Chung cư Harmona do Công ty CP Vật tư XNK Tân Bình và Công ty CP Thanh Niên làm chủ đầu tư. Chung cư hiện có 580 căn hộ với khoảng 1.000 cư dân đang sinh sống.
Dự án được bàn giao và cư dân đã vào ở từ hơn 2 năm qua, hầu hết đều đã thanh toán đến 95% giá trị căn hộ nhưng chủ đầu tư vẫn chưa làm giấy chủ quyền nhà.
Hoang mang
Ngày 24-5, Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Bắc Sài Gòn bất ngờ phát đi văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao tài sản thế chấp tại dự án chung cư Harmona để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.
Theo BIDV, Công ty CP Vật tư XNK Tân Bình đã sử dụng tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là dự án chung cư Harmona để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay của Công ty CP Thanh Niên.
Khoản nợ vay này đã quá hạn, mặc dù ngân hàng đã tạo điều kiện về thời gian để khách hàng thu xếp trả nợ nhưng Công ty CP Thanh Niên vẫn chưa thanh toán hết nợ cho ngân hàng theo cam kết.
“Chủ đầu tư dự án chung cư Harmona phải bàn giao nguyên trạng tài sản bảo đảm như trước khi chưa có người vào sử dụng, cư trú trong chung cư cho ngân hàng để chúng tôi xử lý, thu hồi nợ vay...
Thời gian thực hiện bàn giao là 9 giờ ngày 9-6-2016” - văn bản nêu rõ.
Khi biết về thông báo này, hơn 1.000 cư dân ở chung cư Harmona vô cùng sửng sốt.
Gặp gỡ phóng viên Báo Người Lao Động ngày 26-5, nhiều người dân sống tại chung cư cho biết họ hết sức ngỡ ngàng và bức xúc vì thông báo của BIDV có thể gây đảo lộn toàn bộ cuộc sống của họ.
Ông Nguyễn Trung N. có 2 căn tại block A của chung cư này đưa chúng tôi xem văn bản thông báo từ ngân hàng và cho biết gia đình ông có 2 căn hộ tại chung cư này mua bằng số tiền mồ hôi và nước mắt gần 3 tỉ đồng, vay mượn ngân hàng trả nhiều đợt đến khi hoàn tất mới được dọn vào ở.
“Đang yên đang lành, BIDV có văn bản đòi xiết nợ khiến cả nhà tôi ngã ngửa. Hôm nay, tôi phải nghỉ làm để gặp chủ đầu tư, ban quản trị chung cư… nhằm nắm rõ nguyên nhân nhưng tất cả đều nói bận họp”.
Ông N. còn cho biết thêm 2 căn hộ của gia đình ông được công ty bàn giao tháng 5-2014 sau khi đã đóng đủ tiền, có phiếu thu, biên nhận theo hợp đồng. Nhưng từ đó đến nay, công ty nhiều lần hứa hẹn làm sổ hồng cho người dân song đến nay vẫn chưa ai có được.
Còn ông Nguyễn Đông (65 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) vào thăm con là anh Nguyễn Trường Vinh Quang (33 tuổi, ngụ tại căn block B, chung cư Harmona) cũng hết sức bàng hoàng khi biết căn hộ 1,4 tỉ đồng mà ông phải cầm cố sổ đỏ ở quê mua cho con trai lại sắp bị “mất”.
“Chưa kịp mừng thì đã lo ngay ngáy vì sắp phải ra đường ở. Tôi không hiểu vì sao người dân đã nộp tiền đầy đủ nhưng công ty lại không trả cho ngân hàng mà lại để xảy ra cớ sự như vậy.
Chúng tôi cần chủ đầu tư và cơ quan chức năng có câu trả lời thỏa đáng” - ông Đông giận dữ nói.
Không để người dân bị thiệt
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA), cho rằng việc chủ đầu tư vừa thế chấp dự án vừa bán căn hộ cho người dân là chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật.
Một tài sản không thể đồng thời được giao dịch 2 lần mà phải giải chấp rồi mới được bán.
Còn ngân hàng khi nhận thế chấp tài sản hình thành trong tương lai phải có trách nhiệm giám sát tài sản đó theo quy định của Luật Dân sự.
Nếu ngân hàng đã không giám sát để chủ đầu tư bán thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm liên đới.
HOREA kiến nghị UBND TP HCM cần có cuộc họp khẩn cấp, giải quyết triệt để vụ việc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người mua nhà, còn việc của chủ đầu tư và ngân hàng thì đưa ra tòa án giải quyết.
Trong khi đó, liên lạc với chúng tôi, ông Nguyễn Long Khánh, thành viên Ban Quản trị chung cư Harmona, cho biết tại cuộc họp với chính quyền địa phương chiều 26-5, mặc dù đã được mời nhưng chủ đầu tư chỉ cử nhân viên đến dự để nắm thông tin chứ không đưa ra được phương án giải quyết nào cho người dân và cả ngân hàng.
Đại diện lãnh đạo quận Tân Bình khuyên cư dân ở chung cư Harmona cần bình tĩnh, chính quyền sẽ có biện pháp can thiệp, không để cư dân phải rời khỏi nhà mình chỉ với thông báo của BIDV.
“Tôi cho rằng đây là một thông báo hơi lố bịch, làm hoang mang cho cư dân cũng như dư luận bởi ít nhất trước khi thông báo, BIDV và chủ đầu tư phải ngồi lại bàn với nhau, đồng thời phải báo chính quyền địa phương.
Thực tế, đây là việc giữa chủ đầu tư và ngân hàng chứ không phải của người dân tại sao lại bắt chúng tôi phải dọn đi?” - ông Khánh bức xúc.
Cần sớm cấp chủ quyền nhà cho cư dân
Theo ông Lê Hoàng Châu, qua vụ việc này cho thấy BIDV đã xiết tài sản hình thành trong tương lai, làm phương hại trực tiếp đến người mua nhà, vì vậy HOREA kiến nghị UBND TP HCM khẩn cấp có hướng xử lý để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người mua nhà.
Trước đây, khi chủ đầu tư không hoàn chỉnh hạ tầng, hoàn thành các nghĩa vụ với nhà nước thì UBND TP HCM vẫn cấp sổ đỏ, sổ hồng cho người mua căn hộ nhưng với dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp, bán cho người mua trong khi người mua đã hoàn thành nghĩa vụ mà vẫn chưa cấp chủ quyền thì chưa hợp lý.
HOREA đề nghị UBND TP cấp chủ quyền vì người dân đã đóng đến 95% tiền mua căn hộ và nhận nhà vào ở.