Nhờ sự cải tiến và phát triển ngày càng tăng của công nghệ khám phá vũ trụ, con người đã và đang nắm bắt được nhiều thông tin từ không gian kỳ bí của vũ trụ thông qua các kính viễn vọng quy mô lớn ở trên mặt đất, trong vũ trụ…
Có không ít phát hiện từ vũ trụ rộng lớn khiến giới khoa học kinh ngạc, thậm chí là phải "vò đầu bứt tai" để giải mã. Đặc biệt, trong số những phát hiện về vũ trụ, có một hiện tượng lạ mà cho đến nay vẫn có thể khiến giới khoa học phải kinh ngạc.
Đó là tín hiệu sóng vô tuyến nhanh bí ẩn nhưng rất đều đặn ở trong không gian rộng lớn của vũ trụ.
Tín hiệu lạ cứ 16 ngày lặp lại một lần
Trong thời gian từ tháng 9/2018 – tháng 10/2019, các nhà khoa học phát hiện ra chớp sóng vô tuyến nhanh (FRB) lặp lại theo chu kỳ đều đặn, bằng cách sử dụng kính viễn vọng của Dự án Thí nghiệm định hình cường độ hydro Canada (CHIME).
Tín hiệu này được đặt tên khoa học là FRB 180916.J0158 65, có chu kỳ 16 ngày trong 409 ngày liên tục.
Theo các nhà nghiên cứu, trong 4 ngày, nguồn phát FRB sẽ phát ra 1 – 2 chớp sóng vào mỗi giờ. Sau đó, tín hiệu này sẽ biến mất trong 12 ngày, trước khi nó lặp lại toàn bộ quá trình.
Các chuyên gia phỏng đoán rằng những tín hiệu bí ẩn này đến từ một thiên hà cách Trái Đất khoảng 500 triệu năm ánh sáng. Tuy nhiên, vị trí chính xác thì vẫn chưa được xác định.
Các nhà khoa học phát hiện tín hiệu lạ có chu kỳ lặp lại là 16 ngày. Ảnh: Getty Images
Theo CNN, các nhà khoa học lần đầu quan sát thấy FRB vào năm 2007. Trong khoảng thập kỷ sau đó, các chuyên gia chỉ ghi nhận được khoảng 140 vụ nổ trên khắp vũ trụ.
Lý giải về điều này, Phó Giáo sư Vật lý Kiyoshi Masui tại Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: "Bạn phải đặt kính viễn vọng vô tuyến vào đúng chỗ và đúng thời điểm. Bạn cũng không thể dự đoán chúng sẽ xảy ra ở đâu và khi nào".
Phó Giáo sư Vật lý Kiyoshi Masui cho biết, trên thực tế, vì phần lớn kính viễn vọng vô tuyến chỉ có thể quan sát được một khoảng trời có kích thước bằng Mặt Trăng. Điều này có nghĩa là phần lớn các vụ FRB đã bị bỏ sót.
Thế nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi kính viễn vọng vô tuyến CHIME đặt tại British Columbia, Canada, và nhận được nhiều tín hiệu sóng vô tuyến trong năm đầu tiên hoạt động (năm 2018).
Kính viễn vọng vô tuyến CHIME sử dụng thiết kế hoàn toàn bằng kỹ thuật số và có bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số để có thể thu được các tín hiệu vô tuyến đến. CHIME có thể truyền qua một lượng dữ liệu lớn (khoảng 7 terabit mỗi giây, hoặc tương đương với một tỷ lệ phần trăm nhỏ của lưu lượng truy cập Internet trên phạm vi toàn cầu).
Trong khoảng thời gian từ năm 2018 – 2019, CHIME đã phát hiện ra được 535 vụ nổ sóng vô tuyến nhanh mới.
Thực tế có nhiều vụ FRB được CHIME phát hiện đã đi từ các thiên hà xa xôi và có khả năng được tạo ra bởi các nguồn năng lượng cực mạnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vấn đang cố gắng xác định chính xác bản chất của những nguồn này.
Phần lớn các FRB tìm thấy đều thất thường, diễn ra bất chợt và biến mất nhanh chóng, khiến cho các nhà nghiên cứu không thể truy tìm được nguồn gốc của chúng. Tuy nhiên, việc phát hiện ra tín hiệu FRB có tính liên tục và định kỳ 16 ngày như trên trở thành mục tiêu lý tưởng để các nhà khoa học tập trung tìm kiếm và khám phá.
Trong năm 2019, các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Thí nghiệm định hình cường độ hydro Canada (CHIME) đã phát hiện ra các nguồn phát của 8 tín hiệu sóng vô tuyến nhanh mới, trong đó có cả tín hiệu với chu kỳ 16 ngày.
Hệ thống ăng-ten của CHIME. Ảnh: CNN
Đặc điểm điển hình của các vụ nổ sóng vô tuyến nhanh là năng lượng giải phóng ra rất lớn. Các chuyên gia hy vọng tìm được nguồn gốc của những sóng vô tuyến này, từ đó có thể giúp giải mã những bí ẩn trong vũ trụ.
Theo ông Duncan Lorimer, Phó chủ nhiệm Khoa Vật lý Thiên văn tại ĐH West Virginia, phát hiện trên cho thấy những gì mà chúng ta biết về nguồn gốc của FRB ít tới mức nào. Do đó, chúng ta cần những quan sát khác với lượng FRB lớn hơn nhằm có cái nhìn rõ nét và cụ thể hơn về nguồn phát tín hiệu tuần hoàn ở ngoài không gian.
Liên tục lặp lại theo chu kỳ 16 ngày, rốt cục loại tín hiệu này có nguồn gốc từ đâu?
Nguồn gốc của tín hiệu lạ có vòng lặp 16 ngày?
Nguồn gốc của các vụ nổ sóng vô tuyến nhanh vẫn còn là bí ẩn. Ảnh: spaceanswers
Nguồn gốc của tín hiệu lạ này vẫn còn là một bí ẩn thú vị. Một số chuyên gia đã đưa ra suy đoán, nguồn gốc của tín hiệu có thể là do một vụ sáp nhập sao neutron, hoặc vụ nổ siêu tân tinh. Thậm chí cũng có nghi ngờ đó là tín hiệu đến từ một nền văn minh kỳ bí ở ngoài Trái Đất. Cụ thể, giả thuyết này cho rằng có một nền văn minh ngoài hành tinh đã "thao túng" việc giải phóng nguồn năng lượng bí ẩn và cố gắng liên lạc với con người trên Trái Đất thông qua một số tín hiệu.
Tuy nhiên, giả thiết này dường như không khả thi. Bởi lẽ nếu nền văn minh ngoài Trái Đất thực sự tồn tại thì cũng có thể gửi thông tin ra thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, vì những thông tin này được truyền dưới dạng sóng nên giới hạn trên tốc độ của nó chỉ có thể là tốc độ ánh sáng. Mặt khác, nơi xảy ra vụ nổ sóng vô tuyến nhanh (FRB) lại rất xa Trái Đất, một số ít đã cách hàng trăm nghìn năm ánh sáng.
Đối với FRB thông thường, khoảng cách từ so với Trái Đất dài tới 500 triệu năm ánh sáng. Do đó, việc truyền tín hiệu cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Quá trình lâu đến như vậy thử hỏi có sự sống nào có thể "chờ đợi"?
Chính vì vậy, các nhà khoa học đưa ra nhận định nguồn gốc của những vụ nổ vô tuyến nhanh này chính là hiện tượng tự nhiên trong không gian vũ trụ. Rất có thể đây là do một chu kỳ hình thành bởi một số thiên thể trong vũ trụ dưới tác động của quy luật vận động riêng.
Các nhà khoa học cũng không biết chắc thứ gì hay nguồn gì tạo ra những chớp sóng vô tuyến bí ẩn này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hành vi của nó tương tự như các hệ nhị phân như sao và hố đen.
Chu kỳ 16 ngày bí ẩn này có thể là lúc nguồn phát FRB quay về phía Trái Đất khi nó di chuyển trên quỹ đạo.
Cho đến nay, đánh giá từ kết quả nghiên cứu hiện tại, các nhà khoa học vẫn còn nhiều điều chưa biết về các vụ nổ vô tuyến nhanh xuất hiện và lặp lại trong vũ trụ.
Bài viết tham khảo nguồn: CNN, Vice, Amazelab, Forbes