Covid-19: Thấy máy bay Trung Quốc, máy bay viện trợ Úc quay về?

Phạm Nghĩa |

Một máy bay của Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) viện trợ cho Vanuatu đã trở lại sau khi một máy bay Trung Quốc chở thiết bị y tế đậu dưới sân bay.

Theo Reuters, vụ việc xảy ra cuối tuần trước. Các quan chức sân bay Vanuatu cho biết máy bay Úc sau khi vượt quãng đường 2.000 km đã quyết định quay về mặc dù trạm kiểm soát không lưu thông báo nó có thể hạ cánh.

Lúc đó, một máy bay Trung Quốc chở thiết bị y tế do tỉnh Quảng Đông quyên tặng để giúp Vanuatu chống dịch bệnh Covid-19 đang đậu dưới sân bay. Máy bay này hạ cánh xuống Port Vila từ hôm 11-4.

Giám đốc điều hành sân bay Vanuatu, Jason Rakau, nói với Reuters: "Máy bay Trung Quốc đậu ở tít cuối đường băng. Đường băng vẫn còn trống tới 2 km. Chúng tôi bảo họ có thể hạ cánh nhưng họ lại quay về".

Người phát ngôn Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynold không trả lời khi được Reuters liên lạc. Ủy ban Cấp cao Úc tại Vanuatu sau đó xác nhận một máy bay của RAAF đã đến Vanuatu hôm 13-4 để cung cấp hàng viện trợ, bao gồm bộ dụng cụ trú ẩn, chăn và đèn năng lượng mặt trời. Đây là một phần của gói cứu trợ trị giá 4 triệu AUD (2,6 triệu USD) của Canberra dành cho quốc đảo Nam Thái Bình Dương này.

Covid-19: Thấy máy bay Trung Quốc, máy bay viện trợ Úc quay về? - Ảnh 2.

Giám đốc Chương trình Quần đảo Thái Bình Dương tại Viện Lowy (Úc) Jonathan Pryke mô tả vụ việc kể trên là "kỳ lạ". "Hợp tác với nhau rất quan trọng. Khi cả hai bên cố gắng giúp đỡ, ngay cả khi không làm việc cùng nhau, các bên có thể làm theo cách của mình" – ông Pryke bình luận.

Trong khi đó, Reuters cho biết sự cạnh tranh giữa Úc và Trung Quốc về viện trợ cho khu vực Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.

Cơn bão nhiệt đới Harold đổ bộ đảo Espiritu Santo - Vanuatu từ hôm 6-4, phá hủy hơn 1.000 trường học và 90% nhà cửa ở tỉnh Sanma trước khi tấn công Quần đảo Solomon, Fiji và Tonga. Truyền thông địa phương đưa tin 2 người thiệt mạng ở Vanuatu và 27 người nữa ở Quần đảo Solomon.

Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã trích 2,5 triệu USD từ quỹ nhân đạo khẩn cấp để giúp hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi bão Harold ở Vanuatu.

Úc trước đây là nhà tài trợ lớn nhất cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Hiện Canberra đang tìm cách tăng cường cam kết với khu vực vì lo ngại nguy cơ bị lu mờ bởi viện trợ và hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.

Do dịch bệnh Covid-19, Vanuatu đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Hàng viện trợ đến từ Trung Quốc và Úc được các nhân viên mặc đồ bảo hộ cá nhân xử lý. Quyền Thủ tướng Charlot Salwai nói rằng thiết bị xét nghiệm nhanh từ Trung Quốc đang rất cần thiết cho các bệnh viện ở Vanuatu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại