Hàng chục nghìn lít sữa đổ đi mỗi ngày
Jason Leedle sau khi nhận được cuộc điện thoại vào tối thứ 3 đã ngay lập tức cảm thấy bồn chồn.
"Chúng tôi muốn anh bắt đầu đổ sữa đi", trích lời đại diện của Hiệp hội nông dân nuôi bò sữa (DFA), hợp tác xã bò sữa lớn nhất tại Mỹ với anh Leedle.
Mặc dù nhu cầu về các loại thực phẩm thiết yếu trong đó các sản phẩm từ sữa tăng mạnh do sự lây lan của dịch COVID-19, chuỗi cung ứng sản phẩm gần đây liên tiếp đối mặt với một loạt trở ngại khiến cho chế phẩm từ sữa không thể đưa ra thị trường tiêu thụ.
Việc đóng cửa hàng loạt các nhà hàng và trường học đã khiến cho thị trường buôn bán sản phẩm từ sữa chuyển từ hình thức tập trung bán buôn sang các cửa hàng bán lẻ. Điều này đã tạo ra một loạt trở ngại lớn cho các nhà máy chế biến sữa, bơ và pho mai.
Ngành kinh doanh bơ sữa bị ảnh hưởng nhiều và sớm hơn so với các mặt hàng nông nghiệp khác bởi vì bơ sữa là các sản phẩm dễ bị hư hỏng, không thể đông lạnh như thịt hay tích trữ vào kho chứa thực phẩm như lúa mỳ.
"Thật là đau xót. Tôi chỉ nhìn thấy sữa bò đang bị đổ xuống cống thôi" cảm thán của anh Leedle khi đang đứng trong trại nuôi bò của mình và nhìn thấy những đường ống sữa đi xuống thẳng ra nắp cống.
Kể từ hôm thứ 3 đến nay, anh Leedle hàng ngày đều phải đổ đi gần 17.780 lít sữa vắt ra từ 480 con bò. DFA đã chia sẻ với hãng tin Reuters rằng tổ chức này đã đề nghị một số nông dân trong hợp tác xã thực hiện việc vứt bỏ sữa đi nhưng không nói chi tiết có bao nhiêu người trong số 7500 thành viên đã làm việc này.
Anh Leedle chia sẻ mong muốn được nhận lại số tiền bồi thường cho số sữa mà anh và các nông dân phải đổ đi. Tuy nhiên, do doanh số của hợp tác xã giảm sút nên các khoản thanh toán cho các thành viên cũng sẽ bị giảm mạnh tương ứng.
Land O’ Lakes Inc, một hợp tác xã khác cũng cảnh báo các thành viên về khả năng đổ bỏ sữa đi. Một hợp tác xã Foremost Farms có trụ sở tại bang Wisconsin thâm chí đưa ra nhận định u ám hơn
"Bây giờ là thời điểm chỉ giữ lại những con bò tốt nhất trong đàn. Chúng tôi tin rằng khả năng chế biến sữa không còn quan trọng nữa"
Do cũng sở hữu các nhà máy chế biến bơ và pho mai, hợp tác xã này cũng nói rằng đang cân nhắc cả việc đổ bỏ sữa đi. Điều đáng nói là việc vứt bỏ sữa đi diễn ra trong lúc nhu cầu về sản phẩm sữa đang tăng cao đột biến. Trong những tuần gần đây, khách hàng do lo ngại từ việc đóng cửa hoạt động kinh doanh và phong tỏa toàn quốc đều mua sạch các loại nhu yếu phẩm trong đó có các sản phẩm từ sữa. Theo số liệu của hãng Nielsen, doanh số bán lẻ sữa tăng gần 53% trong tuần 14-21/3 trong khi doanh số bán bơ tăng 127% và pho mai tăng 84% so với cùng kỳ năm trước. Các cửa hàng bán lẻ cũng đang tăng giá bán các loại thực phẩm. Giá bản lẻ trung bình của sản phẩm sữa bò cũng đã tăng 11,2 % trong tuần này.
Hàng loạt nhà hàng đóng cửa
Làm thế nào tìm đủ số lượng tài xế xe tải chỉ một trong những khó khăn hiện nay. Các nhóm nông nghiệp đang vận động hành lang để nới lỏng quy định tải trọng xe tải trên đường cao tốc, giúp tăng khối lượng hàng hóa được vận chuyển trên mỗi chuyến xe.
Vấn đề chính là sự chuyển hướng đột ngột nhu cầu của thị trường từ nhà hàng sang các cửa hàng thực phẩm nhỏ lẻ đang tạo ra những thách thức lớn cho hoạt động logistic. Các nhà cung cấp đang chuyển đổi hình thức đóng gói bán buôn cho các nhà hàng sang loại đóng gói bán lẻ tại các cửa hàng.
"Thông thường, khoảng một nửa ngân sách tiêu dùng của người dân Mỹ dành cho ăn uống tại nhà hàng và hiện tại nguồn thu này bằng 0", trích lời biên tập Matt Gould thuộc ấn phẩm thương mại Phân tích thị trường thực phẩm và bơ sữa Mỹ.
Các chuyên gia cho biết, lấy ví dụ 1 nhà máy sẽ phải đầu tư hàng triệu đôla tiền thiết bị để biến máy thái lát pho mai cung cấp cho nhà hàng bán thức ăn nhanh sang loại pho mai thái nhỏ phù hợp cho các cửa hàng bán lẻ. Thậm chí, việc chuyển đổi các loại túi đóng gói 5 kg pho mai thái vụn cho các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chuyển sang các loại túi bán lẻ 300 gram cũng đòi hỏi đòi hỏi chi phí chuyển đổi máy móc đóng gói và dán nhãn mới rất tốn kém.
Theo phát ngôn viên của hãng thực phẩm Schreiber Foods Inc Andrew Tobish, một trong những nhà máy sản xuất và phân phối thực phẩm bơ sữa hàng đầu tại Mỹ, đang tiến hành cắt giảm giờ làm việc của công nhân tại nhà máy chế biến bơ sữa do các nhà hàng đóng cửa hàng loạt và tăng cường nhân viên cho các nhà máy sản xuất hàng hóa bán lẻ.
Ông Jeff Schwager, chủ tịch hãng pho mai Sartori Cheese tại Plymouth, bang Wisconsin, đã từng gặp trường hợp các nhà hàng từ chối nhận hàng. Một số nhà hàng đã gọi điện để hỏi xem họ có thể mang trả phomai đã nhận nhiều tuần trước được không.
Các nhà sản xuất thịt và nông dân trồng rau củ cũng đang chuyển đổi từ hình thức bán buôn sang bán lẻ, khiến cho nhiều sản phẩm không còn được tích trữ trên kệ hàng tại cửa hàng rau củ nữa.
Paul Sproule, một nông dân trồng khoai tây tại bang North Dakota, nói rằng các nhà máy chế biến đã không mua hàng từ ông nữa do không còn sản xuất khoai tây chiên và các loại thức ăn dùng trong nhà hàng nữa. Hầu hết các nông dân đều không thể chuyển hướng hoạt động kinh doanh phù hợp với lĩnh vực bán lẻ do họ không có kinh nghiệm về việc đóng gói và mối quan hệ làm ăn với các cửa hàng bán lẻ.