Cú bứt tốc 'thần sầu' nhanh gấp 32 lần vận tốc âm thanh của Falcon 9 đưa tỷ phú Mỹ lên trời: SpaceX lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu!

Trang Ly |

Một lần nữa, Falcon 9 và SpaceX lại khiến chúng ta ngạc nhiên.

SPACEX & CHUYẾN BAY KHÔNG GIAN DÂN DỤNG ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI LÊN QUỸ ĐẠO

SpaceX thông tin, vào thứ Tư, ngày 15/9/2021, lúc 8:02 tối EDT (giờ miền Đông Mỹ), tức 00:02 UTC (Giờ Phối hợp Quốc tế) ngày 16/9, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã phóng thành công sứ mệnh Inspiration4 - chuyến bay không gian toàn dân dụng đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo Trái Đất - từ Khu phức hợp phóng lịch sử 39A tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida, Mỹ.

Điều đặc biệt là không ai trong bộ tứ thành viên phi hành đoàn thuộc sứ mệnh Inspiration4 là phi hành gia chuyên nghiệp. Không ai có bất kỳ kinh nghiệm bay vũ trụ nào trước đây. Thậm chí, 3 trong số các phi hành gia mới chỉ được thông báo sẽ tham quan không gian vào đầu năm 2021.

Inspiration4 được chỉ huy bởi Jared Isaacman, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Shift4 Payments và là một phi công kiêm nhà thám hiểm xuất sắc. Tham gia cùng anh ấy có Nhân viên Y tế Hayley Arceneaux, một trợ lý bác sĩ tại Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude và là bệnh nhi sống sót sau bệnh ung thư; Chuyên gia sứ mệnh Chris Sembroski, một cựu chiến binh Không quân và kỹ sư dữ liệu hàng không vũ trụ của Lockheed Martin; và Tiến sĩ Sian Proctor, một nhà khoa học địa chất, doanh nhân và phi công được đào tạo.

Chỉ huy sứ mệnh Inspiration4 là tỷ phú Jared Isaacman, người đã thuê tàu vũ trụ của SpaceX với số tiền không được tiết lộ.

Cú bứt tốc thần sầu nhanh gấp 32 lần vận tốc âm thanh của Falcon 9 đưa tỷ phú Mỹ lên trời: SpaceX lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu! - Ảnh 1.

Phi hành đoàn Inspiration4 trong tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience . Từ trái sang: Chris Sembroski, Hayley Arceneaux, Jared Isaacman và Sian Proctor. Ảnh: Inspiration4 / John Kraus

Đây là hình ảnh phi hành đoàn 4 người đang ở trạng thái không trọng lực bên trong tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience. Lúc này, tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience của SpaceX đang lái tự động, điều này cho phép cả phi hành đoàn có thể tận hưởng đầy đủ chuyến bay kéo dài 3 ngày vòng quanh Trái Đất của mình.

Tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience trước đây của SpaceX đã từng đưa các phi hành gia NASA đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), nhưng lần này, trong sứ mệnh Inspiration4, Crew Dragon Resilience thay vì cập bến với trạm ISS, sẽ bay lên độ cao khoảng 585 km so với mặt đất — cao hơn khoảng 130 km so với ISS ở điểm cao nhất của nó.

Cú bứt tốc thần sầu nhanh gấp 32 lần vận tốc âm thanh của Falcon 9 đưa tỷ phú Mỹ lên trời: SpaceX lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu! - Ảnh 2.

So sánh vị trí/độ cao của tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience (độ cao 585 km) với kính viễn vọng của Hubble (độ cao 540 km) và Trạm ISS (420 km). (Click vào ảnh để xem rõ hơn). Ảnh: SapceX

Ở độ cao 585 km - Crew Dragon Resilience đang bay cao hơn bất kỳ chuyến bay nào của con người kể từ các sứ mệnh của Hubble. Vòm quan sát hình vòm mới của tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience là cửa sổ không gian liền kề lớn nhất từng bay. Đây là một mái vòm kính tùy chỉnh mà SpaceX gần đây đã lắp đặt thay cho cổng cập cảng của tàu vũ trụ. 

Được thiết kế, thử nghiệm và đủ điều kiện bay trong sáu tháng, mái vòm quan sát ba lớp đã được thực hiện qua một quá trình kiểm định rộng rãi, bao gồm môi trường nhiệt, rung động, cấu trúc và vòng đời để xác minh khả năng.

Và vào cuối tuần này, nếu mọi việc suôn sẻ, Crew Dragon Resilience sẽ quay trở lại Trái Đất, đáp xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển Florida, Mỹ.

Falcon 9 là một tên lửa hai tầng có thể tái sử dụng được thiết kế và sản xuất bởi SpaceX để vận chuyển người và hàng hóa đáng tin cậy và an toàn vào quỹ đạo Trái đất và hơn thế nữa. Falcon 9 là tên lửa tái sử dụng lớp quỹ đạo đầu tiên trên thế giới.

Tốc độ cực đại mà tên lửa Falcon 9 đạt được khi đưa tàu vũ trụ Crew Dragon lên quỹ đạo là 39.600 km/h (tương đương 11.000 mét mỗi giây) - Gấp 32 lần vận tốc âm thanh truyền trong không khí! (Vận tốc âm thanh trong truyền trong không khí bằng khoảng 343 mét/giây.)

MỤC TIÊU CỦA SỨ MỆNH INSPIRATION4

1. Tặng 200 triệu USD cho bệnh viện St. Jude

Phi hành đoàn Inspiration4 sẽ dành 3 ngày để đi vòng quanh Trái Đất trong một nhiệm vụ nhằm gây quỹ 200 triệu đô la Mỹ cho Bệnh viện Nghiên cứu Trẻ em St. Jude (Mỹ), có trụ sở tại Memphis - nơi điều trị các bệnh nhi bị ung thư.

Sứ mệnh Inspiration4 là một phần trong mục tiêu gây quỹ 200 triệu USD đầy tham vọng của tỷ phú/chỉ huy Inspiration4 Jared Isaacman nhằm mang lại hy vọng cho tất cả trẻ em mắc bệnh ung thư và các bệnh đe dọa tính mạng khác. 

Cụ thể, các vật lưu niệm cá nhân và các vật phẩm xoay quanh sứ mệnh này sẽ được bán đấu giá để gây quỹ từ thiện cho bệnh viện St. Jude.

Cú bứt tốc thần sầu nhanh gấp 32 lần vận tốc âm thanh của Falcon 9 đưa tỷ phú Mỹ lên trời: SpaceX lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu! - Ảnh 4.

Thành viên của phi hành đoàn Inspiration4. Ảnh: SpaceX

2. Nghiên cứu cơ thể con người trong không gian

Trong hành trình kéo dài 3 ngày trên quỹ đạo, ở độ cao 585 km, phi hành đoàn Inspiration4 sẽ tiến hành nghiên cứu khoa học được thiết kế để nâng cao sức khỏe con người trên Trái đất và trong các chuyến bay vũ trụ thời gian dài trong tương lai.

Tính cho đến lúc này, phi hành đoàn Inspiration4 bên trong tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience của SpaceX đang bay quanh Trái Đất của chúng ta, ngắm nhìn "chấm xanh" kỳ diệu và thực hiện các thí nghiệm khoa học hữu ích cho con người, quyên góp vì cộng đồng, vì trẻ em, đúng như cái tên của sứ mệnh - Inspiration: Truyền cảm hứng!

KHÔNG GIAN TRONG TẦM TAY GIỚI TỶ PHÚ

Chuyến bay này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2009 - khi tàu con thoi Atlantis đưa các phi hành gia tới Kính viễn vọng Không gian Hubble để thực hiện nhiệm vụ sửa chữa cuối cùng - tức là một chuyến bay quỹ đạo có phi hành đoàn không ghé thăm một trạm vũ trụ.

"Điều này thật hấp dẫn bởi vì nó là một sứ mệnh thương mại trên một con tàu vũ trụ thương mại. Nó sẽ không đi đến đích (trạm vũ trụ ISS), và không ai trong số phi hành đoàn là phi hành gia của chính phủ", nhà phân tích ngành Carissa Christensen - người sáng lập BryceTech, cho biết . "Đây thực sự là một hiện tượng mới."

Cú bứt tốc thần sầu nhanh gấp 32 lần vận tốc âm thanh của Falcon 9 đưa tỷ phú Mỹ lên trời: SpaceX lập kỳ tích vô tiền khoáng hậu! - Ảnh 5.

Vòm quan sát hình vòm mới của tàu vũ trụ Crew Dragon Resilience là cửa sổ không gian liền kề lớn nhất từng bay. Ảnh: SpaceX

Những người ủng hộ Inspiration4 cho biết sứ mệnh này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong du hành vũ trụ của con người — khởi đầu của thời đại mà cánh cổng vào không gian mở ra cho những người bay "bình thường". 

Netflix đang phát sóng một bộ phim tài liệu đề cập đến sứ mệnh bay vào không gian. Tạp chí TIME của Mỹ đã đưa phi hành đoàn lên trang bìa của một số đặc biệt về "Kỷ nguyên không gian mới". Axios đã sản xuất một podcast nhiều tập về hậu trường của nhiệm vụ. Và nhiều công ty đang sử dụng Inspiration4 để quảng cáo sản phẩm của họ. 

Chủ đề đằng sau tất cả thông điệp này là chuyến bay đang mở đường tới các vì sao cho phần còn lại của nhân loại — nhưng có phải vậy không?

Một số chuyên gia trong ngành công nghiệp vũ trụ nói rằng tiêu chuẩn để tham gia vào chuyến bay trên tàu vũ trụ vẫn cao hơn bao giờ hết. Khi không gian ngày càng trở nên thương mại hóa, của cải cá nhân đóng một vai trò lớn hơn trong việc xác định ai sẽ rời khỏi Trái Đất.

Jared Isaacman (chỉ huy của Inspiration4) là một trong 2.755 tỷ phú duy nhất trên Trái Đất - một tỷ lệ rất nhỏ dân số đủ khả năng thuê tàu vũ trụ.

Nhà sử học không gian Matt Shindell tại Bảo tàng Hàng không và Vũ trụ Quốc gia của Viện Smithsonian (Mỹ) cho biết: "Ngày nay, không gian đang đặt rất nhiều vào tay các tỷ phú và triệu phú trên thế giới, những người có đủ khả năng để bay trên những chuyến bay này hoặc nhường vé cho người khác".

Tính cho đến nay, các tỷ phú Mỹ Jeff Bezos, tỷ phú Anh Richard Branson cũng đã thực hiện các chuyến bay lên vũ trụ. Vụ phóng sứ mệnh Inspiration4 là lần thứ ba trong năm 2021 chở một phi hành đoàn gồm các hành khách cá nhân vào không gian. Hai chuyến bay trước đó, do Virgin Galactic và Blue Origin khởi động vào tháng 7/2021, là những chuyến bay dưới quỹ đạo (chỉ ở độ cao dưới 100km), mang cho họ chỉ vài phút không trọng lượng.

Bài viết sử dụng nguồn: Nationalgeographic, SpaceX, Spaceflightinsider

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại