Năm 2004, người dân thành phố London (Anh) xôn xao thông tin một cụ bà gần 90 tuổi đã để lại tài sản thừa kế khổng lồ cho một đầu bếp gốc Hoa 50 tuổi. Khoản thừa kế tương đương 150 triệu NDT tính theo tỷ giá hiện nay (516 tỷ đồng) trong khi người thân của cụ bà này lại tay trắng, gây ra mâu thuẫn và một vụ kiện cáo ồn ào đã xảy ra. Vậy uẩn khúc đằng sau sự việc này là gì?
Cuộc gặp “định mệnh” giữa 2 vợ chồng giàu có và đầu bếp gốc Hoa
Cụ bà 90 tuổi tên Golda Berthard còn người thừa kế tài sản của bà là đầu bếp chuyên nấu món Quảng Đông Ôn Kiến Sinh, từng theo cha sang Anh từ nhỏ. Chồng bà Golda Berthard, ông Simon Berthard là một chuyên gia về Trung Quốc, từng học tập và trưởng thành ở Quảng Đông nên nơi đây như quê hương thứ 2 của ông. Sau khi cha Golda Berthard qua đời, ông Simon là người tiếp quản công ty bất động sản, chuyên về dịch vụ cho thuê bất động sản.
Trong quá trình tìm kiếm địa điểm mở nhà hàng, 2 cha con họ Ôn đã có cơ duyên gặp Simon Berthard và được Simon giúp đỡ vì sự cảm mến với người Trung Quốc. Nhà hàng của cha con Ôn Kiến Sinh làm ăn phát đạt, Simon Berthard thường xuyên đưa vợ đến ủng hộ và trở thành khách quen.
Hai vợ chồng Berthard có một người con trai nhưng người này lại qua đời năm 28 tuổi vì một tai nạn máy bay. Việc này khiến cặp đôi rơi vào khủng hoảng và Simon cũng ra đi sau vài năm mắc bệnh nặng.
Golda Berthard từ lúc đó thường xuyên đến nhà hàng của gia đình họ Ôn để tìm kiếm niềm vui bình dị và một chỗ dựa về tinh thần. Ôn Kiến Sinh cũng thường xuyên gọi Golda Berthard là “bà nội” một cách thân mật. Trong mắt Golda Berthard, Ôn Kiến Sinh là một người chính trực, quan tâm đến đời sống của cả những người phục vụ trong nhà hàng. Khi Simon Berthard nằm trên giường bệnh cũng là người đầu bếp gốc Hoa này đến tận nhà chăm sóc ông.
Cụ bà Golda Berthard từng đến ở chung với những người cháu họ hàng nhưng thực tế chẳng ai thực sự quan tâm đến Golda mà chỉ tìm cách lợi dụng lấy tiền, thậm chí còn muốn cụ bà làm hết việc nhà. Cuối cùng Golda Berthard trở lại London, vợ chồng Ôn Kiến Sinh tình nguyện chăm sóc bà như một vị trưởng bối trong gia đình.
Ôn Kiến Sinh cho rằng đó là trách nhiệm báo đáp ân tình khi vợ chồng Berthard đã giúp họ thuở mới “chân ướt chân ráo” đến nước Anh còn Golda dần dần coi đầu bếp họ Ôn và vợ như con cháu trong nhà. Bà tặng nhẫn kim cương và ô tô cho vợ chồng Ôn Kiến Sinh “làm kỷ niệm”. Đến năm 79 tuổi trong thời điểm “gần đất xa trời”, bà Golda lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của gia đình Berthard cho những người vốn không có quan hệ huyết thống này.
Kiện tụng tranh chấp giữa người thân và “người ngoài”
5 người cháu, vốn không liên lạc với với bà Golda Berthard nhiều năm nhưng nghe tin bà mất liền đến để tang, chờ được thừa kế tài sản thừa kế nhưng luật sư cho biết họ sẽ không được nhận bất cứ một xu nào. Vậy nên họ quyết định kiện vợ chồng Ôn Kiến Sinh với cáo buộc làm giả di chúc.
Trước Toà án tối cao London, những người cháu này cho rằng vợ chồng Ôn Kiến Sinh cố tình tiếp cận bà Berthard trong vài năm gần đây, lợi dụng việc cụ bà 90 tuổi trí nhớ kém, có biểu hiện lú lẫn tuổi già để ký vào di chúc có lợi cho họ. Ông Ôn Kiến Sinh lập tức đưa ra rất nhiều bức ảnh cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa 2 gia đình từ năm 1970, bác bỏ cáo buộc làm quen bà Berthard vì tài sản.
5 người cháu nhà Berthard lại lập luận bà Golda mắc chứng mất trí nhớ nên di chúc không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên nhân chứng mang tính quyết định là bác sĩ riêng của bà Golda cho biết tại thời điểm lập di chúc, cụ bà vẫn tỉnh táo và luật sư cũng có thể làm chứng người phụ nữ này đủ năng lực hành vi dân sự.
Với bằng chứng và nhân chứng thuyết phục, Tòa án tối cao London đã ra phán quyết rằng bản di chúc của bà Golda Berthard là hợp lệ. Toàn bộ tài sản thuộc về đầu bếp họ Ôn. Ôn Kiến Sinh chủ động giao lại 10% tài sản cho người thân bà Berthard để giúp họ chi trả án phí, kết thúc cuộc chiến tranh chấp tài sản của cụ bà 90 tuổi.
Theo Toutiao