Văn bản cuối cùng của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được công bố hôm 21-2, qua đó báo hiệu thỏa thuận này tiến gần hiện thực hơn bao giờ hết ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ.
Nhiều kỳ vọng
Theo Reuters, hơn 20 điều khoản bị tạm treo hoặc thay đổi trong phiên bản này, trong đó có những quy định liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được đưa vào ban đầu theo yêu cầu của Washington.
CPTPP là tên mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 thành viên. TPP rơi vào bế tắc vào năm ngoái sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này, lấy lý do ưu tiên bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.
Đến tháng 1-2018, 11 thành viên còn lại (Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam) hoàn tất một hiệp định thương mại sửa đổi, được gọi là CPTPP.
Theo kế hoạch, CPTPP được ký kết tại Chile vào ngày 8-3 tới để dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019 - theo lời Bộ trưởng Thương mại New Zealand David Parker. Hiệp định mới sẽ giảm thuế đối với 11 nền kinh tế chiếm tổng cộng hơn 13% GDP toàn cầu - khoảng 10.000 tỉ USD. Nếu có thêm Mỹ, các nền kinh tế này sẽ chiếm tới 40% GDP toàn cầu.
"Với TPP-11, thay đổi lớn là việc đình chỉ nhiều điều khoản gây tranh cãi, nhất là liên quan đến dược phẩm" - bà Kimberlee Weatherall, chuyên gia tại Trường ĐH Sydney (Úc), nhận định. Những điều khoản này ban đầu được đưa vào TPP-12 theo yêu cầu của phía Mỹ, trong đó có quy định tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm. Tuy nhiên, một số chính phủ và các nhà hoạt động lo ngại điều này sẽ làm tăng chi phí thuốc men.
Chính phủ một số nước thành viên CPTPP đã nhanh chóng nêu bật những lợi ích kinh tế của thỏa thuận. Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo nhấn mạnh TPP-11 sẽ giúp tạo thêm việc làm cho mọi lĩnh vực ở nước này và mang đến những cơ hội lớn trong một khu vực thương mại tự do trải dài từ châu Mỹ đến châu Á.
Trong khi đó, chính phủ New Zealand dự báo CPTPP sẽ giúp nền kinh tế đất nước có thêm 0,88-3 tỉ USD mỗi năm.
Ông Trump đối mặt sức ép
Theo Reuters, việc hoàn tất CPTPP còn được xem là động thái đối phó chủ nghĩa bảo hộ đang tăng của Mỹ với hy vọng Washington cuối cùng sẽ quay lại. "CPTPP đã trở nên quan trọng hơn bởi mối đe dọa đang tăng nhằm vào hoạt động hiệu quả của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)" - ông Parker nhận định hôm 21-2.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Thụy Sĩ vào tháng rồi, ông Trump nói rằng Washington có thể quay lại hiệp định nếu có một thỏa thuận tốt hơn. Tuy nhiên, ông Parker cho rằng khả năng này trong vài năm tới là "rất khó xảy ra".
Ngay cả khi Washington bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP, không có gì bảo đảm tất cả thành viên sẽ chấp nhận những điều khoản bị đình chỉ nói trên.
Chia sẻ suy nghĩ này, ông Kazuyoshi Umemoto, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật, cho rằng dù Tokyo hy vọng Mỹ trở lại CPTPP nhưng thừa nhận việc chỉnh sửa hiệp định lúc này là điều rất khó khăn.
Ngoài ra, khi được hỏi về khả năng Anh gia nhập CPTPP, ông Umemoto cho rằng bất kỳ nước nào muốn gia nhập cũng đều được hoan nghênh bất kể vị trí địa lý.
Những phát biểu không mấy lạc quan nói trên hẳn là tin không vui đối với 25 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ (GOP) vừa lên tiếng thúc giục ông Trump tái khởi động đàm phán để quay trở lại TPP.
Theo tờ The Washington Post, những nhà lập pháp này hôm 16-2 đã gửi thư thúc giục ông chủ Nhà Trắng đổi ý đối với hiệp định từng bị ông mô tả là "thảm họa". Lá thư nhận định việc tăng cường gắn kết kinh tế với 11 thành viên còn lại của TPP có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng Mỹ, như cải thiện đáng kể sức cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu.
Những người ủng hộ thương mại tự do, trong đó có nhiều thành viên GOP, lo ngại rằng ông Trump đã phạm sai lầm khi rút khỏi TPP và từ bỏ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế toàn cầu.