện nên 1s phim hoạt hình cần 24 hình ảnh. Nếu ít hơn, phim sẽ bị giật, ngắt quãng. Điều đó đồng nghĩa là để có được 20 phút phim, người họa sĩ cần vẽ tay đến gần 40.000 ảnh - một con số khủng khiến bất cứ dân ngoại đạo nào nghe thấy cũng phải giật mình.
Ví dụ như Tít và Mít - bộ phim hoạt hình dài 10 tập của Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam được đẩy nhanh tiến độ cũng mất đến 6 tháng/tập dài 9 – 13 phút.
Lý giải về sự kéo dài thời gian này, đạo diễn – họa sĩ Trịnh Lâm Tùng, người từng đoạt giải Cánh Diều Vàng năm 2012 cho Phim hoạt hình xuất sắc Càng to càng nhỏ, chia sẻ: “Ở Việt Nam, việc đào tạo nguồn nhân lực làm phim hoạt hình là khá khó, người nghệ sĩ vừa cần có kiến thức điện ảnh, vừa phải biết về mỹ thuật, đồ họa, cần phải có sự đam mê, tỉ mẩn.
Trung bình mỗi ê kíp sản xuất phim hoạt hình ở nước ta có 10 người: 1 đạo diễn chính, 1 họa sĩ chính, 2 họa sĩ dành cảnh (chuyên thiết kế, dàn dựng cảnh, khung nền cho bộ phim), 5 – 6 họa sĩ diễn xuất (vẽ các biểu cảm, hành động cho từng nhân vật). Đó là còn chưa kể các khâu tiền kì và hậu kì như sản xuất kịch bản, thu âm lồng tiếng, kiểm duyệt. Với những bộ phim hoạt hình dài hơi của nước ngoài như Tom & Jerry, ê kíp sản xuất có thể lên đến cả trăm người, các trang thiết bị kĩ thuật cũng tối tân hơn rất nhiều nên việc sản xuất vài chục, thậm chí vài trăm tập phim một năm được họ cho là điều bình thường”.
Quy trình nghiệm thu tác phẩm
Phim hoạt hình đồ họa 3D là mảng lớn nhất của hoạt hình máy tính, trong đó toàn bộ hình ảnh, tạo hình nhân vật, cảnh quan… đều được làm hoàn toàn bằng máy vi tính. Điều này tránh cho họa sĩ phải vẽ tay hàng nghìn bức vẽ một phim, nhưng đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải có kiến thức máy tính, đồ họa không thua kém gì kiến trúc sư hay chuyên viên công nghệ thông tin.
Quy trình dựng hình bằng kĩ thuật đồ họa 3D
Có đam mê nhưng hiện nay, đội ngũ những người làm phim hoạt hình Việt đang gặp phải khá nhiều trăn trở, đặc biệt là trong khâu đào tạo đội ngũ nhân sự trẻ kế cận. Một họa sĩ làm phim hoạt hình sau khi tốt nghiệp các trường Mỹ thuật cần phải học thêm các lớp đào tạo về diễn xuất và đồ họa, trung bình mất thêm 2 - 3 năm nữa mới có thể coi là "cứng tay" và cầm bút được. Thời gian đào tạo dài cộng với việc đòi hỏi nhiều kỹ năng của sinh viên khiến nhiều bạn trẻ lo lắng, e dè. Hơn thế, làm phim hoạt hình vừa lâu vừa khó kiếm tiền nên không có nhiều người sẵn sàng dấn thân vào nghề này.
Theo đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, để theo đuổi được nghiệp hoạt hình, yếu tố quan trọng nhất với các bạn trẻ là sự đam mê: "Làm phim hoạt hình, các bạn trẻ sẽ phải đánh đổi nhiều thứ lắm. Nhưng trở thành người tiên phong, làm những điều người khác chưa làm, thỏa sức sáng tạo và đam mê đôi khi cũng là niềm vui lớn chỉ có những người trong nghề mới hiểu".