Xã hội loài người nên theo đuổi sự phát triển bền vững lâu dài, thay vì chỉ dựa vào sự phát triển thông thường "sớm nở tối tàn". Vì vậy, chủ trương tiết kiệm vẫn là một quan niệm cơ bản nhất quán trong xã hội ngày nay.
Ở nhiều nơi công cộng, chúng ta có thể thấy đủ loại quảng cáo theo chủ đề kêu gọi tiết kiệm, các khách sạn lớn cũng chủ trương tiêu dùng một cách thông thái, nói không phung phí, phô trương...
Có thể nói, hai từ "tiết kiệm" ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của mọi người, đây là một điều tốt không có gì phải bàn cãi.
Trước đây, điều kiện sống của thế hệ trước tương đối khó khăn, và sự "nghèo khó" này gần như bao trùm suốt nửa đầu cuộc đời của họ.
Có lẽ vì sợ nghèo, nên tới ngày nay, dù điều kiện vật chất đã tương đối đầy đủ, thì thế hệ này vẫn sống rất tiết kiệm.
Không khó để nhận thấy người xưa luôn quan niệm "đủ dùng là được". Có thể nói thời đại bấy giờ đã phá vỡ quan niệm thẩm mỹ của cả thế hệ.
Nhiều lúc người xưa chỉ dùng tính thực dụng để phân biệt giá trị của một đồ vật. Lối sống này đã ăn sâu bén rễ vào tâm khảm của thế hệ trước, vì thế, chúng ta cũng nên khoan dung và chấp nhận điều này một cách đúng mực.
Câu chuyện của bà Vương Thiêm Thái ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) dưới đây có thể sẽ cho chúng ta có một cách nhìn khác về hai chữ "tiết kiệm".
Bà Vương sinh năm 1934, thời kỳ đó điều kiện sinh hoạt còn tương đối khó khăn. Cuộc sống của bà tuy không giàu có nhưng có thể nói là khá đầy đủ so với mặt bằng chung. Năm 1954, bà Vương xây dựng gia đình ở Bình Hương, tỉnh Giang Tây. Không lâu sau, hai vợ chồng bà đã có một cô con gái xinh xắn.
Bà Vương Thiêm Thái khi còn sống.
Tuy nhiên, cuộc sống hạnh phúc chẳng kéo dài được bao lâu thì bất hạnh ập đến. Không lâu sau khi đứa con thứ hai của bà Vương chào đời thì con gái lớn qua đời vì bạo bệnh, đứa con thứ hai cũng không may chết yểu. Người mẹ trẻ phải hai lần liên tiếp trải qua nỗi đau mất con và bị đả kích tâm lý nặng nề.
Lâu dần bà Vương rơi vào tình trạng tự trách móc bản thân, cả ngày chán nản, u uất.
May thay, chồng bà luôn yêu thương và chăm sóc vợ, ra ngoài chăm chỉ làm việc, thường tạo bất ngờ nhỏ cho bà. Ngay khi tinh thần của bà Vương được cải thiện một chút, thần chết lại nhẫn tâm đưa chồng bà đi.
Sự cố sập lò đã cướp đi sinh mạng của hơn mười thợ mỏ, trong đó có chồng bà Vương. Lúc bà chạy đến toan nghe ngóng tình hình thì chồng đã tử vong.
Lúc này cuộc sống của bà Vương hoàn toàn đắm chìm trong sự tuyệt vọng và bi thương. Từ đó, bà rơi vào trầm cảm, lặng lẽ cô đơn sống hết cuộc đời mình như thế.
Ấn tượng sâu sắc nhất của hàng xóm về bà là sự thanh đạm và tiết kiệm trong cuộc sống hàng ngày. Theo người dân trong làng thì bà Vương cực kỳ tiết kiệm, mâm cơm của bà chỉ có dưa muối và bánh bao.
Thậm chí là khi mắc bệnh, bà cũng không bao giờ lên thị trấn vì tốn tiền chữa trị. Dân làng đều cho rằng bà quá nghèo, lại sống cô đơn nên thương xót vô cùng. Vì thế mà mọi người thường xuyên giúp đỡ bằng cách mang thức ăn, quần áo và những vật dụng sinh hoạt cần thiết cho bà.
Sống tằn tiện không phải vì nghèo khó
Mãi tới khi bà Vương qua đời, mọi người mới sửng sốt vỡ lẽ, hóa ra bà tằn tiện sống qua ngày không phải vì nghèo khó.
Ngay cả khi có nhiều tiền, bà Vương vẫn sống kham khổ, không động đến những tài sản mà mình đang sở hữu.
Được biết bà Vương không có con cái hay người thân nào, dân làng sau khi phát hiện bà qua đời liền báo cho trưởng thôn cử người tới kiểm kê di vật.
Thật không nhờ, nhân viên đã tìm thấy một lượng lớn tiền giấy nằm rải rác dưới giường của bà Vương. Phải cần tới 6 người làm việc trong 3 tiếng đồng hồ mới kiểm kê xong.
Bà Vương Thiêm Thái hưởng thọ 84 tuổi, để lại di sản gần 970.000 Nhân dân tệ (tương đương 3,5 tỷ VND đồng). Một người già không có công ăn việc làm, không có trợ cấp sinh hoạt, tại sao lại có nhiều tài sản như vậy?
Theo di thư của bà Vương, số tài sản này bao gồm một phần tiền của người chồng quá cố để lại, còn phần lớn là tiền viếng và tiền bảo hiểm tai nạn nhận được sau khi chồng mất.
Bà Vương không nhìn nhận số tiền này là tài sản, mà coi đây là di vật cuối cùng mà người chồng để lại. Bởi vậy, cho dù cuộc sống có cực khổ đến đâu, bà cũng nhất quyết không tiêu đến một đồng.
Không ai có thể nghĩ rằng, đằng sau cuộc sống tiết kiệm qua ngày của bà Vương lại chứa nhiều đắng cay và cam chịu đến thế. Thế hệ đi trước đã trải qua nhiều gian khổ hơn so với lớp trẻ ngày nay, nên có lẽ nhiều người trong chúng ta khó có thể hiểu nổi tại sao người xưa lại tằn tiện đến vậy.
Đằng sau sự tiết kiệm của thế hệ cũ còn bao hàm nhiều nỗi niềm khó nói. Đối với họ mà nói, ý nghĩa của đồng tiền từ lâu đã vượt qua giá trị của những con số, điều này càng khiến họ đặc biệt trân trọng hơn.