Ở Nara, Nhật Bản, có một nữ bác sỹ tâm lý học tên Tsuneko Nakamura, bà đã làm việc liên tục trong 70 năm.
Bất kể là những bác sỹ, luật sư đã có tuổi, hay những người trẻ tuổi, rất nhiều người đều thích kể cho bà Nakamura nghe tâm sự của mình.
Ngay cả khi tuổi đã già, bà vẫn giữ cho mình thói quen làm việc ít nhất 4 ngày một tuần, dùng sự chuyên tâm và nhẫn nại của mình để chữa lành vết thương tâm hồn cho không biết bao nhiêu người.
Cuộc đời của bà Nakamura trên thực tế không hề thuận lợi, vì sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả nên ngay từ nhỏ, bà đã được cha mẹ dạy rằng phải "dựa vào chính mình".
Sau này, bà quyết định trở thành một bác sỹ tâm lý cũng chỉ vì khi ấy, học y thì sẽ không cần phải mất tiền.
Trong thời kì chiến tranh, mỗi ngày bà phải vượt qua biết bao khó khăn mới tới được trường học, việc tìm việc làm cũng không phải việc dễ dàng.
Sau này, bà lấy một bác sỹ tai mũi họng.
Sau khi kết hôn, bà mới biết chồng mình là một kẻ nghiện rượu và vô cùng vô trách nhiệm.
Ngày nào tan làm, chồng bà cũng đi nhậu nhẹt với đồng nghiệp, không chỉ lấy tiền của nhà ra mời khách, mà còn không đoái hoài hay có chút đóng góp nào cho kinh tế gia đình.
Bà vừa phải làm việc để gánh vác kinh tế gia đình, vừa phải nuôi con, giáo dục con cái, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Nhưng dù có phải sống một cuộc sống như vậy, bà Nakamura vẫn luôn cảm thấy mình vô cùng hạnh phúc, cuộc sống vẫn rất tươi đẹp.
Bà Tsuneko Nakamura
Năm 90 tuổi, bà dùng tất cả kinh nghiệm sống của mình để viết nên cuốn sách Nhân Gian Đáng Giá (tựa Việt).
Cuốn sách ghi lại những kinh nghiệm ứng phó lại với những khó khăn trong cuộc sống, tất cả những ai từng đọc cuốn sách này đều sẽ được khích lệ và trở nên mạnh mẽ hơn.
Bài viết hôm nay muốn chia sẻ với các bạn 9 điều tâm đắc trong cuốn sách, hi vọng chúng sẽ trở thành ngọn đèn soi sáng cho cuộc sống của mỗi người.
Cuốn sách Nhân Gian Đáng Giá
1. Đi làm là vì tiền, không phải vì thích
Có câu nói: "Nhân vị tài tử, điểu vị thực vong".
Ý muốn nói con người có thể đánh nhau vì tiền, chim muông cũng có thể vì thức ăn mà mất đi sinh mạng.
Thay vì nói công việc là thứ giúp mình hiện thực hóa giá trị bản thân, chi bằng nói nó là một công cụ để mưu sinh.
Không gán cho công việc một ý nghĩa quá cao cả, cuộc sống ngược lại sẽ thoải mái và dễ sống hơn rất nhiều.
Nếu công việc không được như ý, bạn lại không có cách nào thay đổi thực trạng, vậy thì hãy nhớ cho kĩ một câu nói: "Công việc kiếm được ra tiền, chính là công việc tốt."
2. Đừng tiêu hao bản thân quá nhiều, đại đa số thành công đều nhờ sự tích lũy ngày này qua tháng khác
Đối mặt với phần lớn mọi chuyện trong cuộc đời, thái độ của bà Nakamura chính là: "Hôm nay làm được như này là được rồi."
Đây không phải là dễ dãi với bản thân, mà là để phân phối sức lực có hạn một cách đồng đều và lâu dài hơn.
Tích lũy ngày này qua tháng khác, mới có thể bùng phát ra được năng lượng lớn hơn.
Sinh mệnh giống như một đường chạy marathon, người thông minh luôn biết cách "giữ sức cho chặng cuối cùng".
3. Đừng lập cho mình một bản kế hoạch quá chi tiết, cho "điều ngoài ý muốn" một chút không gian
Bà Nakamura nói: "Đời người chính là dù bạn có lên kế hoạch ra sao, ở những thời điểm khác nhau vẫn sẽ xảy ra những vấn đề khác nhau, hoặc là theo ý bạn, hoặc là vô cùng ngoài ý muốn."
Một cuộc sống với một danh sách chi tiết có thể sẽ khiến ta an tâm hơn, nhưng cuộc sống luôn phát triển theo hướng không theo kế hoạch, lên một kế hoạch quá chi tiết, sẽ chỉ khiến bạn luôn phải trong trạng thái lo lắng, sợ trước sợ sau, khi phải đối mặt với một biến động nào đó, sẽ trở nên bất lực, không biết phải làm sao.
Chi bằng cứ thả lỏng một chút, thản nhiên tiếp nhận vạn sự của cuộc đời, hay những tình huống dù tốt dù xấu bất ngờ ập tới.
Chỉ cần bạn nhớ một điều: "Luôn luôn phải thật lòng đối mặt với trái tim của mình."
4. Đối mặt với mâu thuẫn, người nhượng bộ trước là người thắng cuộc
Có người nói, kẻ trí là kẻ biết cúi đầu, bao dung và biết "cong eo".
Đối mặt với mâu thuẫn, người có thể bình tĩnh lại, cúi đầu xin lỗi rồi thẳng thắn ngồi lại trao đổi, nói chuyện với đối phương, thường là người biết khống chế cảm xúc, và có một nội tâm mạnh mẽ.
Người cúi đầu xin lỗi trước, tưởng là người nhận thua nhưng thực ra là họ biết "lấy nhu khắc cương", "lấy lùi làm tiến".
Bất kể khi nào, người không thể bình tĩnh và trao đổi với người khác một cách hòa khí sẽ chẳng thể làm được việc gì, càng không thể có được chỗ đứng trong xã hội.
5. Thẳng thắn thừa nhận "Tôi không làm được" sẽ khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn rất nhiều
Bà Nakamura nói rằng, phần lớn mọi người trên thế gian này đều có chung một "căn bệnh", đó là cố tỏ ra mạnh mẽ.
Người cố tỏ ra mạnh mẽ thường là người thích ôm đồm, không tỏ ra yếu đuối, cũng không cần tới sự giúp đỡ của người khác.
Thực ra, thẳng thắn chấp nhận "tôi không làm được", biết cách từ chối và nhờ người khác giúp đỡ, hoàn toàn không phải là yếu đuối, ngược lại đó là một cách làm thông minh.
Cự tuyệt lãng phí thời gian một cách vô ích, mời người có năng lực về giúp đỡ mình làm việc, đây lẽ nào không phải một trí tuệ sống ư?
6. Khó khăn khiến mọi thứ trở về con số 0, nhưng cũng khiến mọi thứ bắt đầu lại
Người trưởng thành bắt buộc phải nhận thức ra được một chân tướng rằng khó khăn, vất vả là một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Bà Nakamura nói với chúng ta rằng: "Tất cả mọi việc, tới sau cùng, rồi sẽ tìm được ra cách giải quyết ổn thỏa, đời người chỉ có thể mỉm cười mà sống tiếp."
Khó khăn, thách thức có thể khiến mọi nỗ lực trước đó quay trở về con số 0, nhưng nó đồng thời cũng là một cơ hội để ta bắt đầu lại.
Mọi việc đã trải qua đều có ý nghĩa, đối đãi với cuộc sống, ngoài việc tự tạo ra niềm vui, sự lạc quan giữa những sóng gió và bấp bênh ngoài xã hội, có lẽ sẽ chẳng còn cách sống nào khác.
7. Quá lo lắng về tương lai, là đang lãng phí thời gian của hiện tại
Rất nhiều phiền não, lắng lo trong cuộc đời, thực chất đều tới từ sự lo âu quá mức của chúng ta.
Còn bò lo làm chuồng là một kiểu trí tuệ, nhưng lo bò trắng răng lại là một sự xuẩn ngốc không đâu.
Quá lo lắng tới tương lai, cũng là đang lãng phí thời gian cho những chuyện thậm chí còn chưa xảy ra.
Khoảnh khắc trước mắt, mới là quý giá nhất.
8. Học cách biết ơn những gì đang có, biết thỏa mãn, nhất định sẽ hạnh phúc
Có câu nói rằng: "Sự xuẩn ngốc lớn của đời người, chính là không biết điểm dừng."
Dục vọng, khát khao là không có giới hạn, nếu không biết thế nào là đủ, không trân trọng những gì đang có, bạn sẽ không bao giờ có thể biết thỏa mãn.
Người giàu có nhất trên thế giới, không phải là người "có" nhiều nhất, mà là người "muốn có" ít nhất.
9. Gia đình, mãi mãi là phần quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người
"Gia đình", là cái gốc của con người, là điểm yếu mong manh nhất, nhưng đồng thời cũng là chiếc áo giáp cứng rắn nhất.
Có câu: "Gia hòa vạn sự hưng".
Trong nhà có an ổn, ta mới yên tâm ra ngoài lo thế sự; người nhà khỏe mạnh, bình an, mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn.
Gia đình, chính là bến đỗ, là đích đến một đời một kiếp của mỗi người.