Cứ 5 thanh niên Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp

Thanh Thủy - Ban Thời Sự |

Theo thống kê, cứ 5 thanh niên Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp. Trung Quốc hiện có nhiều sinh viên học vấn cao nhưng vẫn không tìm được việc làm.

Đại dịch COVID-19 và sự siết chặt hoạt động của các công ty công nghệ, cùng thị trường bất động sản đóng băng đã khiến thị trường lao động nước này rơi vào ảm đạm. Giới trẻ được cho là chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Anh Đằng Đằng đã tốt nghiệp đại học, nhưng không thể tìm được việc làm đúng chuyên ngành anh học. Anh mở quán bar nhưng đã phải đóng cửa nhiều lần do đại dịch. Tuy nhiên, không giống như nhiều bạn cùng khóa, ít nhất anh cũng có việc để làm.

Việc làm cho những người trẻ tuổi đang khan hiếm vào lúc này. Tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 24 tuổi trở xuống đang ở mức cao nhất mọi thời đại - khoảng 19%.

Cứ 5 thanh niên Trung Quốc thì có 1 người thất nghiệp - Ảnh 1.

Lưu Tử Hoành học ngành du lịch hiện đang làm công việc được trả lương thấp trong một cửa hàng games

"Tất cả nhân viên của chúng tôi đều có trình độ học vấn cao, một số có bằng khoa học chính trị hoặc luật của Đại học Nghiên cứu Quốc tế ở Bắc Kinh", anh Đằng Đằng nói.

Nhiều người trẻ tuổi đang làm những công việc thấp hẳn so với trình độ của họ. Như anh Lưu Tử Hoành học ngành du lịch. Anh đã tìm việc trong nửa năm, bây giờ làm công việc được trả lương thấp trong một cửa hàng games.

Anh nói: "Tôi thấy số lượng việc làm được quảng cáo đã giảm trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều người trong chúng tôi thực sự muốn đi làm sau khi học xong cử nhân, nhưng vì không có việc làm nên chúng tôi tiếp tục học".

Niềm tin rằng chỉ những người học nhiều mới tìm được việc làm đã ăn sâu vào xã hội ở đây. Số người tiếp tục học cao hơn đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây. Năm 2010 chỉ có 24% học sinh tốt nghiệp đại học mỗi năm, bây giờ là khoảng 58%. Vì thiếu cơ hội việc làm, nhiều người chọn học để lấy bằng cấp khác.

Các nghiên cứu cho thấy, lo lắng là cảm xúc chủ đạo của thế hệ này. Trong năm qua, từ "nằm yên" đã lan truyền khắp Trung Quốc, nó là tên của một phong trào phản đối áp lực cạnh tranh liên tục.

GS. Hướng Bưu - Học viện Xã hội Max Planck nói: "Họ phàn nàn về tình hình hiện tại, nhưng họ chưa tìm ra giải pháp thay thế. Họ chưa biết điều gì có thể làm một cách xây dựng để dẫn đến một lối sống khác".

Trong nhiều thập kỷ qua, sự tăng trưởng ổn định đã mang lại cho mọi người cơ hội và hy vọng. Nhưng giờ đây, những con số kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm của giới trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại