Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang khắc phục hậu quả do cơn bão gây mưa xối xả gây ra hôm 16-4, khiến phần lớn đất nước ngập lụt.
Tại TP Dubai, hoạt động tại sân bay - vốn là một cảng hàng không lớn - vẫn đang bị gián đoạn do đường băng bị ngập, khiến các chuyến bay phải chuyển hướng, chậm trễ và bị hủy, hành khách không thể ra vào.
Theo một công trình được Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (PIK - Đức) công bố trên tạp chí khoa học Nature hôm 17-4, những thiên tai bao gồm nắng nóng kỷ lục, lũ lụt nghiêm trọng, cháy rừng - vốn trầm trọng thêm do biến đổi khí hậu - có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 19% vào năm 2049.
Để đi đến kết luận này, các tác giả đã sử dụng dữ liệu thực nghiệm từ hơn 1.600 khu vực trên toàn thế giới trong vòng 40 năm qua để dự báo thiệt hại do nhiệt độ và lượng mưa.
Từ đó, báo cáo chỉ ra thế giới sẽ tốn khoảng 6.000 tỉ USD cho các biện pháp hạn chế để nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp vào năm 2050. Nếu để con số này vượt 2 độ C vào năm 2050, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ước tính lên đến 38.000 tỉ USD, theo tính toán của một số cơ quan truyền thông như hãng tin Reuters, đài CNN…
Nghiên cứu cũng ước tính thiệt hại kinh tế của các vùng khác nhau. Bắc Mỹ và châu Âu dự kiến chứng kiến GDP giảm khoảng 11%, trong khi Nam Á và châu Phi là 22%. Đáng chú ý, tác động kinh tế lên Mỹ lại không nhiều bằng một số nước láng giềng.
Đài CNN nhấn mạnh "cú đấm tài chính" do biến đổi khí hậu sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các chính phủ và tập đoàn lớn. Theo Liên Hiệp Quốc, thế giới đang hướng tới mức tăng gần 3 độ C trong thế kỷ tới, ngay cả với các chính sách và mục tiêu khí hậu hiện tại.
Các nhà nghiên cứu cho biết mỗi cá nhân đều có thể phải chịu gánh nặng kinh tế từ tác động của biến đổi khí hậu. Theo họ, tổn thất tài chính trong ngắn hạn là không thể tránh ngay cả khi các chính phủ tăng cường nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng vào lúc này. Tuy nhiên, hành động tức thì nhằm giảm biến đổi khí hậu có thể giảm một số thiệt hại về lâu dài.
Vấn đề là các chính phủ hiện chi tiêu quá ít cho nỗ lực hạn chế khí thải làm trái đất nóng lên, cũng như dành không đủ ngân sách cho các biện pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Nhà nghiên cứu Bernardo Bastien, từ Viện Hải dương học Scripps thuộc Trường ĐH California San Diego (Mỹ), cho biết các chiến lược thích ứng là những phương pháp tiếp cận được thiết kế không phải để giảm biến đổi khí hậu mà nhằm hạn chế tác động tiêu cực của nó. Những chiến lược này có thể giúp tiết kiệm tiền trong dài hạn.
Ông Bastien đưa ra một ví dụ: Các công ty tiện ích ở bang California tạm tắt lưới điện để ngăn chặn cháy rừng, ảnh hưởng đến nhiều cơ sở công nghiệp và các hộ gia đình. Đây là biện pháp tốn kém nhưng cần thiết.