Định giá doanh nghiệp tốt không ngăn được cuộc bán tháo. Giọng điệu nhẹ nhàng hơn của Chủ tịch FED Jerome Powell không thể làm dịu bất cứ ai, ngừng bắn chiến tranh thương mại đang dần trở nên mờ nhạt và tương lai năm 2019 đang gây ra tâm lý bi quan nguy hiểm.
Chứng khoán Mỹ lại chứng kiến đợt bán tháo tồi tệ thứ 3 kể từ tháng 10 với Dow Jones mất 1.004 điểm trong hai ngày. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng đang hướng về một kỷ lục tồi tệ lần thứ 2 trong tháng 12.
"Hiện tại, thị trường chứng khoán chẳng hề quan tâm đến những tín hiệu tốt. Nó khiến người ta nghĩ đến một kịch bản tồi tệ hơn trong tương lai. Nỗi sợ bao trùm và nhiều người chọn cách ngồi ngoài để quan sát tình hình", Peter Mallouk, đồng sáng lập của một văn phòng đầu tư đang quản lý 36 tỷ USD, nhận định.
Ở lúc này, chờ đợi có vẻ là chiến lược khả thi duy nhất. Vào phiên giao dịch đầu tiên của tuần này, S&P 500 đã nhanh chóng chọc thủng ngưỡng tâm lý được duy trì suốt 10 tháng, rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/2. Định giá bị thu hẹp và thu hẹp, cổ phiếu các công ty phần mềm và máy tính đang có mức P/E 15, rẻ hơn cả mức định giá của các công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng tiện ích và xà phòng. Việc bán tháo đang trở nên tồi tệ hơn.
P/E cổ phiếu công nghệ hiện tại chỉ là 15.
Với 54 điểm mất đi trong ngày 17/12, S&P 500 đã có cú giảm hơn 2% lần thứ 6 trong quý này. Nasdaq thì tồi tệ hơn với việc 10 lần mất hơn 2% giá trị trong cùng kỳ, mức tồi tệ nhất mà cả hai thị trường này từng phải chứng kiến kể từ quý 3/2011.
Những bất ổn về chính trị, thương mại cũng như giá dầu đang khiến mọi việc tồi tệ hơn. Tâm lý bao trùm là kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm hơn trong năm 2019. Bất cứ ai đưa ra những biểu đồ để chứng minh các nhà máy đang hoạt động tốt, tỷ lệ việc làm cao và lợi nhuận đang bùng nổ đều như "đàn gảy tai trâu".
Ngay cả khi S&P 500 Futures tăng sau phiên giao dịch, nó cũng chẳng có thể mang sự lại quan đến cho châu Á, khu vực đầu tiên giao dịch trong ngày mới. Giao dịch ở châu Á đang diễn ra theo cách vô cùng thận trọng.
Kate Warne, chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones, cho biết: "Các nhà đầu tư đang quá lo lắng nhưng đó cũng chính là nguyên nhân của sự sụt giảm mà chúng ta thấy thời gian gần đây. Người ta lo lắng về tăng trưởng của Mỹ cũng như tăng trưởng toàn cầu. Các nhà đầu tư rất căng thẳng với những thay đổi họ nghĩ có thể xảy ra phía trước và họ không chắc chắn về ý nghĩa thực sự của chúng".
Trong khi đó, có dấu hiệu cho thấy người Mỹ đang tìm hướng đầu tư ra nước ngoài. Kể từ khi chạm mốc thấp nhất trong 19 tháng vào cuối tháng 10, MSCI Emerging Markets Index, chỉ số đo lường của các thị trường mới nổi, đã hồi phục ngay cả khi S&P 500 liên tiếp thủng đáy. Hiện tại, các cổ phiếu trong MSCI đang vượt trội so với S&P 500 tuần thứ 3 liên tiếp, nhiều nhất kể từ cuối tháng Giêng.
Tháng 12 tồi tệ nhất kể từ năm 1931.
Để an ủi bản thân khi phải đối mặt với sự thật đáng buồn, các nhà đầu tư "bị vùi dập" có thể nhìn vào quá khứ để thấy điều diễn ra không thực sự quá tồi tệ. Theo những gì xảy ra năm 2009, thị trường mất khoảng 100 ngày chán nản trước khi dòng tiền trở lại và đưa mọi thứ về với quỹ đạo. Trong khi đó, so với 11 lần thị trường rơi vào ngưỡng con gấu kể từ Thế chiến II, lần này, S&P 500 mới chỉ trải qua 88 ngày, tương đương 1/3 mức trung bình.
Dẫu vậy, không thể bỏ qua tỷ lệ người bán và người mua trong ngày giao dịch 17/12. Tại sàn giao dịch Chứng khoán New York, có tới 1 tỷ cổ phiếu bị bán ra nhưng chỉ có 158 triệu cổ phiếu được mua vào. Chênh lệnh 883 triệu cổ phiếu là điều người ta chưa nhìn thấy kể từ năm 2016.
Hai ngày tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ kể từ tháng 10 xuất hiện cùng thời điểm Chủ tịch FED Powell tuyên bố sẽ tăng lãi xuất trong lần này, đánh dấu lần thứ 9 FED tăng lãi suất trong thời gian qua. Ông Powell đã dùng những từ ngữ hết sức mềm mỏng nhưng không ai nghĩ chính sách tiền tệ của FED sẽ mất đi ngay cả khi tăng trưởng kinh tế và thu nhập chậm lại so với năm nay.