Tờ Sohu đưa tin, câu chuyện một cụ bà neo đơn, qua đời ở tuổi 84 và để lại khối tài sản khổng lồ đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, gây xôn xao. Theo đó, cụ bà này nổi tiếng với lối sống tằn tiện, gần như chỉ ăn dưa muối, cháo trắng qua ngày. Đến lúc qua đời, người dân trong làng thu dọn đồ đạc, phát hiện khoảng 5 túi nilon tiền trong nhà, phải nhờ nhân viên ngân hàng đến kiểm đếm trong 3 giờ liên tục.
Ăn dưa muối, cháo trắng qua ngày.
Sau khi chồng và 2 con đều qua đời vì bệnh tật, bà Vương (tên đầy đủ là Vương Thiên Tài) sống một mình trong căn nhà cũ kỹ, ẩm mốc ở một ngôi làng tại Giang Tây, Trung Quốc.
Theo lời kể của dân làng, bà sống vô cùng tiết kiệm. Hằng ngày, bà không đi chợ mà chủ yếu ăn cơm với dưa chua - do bà trồng và tự muối, cháo trắng hoặc bánh bao không nhân. Một lọ dưa chua muối bà ăn với cơm trong nửa tháng, người hàng xóm kể. Hằng ngày, bà vẫn ra đồng làm việc, ít giao tiếp và sống trầm lặng. Sau một thời gian, sức khỏe của bà dần yếu đi, ngất xỉu phải nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán bà Vương bị suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng nặng.
Dù biết tình trạng của mình, bà Vương vẫn duy trì lối sống tằn tiện, không chấp nhận lời khuyên hay nhận sự giúp đỡ của những người hàng xóm. Nhiều người chia sẻ, họ đều nghĩ bà Vương sống khổ sở do gia cảnh nghèo khó, không có tiền. Trước khi chồng bà còn sống, hai người đi làm bất kể ngày mưa hay nắng và sống rất tiết kiệm. Hai đứa con của bà Vương bị bệnh, song vì không có tiền chữa trị nên đã qua đời khi còn trẻ tuổi. Chính quyền địa phương cũng cố gắng giúp bà bằng cách hỗ trợ tài chính hàng tháng.
Căn nhà nơi bà Vương đang ở cũng đã cũ kỹ, lụp xụp. Đời thường, bà Vương cũng chỉ mặc lại đồ cũ, chắp vá chằng chịt.
Qua đời để lại khối tài sản kếch xù
Cuộc sống của bà Vương cứ lặng lẽ trôi qua từng ngày cho đến năm bà 84 tuổi. Trong một buổi sáng mùa đông, hàng xóm không thấy bà đi làm, liền qua nhà tìm và phát hiện bà đã qua đời.
Sau đám tang, chính quyền địa phương cùng một số người dân trong làng đã tới giúp dọn dẹp lại căn nhà. Ban đầu, hầu hết mọi người đều xúc động, nghẹn ngào khi thấy căn nhà nhỏ, vật dụng đều đã cũ kỹ của bà Vương. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 phút dọn dẹp, một người đàn ông bất ngờ phát hiện phía dưới gầm giường có 5 túi nilon đen rất to, được buộc kín, phủ đầy bụi. Ban đầu, người dân đều nghĩ là quần áo hoặc rác, xong khi mở túi bóng ra, ai nấy đều ngạc nhiên khi chứng kiến bên trong có rất nhiều tiền, với vô số mệnh giá khác nhau.
Sau khi bình tĩnh lại, tất cả mọi người quyết định gọi cảnh sát. Ngay lập tức, cảnh sát cùng 6 nhân viên Ngân Hàng thành phố đến và kiểm đếm số tiền. Cuối cùng, sau 3 giờ, với 6 người ngồi đếm liên tục mới tính ra tổng số tiền mà bà Vương để lại, khoảng 970.000 nhân dân tệ (gần 3,3 tỷ đồng).
Sự việc xảy ra gây chấn động dân làng. Nhiều người thắc mắc tại sao bà cụ nghèo khó lại sở hữu nhiều tiền đến vậy. Sau khi cảnh sát vào cuộc, mọi nghi vấn đã được làm sáng tỏ. Theo đó, họ tìm ra di vật mà bà Vương để lại, đó là một bức thư giữa bà và chồng.
Qua bức thư, nhiều người biết được câu chuyện đau lòng của bà Vương. Sau khi hai con đều qua đời vì bệnh tật mà không có tiền cứu chữa, cả chồng và bà đều rơi vào đau khổ, ám ảnh cái nghèo. Chồng bà Vương từng có quãng thời gian đi làm xa nhà, tại một mỏ khai thác đá. Công việc nặng nhọc, nguy hiểm, song bù lại lương rất cao. Mỗi tháng, ông đều gửi tiền về cho vợ. Cả hai chỉ liên lạc qua thư. Bà Vương ở nhà không dám tiêu tiền, cất dành để lúc ốm đau có tiền chi trả. Thế nhưng, được khoảng 2 năm, chồng bà Vương qua đời do tai nạn lao động.
Cú sốc lớn khiên bà Vương gần như rơi vào trầm cảm. Mỗi ngày bà đều sống trong đau khổ và buồn tủi. Bà cũng chẳng màng đến sức khỏe của bản thân mà chỉ ăn uống cho qua bữa. Bà không dám tiêu số tiền chồng đã gửi về trước đó vì mặc cảm tội lỗi, nghĩ rằng chồng vì kiếm tiền mà qua đời. Mỗi ngày bà vẫn đi làm, tiết kiệm tiền. Tiền được chính quyền chu cấp hàng tháng, bà cũng không tiêu.
Cuối cùng, vì bà Vương không có người thân, chính quyền địa phương cùng người dân trong làng quyết định trao gửi số tiền mà bà để lại cho quỹ an sinh xã hội của địa phương.
Nguồn: Sohu.