Lễ ký kết sẽ có sự tham gia của các quan chức cấp bộ đại diện cho những nước tham gia hiệp định. Ông Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản, sẽ đại diện Tokyo tham gia.
Sau đó, CPTPP sẽ có hiệu lực trong 60 ngày sau khi 6/11 nước tham gia hoàn thành các thủ tục trong nước như được quốc hội thông qua. Chính phủ Nhật dự kiến sẽ trình một bản thảo kế hoạch về hiệp định lên quốc hội nước này sớm nhất là trong năm 2018, và nó sẽ có hiệu lực trong năm 2019.
Theo Yomiuri Shimbun, lễ ký kết sẽ đánh dấu một thỏa thuận chính thức về CPTPP giữa 11 nước tham gia. Nhiều nguồn tin tiết lộ chính phủ Nhật có kế hoạch đẩy mạnh các nỗ lực thuyết phục Canada, nước chưa hào hứng tham gia một thỏa thuận sớm.
Song song với công tác thuyết phục Candana, Nhật cũng sẽ cử ông Motegi đến thăm từng nước còn lại để chuẩn bị lo lễ ký kết sắp tới. Theo các nguồn tin, sở dĩ Nhật kêu gọi sớm ký CPTPP vào đầu năm 2018 là vì lo ngại đà phát triển của thỏa thuận này sẽ chặn lại bởi những cuộc đàm phán kéo dài.
Các nguồn tin cũng cho biết Tokyo đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Canada và vẫn xem xét đến khả năng lễ ký kết chỉ có 10 quốc gia khi nỗ lực thuyết phục thất bại. Tuy nhiên, một nguồn tin đánh giá hiệu quả kinh tế của CPTPP sẽ giảm đáng kể khi thiếu Canada, vì trong số 11 nước thì tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này lớn chỉ sau Nhật.
Nhật sẽ cố thuyết phục Canada - Ảnh: Windsor Star
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm 2017, các quốc gia còn lại đã bắt đầu những cuộc đàm phán mới và đạt được thỏa thuận cơ bản vào tháng 11, đồng thời nhất trí đổi tên hiệp định thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Hiệp định mới cho treo 20 điều của thoả thuận TPP ban đầu trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn 4 điểm được để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới.
Trong quá trình đàm phán, Canada kiên quyết yêu cầu phải có những điều khoản bảo vệ lĩnh vực văn hóa của nước này trong hiệp định mới. Sau khi đạt được thỏa thuận cơ bản, Canada quyết định sẽ bàn về vấn đề này sau.