Những cuốn sổ truyền thống tự trang trí
Một cuốn sổ nhỏ xinh, tự trang trí và viết những dòng đầu tiên rồi sau đó truyền tay những đứa bạn trong lớp. Đó là kiểu truyền thống mà học trò vẫn dùng để có được một cuốn lưu bút mang theo bên mình.
Một cách làm truyền thống nhưng vẫn chưa bao giờ nhàm chán. Được đứa bạn bên cạnh đưa cho cuốn sổ cũng thấy vui. Rồi có khi về nhà nắn nót viết vào đó biết bao câu chuyện học trò, cả những điều chẳng dám nói.
Và “khổ chủ” cũng vui mừng mỗi khi nhận lại cuốn sổ, lật giở từng trang để đọc những điều bạn bè muốn tâm sự. Khi thì mỉm cười vì một câu chuyện nào đó tưởng như đã quên. Khi lại sụt sùi để thấy sống mũi cay cay vì nhìn thấy những dòng chữ nhòe đi vì nước mắt của bạn.
Lưu bút ảnh – câu chuyện kể bằng khoảnh khắc
Thay vì những cuốn sổ truyền thống, nhiều bạn học trò, nhiều lớp học đã dùng ảnh làm lưu bút.
Cuối năm, tập hợp lại những bức ảnh đã có với nhau từ cái ngày ngơ ngác lạ lẫm bước vào trường cho đến khi đã làm anh, làm chị và sắp bị “đuổi” khỏi trường. Mỗi bức ảnh lại kể một câu chuyện và ghi dấu những khoảnh khắc đáng nhớ của học trò.
Những tấm hình ngộ nghĩnh và chứa trong đó biết bao điều để nhớ. Có khi xem lại cứ ngồi cười hoài nhưng cũng có lúc, chẳng bảo nhau mà những giọt nước mắt cứ rơi…
Áo đồng phục cũng trở thành lưu bút
Ngoài những cuốn sổ xinh xắn, những bức ảnh thì chiếc áo đồng phục cũng bỗng chốc biến thành lưu bút. Chiếc áo gắn bó với thời học sinh, ngày nào đi học cũng mặc, đến khi ra trường lại trở thành nơi để bạn bè viết lên đó bao lời nhắn.
Chiếc áo đầy những dòng chữ, có cả lời hẹn gặp mặt, cả những câu mắng yêu… để rồi mang về nhà cất vào chiếc hộp nhỏ giống như vật báu của riêng mình.
Thời đi học trân trọng nhất là chiếc áo đồng phục, đến khi ra trường đó trở thành niềm tự hào để rồi dù ở đâu, vẫn tự nhắc, mình đã từng thuộc về nơi ấy…
Blog, facebook cũng thành lưu bút
Mạng xã hội ngày càng phát triển và không ít bạn đã dùng nó để làm thành lưu bút cho mình. Những dòng note yêu thương được viết và chia sẻ rộng rãi cùng những hình ảnh được đăng tải mang đến rất nhiều thú vị.
Với những tính năng cài đặt để có thể chỉ một người hay vài người đọc được, facebook trở thành cuốn lưu bút riêng tư của một vài bạn. Và mỗi ngày đều có thể viết thêm vào đó.
Có những trang web như “Lưu bút học trò” cũng là sự lựa chọn của nhiều bạn học sinh cuối cấp để gửi vào đó những tâm sự, những yêu thương của mình với cái thời “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”.
Với sự phát triển như hiện nay, đó trở thành cuốn “lưu bút điện tử”, là nơi gửi gắm những điều muốn nói và là chiếc hộp thần kì để giữ lại trọn vẹn những khoảng khắc của một thời áo trắng đến trường.
Cùng nhau viết cuốn lưu bút “khổng lồ”
Không chỉ có những cuốn lưu bút cá nhân, rất nhiều bạn trẻ đã chọn cách cùng nhau viết một cuốn lưu bút. Đó có thể là tấm biển lớn ở cổng trường, để mỗi người đi qua đều có thể dừng lại, viết lên đó vài dòng về mái trường, về thầy cô và bè bạn của mình.
Những cuốn lưu bút khổng lồ thường sẽ được các bạn học sinh gửi tặng nhà trường để đưa vào phòng truyền thống. Và sau này có dịp quay lại, đứng trước cuốn sổ đặc biệt ấy, lần từng góc nhỏ để tìm lại “dấu ấn” của mình, của bè bạn.
Trên cuốn sổ đặc biệt ấy, không chỉ có những dòng yêu thương nhắn nhủ cho nhau mà còn chứa biết bao lời tri ân gửi đến thầy cô. Cả những lần sợ bị cô phạt, cả những ngày lén vào lớp rồi bị cô phát hiện… tất cả vẹn nguyên trên trang lưu bút học trò.
Có đến cả 1001 cách để viết lưu bút và mỗi học trò đều tìm cho mình một cách làm riêng độc đáo. Ngày hôm nay trao cho nhau những trang giấy ướt nhòe nước mắt, để ngày mai xa nhau có thể mỉm cười nhớ về cái thời áo trắng.
Mời bạn đọc gửi ảnh, clip, ý kiến, bài viết về mọi vấn đề nóng hổi, hoặc vấn đề gây tranh luận mà bạn bắt gặp trên mạng. Thậm chí, bạn chỉ cần báo tin cho chúng tôi bằng cách gửi dòng LINK bài viết từ mạng xã hội (từ Facebook, diễn đàn... không phải link từ các trang báo). Email: [email protected] Chúng tôi sẽ xem xét để ĐĂNG TẢI và TRẢ NHUẬN BÚT CHO BẠN TRONG VÒNG 24 GIỜ. > Xem chi tiết chương trình: Trả Nhuận bút trong 24 giờ |